Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao ở trẻ em, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Nguyên nhân chính gây tử vong khi trẻ bị tiêu chảy là mất nước và điện giải, tiếp theo là suy dinh dưỡng (SDD). Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình trẻ dưới 3 tuổi mắc từ 3 - 4 đợt tiêu chảy, thậm chí có những trẻ bị 8 - 9 đợt bệnh mỗi năm.
Bộ Y tế vừa ban hành tài liệu hướng dẫn xử trí mới về tiêu chảy ở trẻ em. Tài liệu này mô tả những nguyên tắc và thực hành điều trị tiêu chảy, đặc biệt ở trẻ em, được sử dụng cho cán bộ y tế các tuyến trực tiếp làm công tác điều trị và chăm sóc trẻ tiêu chảy.
Những điểm mới trong hướng dẫn này là bổ sung kẽm, sử dụng oresol (dung dịch bù nước bằng đường uống) có độ thẩm thấu thấp trong điều trị tiêu chảy cho trẻ, sử dụng kháng sinh ciprofloxacin (quinolone) trong điều trị lỵ do trực khuẩn lỵ (Shigella) và sử dụng vắc xin Rotavirus để phòng bệnh.
Theo Bộ Y tế, kẽm là một vi chất rất quan trọng cho sức khoẻ và sự phát triển của trẻ em. Kẽm cũng có vai trò rất quan trọng cho hệ thống miễn dịch của trẻ. Kẽm có tác dụng tốt trong việc hồi phục biểu mô ruột, vì thế, việc bổ sung kẽm trong tiêu chảy ở trẻ em là rất cần thiết.
Trẻ tiêu chảy bị mất một lượng lớn kẽm trong quá trình bị bệnh. Bù lại lượng kẽm bị mất đi do tiêu chảy rất quan trọng để giúp trẻ sớm hồi phục bệnh (giảm thời gian, mức độ nặng của tiêu chảy), đồng thời giúp cho trẻ tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ mắc đợt tiêu chảy mới trong những tháng tiếp theo sau tiêu chảy. Vì thế, việc điều trị tiêu chảy cho người bệnh sẽ bắt buộc phải bổ sung kẽm.
Điểm mới thứ hai trong hướng dẫn này, đó là cần cho bệnh nhân sử dụng oresol (dung dịch bù nước bằng đường uống) có độ thẩm thấu thấp. Hiệu quả điều trị đối với trẻ em sẽ tốt hơn nếu giảm nồng độ của natri, glucose và độ thẩm thấu toàn phần xuống thấp hơn so với oresol chuẩn trước đây. Oresol chuẩn trước đây có độ thẩm thấu cao so với huyết tương nên có thể gây tăng natri máu, đồng thời gia tăng khối lượng phân thải ra, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ưu điểm của Oresol nồng độ thẩm thấu thấp làm giảm khối lượng tiêu chảy và nôn. An toàn, hiệu quả trong điều trị và phòng mất nước bất kể nguyên nhân gì.
Thứ 3 là sử dụng kháng sinh Ciprofloxacin (Quinolone) trong điều trị lỵ do trực khuẩn lỵ (Shigella) gây hội chứng lỵ phân máu. Do tình trạng vi khuẩn kháng axit Nalidixic đã xuất hiện và ngày càng tăng, nguy cơ gây kháng chéo với các thuốc khác trong nhóm Quinolone nên Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo chọn Ciprofloxacin để điều trị lỵ do Shigella. Liều dùng 15mg/kg x 2lần/ngày x 3 ngày.
Đặc biệt, Bộ Y tế khuyến cáo để phòng tiêu chảy trẻ em, trẻ nên được uống vắc xin Rotavirus theo đúng độ tuổi hướng dẫn. Vì Rotavirus là tác nhân gây tiêu chảy cấp nặng thường gặp nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Các bà mẹ có con dưới 6 tháng tuổi nên đưa trẻ đi uống vắc xin để ngăn ngừa trẻ khỏi sự tấn công của Rotavirus. Phác đồ chủng ngừa bao gồm 2 liều vắc xin uống, sử dụng cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi, khoảng cách tối thiểu giữa 2 liều vắc xin là 1 tháng./. Cao Thuý