Hồi chưa về nghỉ hưu, gần như năm nào tôi cũng có dịp tới thăm các gia đình thương binh, liệt sĩ. Mỗi nhà mỗi cảnh, hẳn là vui ít, buồn nhiều, song đều để lại trong tôi những trăn trở, xúc động. Bây giờ nhớ lại lần về thăm vợ chồng anh Nguyễn Quang Nhật ở Thường Tín (Hà Nội), tôi vẫn chưa hết nao lòng.
Anh Nguyễn Quang Nhật bị thương sau một ngày chiến đấu ác liệt ở kênh Tân Hội, Long Châu Hà – 1973. Những trận pháo giàn của địch – ngoài một mảnh vạc mất mảng đầu của anh, không sây sát gì cơ thể, nhưng sau đấy nhiều khi cứ làm anh bất tỉnh tới hàng tuần, nhiều lúc lên cơn co giật, người xanh quắt dần như tàu lá héo. Mấy năm ở các viện quân y, mặc dù được các thầy thuốc quân đội hết lòng cứu chữa, bệnh vẫn chỉ giảm ít nhiều, anh xin về điều trị tại nhà. Và như hàng vạn thương binh khác về với gia đình: nhà thành bệnh viện, vợ - con – anh – chị - em thành bác sĩ, y sĩ, hộ lý của “Viện” này.
Chúng tôi tới thăm anh, anh niềm nở mời thuốc, rồi cứ ngồi yên, mắt ngơ ngơ nhìn đâu đó, ai hỏi gì chỉ trả lời từng câu ngắn ngủi. Anh Chi – Phó chủ tịch huyện Thường Tín, nói nhỏ với tôi “Tiếp xúc đông người, anh ấy dễ căng thẳng thần kinh lắm!”.
Để anh được yên tĩnh, chúng tôi rẽ sang mấy nhà hàng xóm. Bà con kể: Mấy chục năm về nhà, anh vẫn gầy xanh thế. Riêng chứng co giật có chiều tăng lên. Vốn là một thầy giáo trước khi đi bộ đội, tính tình nhã nhặn, đứng đắn, vậy mà mỗi lần sắp lên cơn, anh thành ai khác: nổi khùng, quát tháo, chân tay cứng ra, người run giật đùng đùng, rồi ngất xỉu. Những lúc ấy chị Tơ - vợ anh lại dìu anh lên giường, hai tay cuống cuồng xoa bóp khắp cơ thể cho anh, miệng thì ngon ngọt dỗ dành. Có bận, cơn co giật chợt đến, anh hất cả mâm cơm vào chị, chị vẫn ôm lấy anh xoa bóp, cười cười.
Cái năm về thăm huyện Phú Xuyên cũng nhân ngày TBLS, tôi được gặp người vợ của một thương binh thuỷ chung son sắt. Dáng người thanh mảnh, nắng sương lam lũ không lấp nổi làn da trắng trẻo vốn có. Đôi mắt đen lặng lẽ dưới hai hàng mi cong thỉnh thoảng chớp nhẹ, toát lên một tâm hồn đa cảm, nghị lực. Và cái miệng mỗi khi chị cười, thật hiền dịu, ân tình.
Chuyện tình yêu của chị đẹp như thơ: Anh Tuấn ở làng Mỹ Lâm, chị Nga ở xóm An Hòa, hai bên cách nhau cánh đồng rộng. Một chiều của năm 1980, chị đi làm thuỷ lợi, anh ra thăm ruộng khoán, hai người gặp nhau. Người con trai mặc chiếc áo lính bạc màu, đi trên chiếc nạng gỗ, in bóng lồng lộng trong nắng chiều ấy, ám ảnh chị không dứt. Rồi quen, rồi yêu từ lúc nào. Qua lại thăm nhau gần một năm thì nhiều lời dèm pha độc địa bay đến tai anh chị:
- Ôi dào, con gái hơ hớ thế mà đi lấy thằng cụt.
- Chồng què, bố mẹ chồng già yếu, nó không nhìn thấy sao, còn cứ đâm đầu vào…
Lòng tự trọng của người lính bị tổn thương, anh Tuấn dằn lòng cố quên mối tình đó, không lui tới xóm An Hòa nữa. Chị Nga thì im lặng. Một năm, hai năm, rồi 7 năm qua; một chàng, hai chàng, tới ba chàng trai đến hỏi chị làm vợ, chị chỉ lắc đầu. Bố mẹ hỏi vì sao, chị trả lời: “Con đã hứa hẹn với anh Tuấn, con không thể lấy ai khác”. Lời Nga tới tai Tuấn, anh nhờ người đánh tiếng lại và tháng 2-1987, hai người cưới nhau. Lẽ ra gia đình thật êm ấm, hạnh phúc dẫu đói no còn thất thường. Song những vết thương từ những năm ở Trường Sơn bấy lâu ngỡ đã lành, giờ lại tái phát, huỷ hoại nốt bàn chân còn lại của anh. Lúc chị sinh cháu Nguyệt thì cũng là lúc anh phải đi bệnh viện tháo bàn chân đó. Thế là anh mất cả hai bàn chân, đi lại trong nhà đều phải bò. Ngày 2,3 lần cõng anh đi đại tiểu tiện, ở một tay chị hết. Cụ Nguyễn Văn Chắc, bố chồng chị, nói với tôi: “Cháu hiếu thảo, dịu hiền, chịu thương, chịu khó lắm. Cực nhọc thế nhưng ít khi thấy cháu kêu than, khóc lóc. Nhiều lúc do bệnh tái phát, đau đớn, căng thẳng, chồng nó giận dữ, mắng nhiếc, cháu vẫn nín nhịn, dịu dàng. Chỉ có một lần cháu nó khóc quá…”.
