Không có ruộng, cả gia đình 5 nhân khẩu chỉ trông chờ vào những mẻ lưới đặt dưới sông, lúc vào mùa vụ đi làm thuê làm mướn. Đời sống gặp nhiều khó khăn, 3 người con phải nghỉ học giữa chừng. Cùng với sự giúp đỡ của Công ty Him Lam và bà con, anh Đạt đã xây dựng được căn nhà khang trang trị giá 87 triệu đồng. Được lãnh đạo Hội đến vận động hướng dẫn phát triển kinh tế như nuôi cá trê vào mùa nước nổi, trồng rau cải, nấm rơm... chỉ sau 1 năm chăm chỉ làm ăn, gia đình anh đã thoát nghèo. Cùng niềm vui với anh Đạt là gia đình anh Trần Thanh Bình. Khi thấy căn nhà của anh Bình quá dột nát, Hội vận động hội viên được số tiền 2.700.000 đồng sửa chữa thay lá, lợp tôn. Không chỉ hỗ trợ sửa nhà, Hội còn giúp gia đình chuyển đổi mô hình sản xuất, vay vốn nuôi vịt, nuôi cá trê. Gia đình không còn phải đi làm thuê làm mướn nữa. Cuộc sống đã dần ổn định.

Ông Trần Thành Nghiệp, Chủ tịch Hội CCB TP Cần Thơ cho biết thêm: “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được xem là công tác trọng tâm”. Đúng như ông nói, nhờ có sự giới thiệu, giúp đỡ của Hội, 2 con của CCB Huỳnh Hoàng Em (xã Giai Xuân, Phong Điền) đã được đào tạo nghề cắt tóc và chụp hình. Sau khi học xong, 2 em đều đã có việc làm, thu nhập ổn định, hằng tháng gửi về hỗ trợ gia đình 1 triệu đồng; gia đình CCB Nguyễn Văn Ớt (quận Cái Răng) cũng được hỗ trợ tìm việc cho 2 cháu, thu nhập bình quân trên 1,5 triệu đồng/tháng.

Tính ra, từ tháng 9-2008 đến nay, Hội CCB đã giới thiệu được gần 100 cháu vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh. Có thể nói, các phong trào giúp nhau thoát nghèo bền vững tại Hội CCB Cần Thơ đã khơi dậy được tinh thần tương trợ từ đồng đội, lấy mục tiêu giảm nghèo để phấn đấu, kết quả, số hội viên nghèo từ 13,95% đến năm 2010 chỉ còn 1,3%.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NGHI