Đám cưới của 7 thương binh
Bà Nguyễn Thị Yên kể:
"Quê tôi ở Giang Cao, Bát Tràng, Gia Lâm; còn chồng tôi - Ông Trần Văn Cứ - ở tận Tân Hưng, Lý Nhân, Hà Nam. Chả là hồi kháng chiến, tôi theo bố mẹ tản cư lên Bảo Toàn, huyện Hạ Hoà, Phú Thọ. Mặt trận Điện Biên Phủ mở ra, tôi xung phong vào dân công hoả tuyến, rồi được điều về một đội tải thương. Ngày ngày, khiêng cáng các anh bộ đội bị thương còn trẻ đẹp, cứ quằn quại trong đau đớn, lũ con gái chúng tôi không đứa nào cầm được nước mắt. Tình cảm nhen lên từ ấy. Đang lúc cơ duyên bén nhau, thì xã Bảo Toàn - nơi tôi tản cư, đón thương binh về chăm sóc và vận động các cô gái làng xây dựng gia đình với các anh. Chẳng lâu la gì, hàng chục chị em đã đăng ký. Tôi thì tôi thương nhất anh Cứ, vì anh bị thương nặng quá - gãy một tay, lại còn một mảnh đạn trên đầu. Xã tổ chức cho 7 đám cưới linh đình lắm, làng trên, xóm dưới tới dự đông nghịt, người tặng túi hoa quả, cái nồi, cái xoong; người tặng con gà hoặc cân đường, hộp sữa, nói là để chị em bồi dưỡng cho các "lang quân". Cưới giản dị mà vui, hát hò tới nửa đêm chưa dứt… Thật may, hoà bình lập lại, gia đình hồi cư về Hà Nội, ông ấy nhà tôi được Xí nghiệp sứ Bát Tràng sắp xếp công ăn việc làm, lúc trái gió trở trời, lại thăm nom cứu chữa, nên cuộc sống cũng ổn…
Lấy vợ, lại được lên chức
CCB Nguyễn Văn Khiếu nhớ lại:
Vào thời điểm chuyển phương châm từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc", trưởng ban huấn luyện Trung đoàn 98 Phạm Ngọc Xương được giao nhiệm vụ vào sâu tìm lối mở đường từ Bản Tấu đi Tà Lèng thì gặp cô gái Hà Nội Lê Thị Thược, ở Đội điều trị quân y Đại Đoàn 316, đóng gần đó. Hơn một tháng làm đường ở đây, hai người chỉ gặp nhau 2 lần, nhưng anh chị đều cảm thấy không thể thiếu nhau, để rồi đúng ngày nổ súng đánh Him Lam - mở màn chiến dịch, thì họ đã trao lời hẹn ước. Thế rồi bẵng đi, Trung đoàn 98 của Phạm Ngọc Xương bận quần nhau với giặc trên đồi C1, C2 suốt hơn tháng trời quyết liệt, mãi tới ngày Điện Biên Phủ toàn thắng, anh chị mới gặp lại nhau bên hầm chỉ huy của Đờ Cát-xtơ-ri, và lần này họ nhất trí với nhau báo cáo với tổ chức xin kết hôn. Ít thấy đám cưới nào đông vui nhộn nhịp như đám cưới của đôi trai tài gái sắc này - dẫu chỉ có bát nước chè xanh nhấm nháp với bánh chè lam và những viên kẹo bột. Các cán bộ chỉ huy cấp cao như đồng chí Vũ Lăng, Phạm Sinh, Đan Thành cũng có mặt. Chính uỷ Đại đoàn 316 Chu Huy Mân và Tư lệnh Đại đoàn Lê Quảng Ba lại có cả thơ mừng. Hạnh phúc nhất là chú rể Phạm Ngọc Xương: đúng ngày cưới, anh được trao quyết định thăng chức lên phó tham mưu trưởng trung đoàn! Thật là vừa được lấy vợ, lại được lên chức!...
50 năm lễ cưới vàng
Nhà báo Tô Kiều Thẩm kể:
Những ngày ta bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đỗ Xuân Lộc - nay ở cụm 1, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội - là đại đội trưởng đại đội vận tải ngựa, chuyên thồ gạo, đạn từ phà Âu Lâu (Yên Bái) lên Lũng Lô, đèo Trẹn (Sơn La). Qua lại nhiều lần, ông quen bà Trần Thị Mỹ ở đội dân công vận tải - người địa phương này. Từ quen đến thân, rồi từ thân đến yêu, nhanh lắm, song họ hẹn nhau khi Điện Biên Phủ rộn rã chiến công, mới làm lễ thành hôn…
Tháng 5-2004, cả nước tưng bừng mừng đón 50 năm ngày chiến tháng lịch sử, ông Lộc không khỏi bồi hồi nhớ lại những năm tháng hào hùng ấy của dân tộc, mà từ trong lửa đạn ác liệt đó, tình duyên của ông đã được tác thành và ông quyết định phải tổ chức một buổi họp mặt kỷ niệm "50 năm - Lễ cưới vàng". Khách thì có bạn bè, đồng đội cùng bà con, anh em chòm xóm; nhất là không thể vắng các con, các cháu - "Chúng nó phải được kể cho nghe thật nhiều chuyện Điện Biên". Ông nghĩ vậy …
Cuộc gặp gỡ thật là rôm rả. Vào lúc trà, kẹo van vãn rồi, một chàng trai trẻ hỏi:
-
Bác ơi! Ngày ấy cưới thế nào, bác tả lại cho chúng cháu nghe với!
-
Hà hà… Đơn giản nhưng vui lắm. - Ông Lộc cười vang rồi rút trong túi ra một tờ giấy. - Đây, bác viết thành thơ rồi đây. Mời các ông bà, các con và các cháu nghe nhé:
Quen nhau trong đợt dân công
Trời se nên vợ, nên chồng mới hay
Rạp cưới lợp bằng dù Tây
Trà sim, kẹo bỏng, vỗ tay: pháo mừng
Nhà trai lựu đạn ngang lưng
Nhà gái quần xắn lưng chừng ống chân
Đại đội tuyên bố kết hôn
Như hô khẩu hiệu công đồn đêm qua
Tiếp theo hai họ đồng ca
Rằng: quân đã chọn, hẳn là
gái ngoan…
50 năm - mấy gian nan
Mối tình xưa vẫn nồng nàn yêu thương
Cháu, con hãy lấy làm gương…
Ông Lộc đọc chưa dứt, tiếng vỗ tay đã ran lên, và kéo dài mãi ….
NGUYỄN PHÚC ẤM