Báo tháng 9 -Bệnh tràn dịch màng phổi là tình trạng tích tụ dịch (có thể gồm máu, dịch hoặc khí) bên trong khoang trống giữa phổi và thành ngực. Khi hiện tượng tích tụ dịch vượt quá mức cho phép ở khoang màng phổi có thể gây nên những biến đổi nguy hiểm.

Bệnh thường gặp ở người trưởng thành, việc điều trị tràn dịch màng phổi lành tính không quá phức tạp, tuy nhiên trường hợp ác tính tái phát nhiều lần thì nguy cơ tử vong cao.

Dấu hiệu nhận biết tràn dịch màng phổi

Khi thấy có những dấu hiệu sau, các bạn cần chú ý:

- Đau ngực: Là triệu chứng ban đầu của tràn dịch màng phổi. Đau âm ỉ phía bên tràn dịch, nếu nằm nghiêng phía bên đối diện thì cơn đau sẽ tăng lên.

- Khó thở: Là hiện tượng điển hình, mức độ khó thở tùy thuộc vào số lượng cũng như tốc độ dịch tiết ra.

- Sốt: Khi tràn dịch màng phổi, người bệnh có thể sốt. Đây là phản ứng bình thường của cơ thể khi có dấu hiệu nhiễm trùng do tràn dịch màng phổi gây ra. Tuy nhiên trong trường hợp tràn dịch màng phổi xảy ra ở người cao tuổi, người mắc bệnh hiểm nghèo thì sẽ không có triệu chứng sốt.

- Ho khan: Một trong những triệu chứng tràn dịch màng phổi thường gặp là ho khan. Tuy nhiên tần suất ho khan còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh (tràn dịch màng phổi do bệnh lao sẽ ho nhiều hơn các bệnh như: áp xe gan, áp xe cơ hoành...).

Nguyên nhân tràn dịch màng phổi

Nguyên nhân tràn dịch màng phổi chủ yếu là do biến chứng của nhiều loại bệnh khác nhau như:

- Nhiễm trùng ở phổi (áp xe phổi vỡ, viêm phế nang do vi rút, bụi phổi, bệnh khí phế thũng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vỡ bóng khí phế nang...).

- Cơn hen suyễn nặng hoặc chấn thương lồng ngực gây xuyên thủng phổi.

- Gãy xương sườn làm tổn thương phổi hay áp xe ở các cơ quan khác vỡ tràn vào màng phổi (thường là áp xe cơ hoành).

- Lao phổi được coi là nguyên nhân tràn dịch màng phổi hàng đầu (chiếm đến 40%).

Ngoài ra, tràn dịch màng phổi còn có thể do hậu quả của một số thủ thuật như chọc dò, nội soi phế quản, dẫn lưu màng phổi.

Cách phòng tránh bệnh tràn dịch màng phổi

Để tránh mắc các bệnh về phổi, áp-xe gan do vi khuẩn hoặc do ký sinh trùng, chúng ta cần xây dựng môi trường sống xanh sạch. Vì vậy, vệ sinh môi trường sống thường xuyên, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nên ăn chín, uống chín, không ăn các loại thực phẩm sống như: tiết canh, gỏi cá, nem chua, nem chạo, rau sống... Không hút thuốc lá để phòng các bệnh về đường hô hấp. Cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh họng, miệng, răng sạch hằng ngày bằng cách đánh răng, súc họng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.

THÀNH AN