Ấy là lúc bé Nguyệt được 8 tháng, vết tháo bàn chân của Tuấn lại rò rỉ, bác sĩ bảo anh phải vào bệnh viện cắt thêm nửa ống chân nữa, may ra mới lành bệnh. Chị Nga gửi cháu ông bà trông, lên viện chăm sóc anh. Cái hôm anh lên bàn mổ, chị chờ ngoài hành lang, cứ ngồi úp mặt vào tường khóc nức nở suốt hai giờ rưỡi đồng hồ. Sau này anh hỏi chị sao khóc nhiều, chị bảo: “Em thương anh đau đớn, em thấy cứ như người ta cưa vào chính ống chân mình vậy…”.
Về Phú Xuyên, tôi còn được gặp đôi vợ chồng thương binh - CCB làm kinh tế giỏi: Anh Vũ Ngọc Thuần ở thôn Hà Liễu, xã Phúc Tiến, vào Nam chiến đấu tháng 2-1968, bị thương trong một trận đánh năm 1972 ở Tam Kỳ. Trận pháo chụp của địch làm anh mất một lá phổi, nửa bàn tay phải, vỡ ống chân và phạt đi 4 chiếc xương sườn. Cái năm chúng tôi đến thăm, anh vừa xây xong nhà mái bằng, hai gian khác đang đổ móng. Trong nhà đã sắm đủ tù chè, sa lông, giường hộp. Không thể không hỏi về cơ ngơi này khi anh về chỉ có hai bàn tay trắng, chưa có đất, có nhà… - Đất này HTX cấp cho. Anh trả lời!
- Còn gạch ngói, giường tủ từ đâu ra?
- Vợ tôi, vợ tôi làm ra cả, chứ tôi còn sức đâu…
Gặng hỏi mãi anh mới kể: Ngày anh về, ngỡ khó lấy vợ, song chị Thêm – cô thôn nữ to khoẻ, chất phác ở xóm trong, đến với anh. Anh vui tính, lại ảnh hưởng tác phong con nhà lính, nên lấy nhau xong, anh bàn luôn với vợ: - Ta bắt đầu từ số không nhưng nhất định không chịu chết đói, em quyết tâm không?
- Quyết tâm!
- Vết thương anh quá nặng, khó lao động chân tay được nhiều. Song anh sẽ nghĩ cách, sẽ phác ra các phương án làm ăn, còn em là người thực hiện, đồng ý không?
Cái vui lây sang chị, chị hóm hỉnh: - Đồng ý. Anh sẽ là tiểu đội trưởng, em là chiến sĩ.
Anh cười, thầm thì với vợ: - Chiến lược kinh tế của chúng ta là từ từ, từng bước; chiến thuật là đánh gọn, dứt điểm từng trận, từng việc…
Và anh kể, năm đầu vừa làm khoán sản, anh chị vừa “quất” một đàn ngỗng. Thắng to, trả hết vốn, còn mua được 5 ngàn gạch để sẵn. Năm tiếp, anh chị nuôi lợn thịt, nuôi hẳn đôi ba con, không bán mà chỉ đổi lấy thóc, năm nào cũng xuất chuồng 3,4 tạ. Thuận đà, anh nuôi thêm lợn nái, đồng thời xin đấu thầu các đầm, rãnh bỏ hoang của hợp tác. Việc này biết tính cũng trúng lớn: bờ ao trồng khoai lang, nơi trũng cấy lúa, dưới sâu nuôi cá, lợi chung, mà mỗi năm mình cũng thu được 5-6 tạ thóc… Đại thể thế, ngày nào, mùa nào cũng có việc làm, tích cóp mỗi thứ một tí, làm được nhà, được cửa… Anh lại cười ngượng ngịu: - Tôi chỉ bày vẽ thôi, còn cô ấy làm cả. Đi sớm về khuya, lam lũ nhọc nhằn lắm, nhưng nhà tôi chẳng kêu ca một lời, vui hơn nữa là khác. Vừa rồi, biết tôi không nói ra, song rất mong có thêm một “quý tử”, cô ấy bảo: Đợi lên nốt hai gian nhà, anh muốn sinh đứa con trai nữa cũng được…
Nguyễn Phúc Ấm