Phát huy truyền thống Anh hùng trong thời kỳ đổi mới, Trạm ra-đa 11, đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là “những con mắt thần của biển, đảo”.
Sau sự kiện 14-3-1988, 64 cán bộ, chiến sĩ ta đã oanh liệt chiến đấu với bọn xâm lược nước ngoài và anh dũng hy sinh để bảo vệ đảo, ngày 7-5-1988, Trạm ra-đa 11 được thành lập ở đảo Trường Sa Lớn. Đây là trạm ra-đa đầu tiên, quản lý vùng trời quần đảo Trường Sa. Một phần tư thế kỷ qua, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ ra-đa kế tiếp nhau làm các nhiệm vụ: Quản lý vùng trời, vùng biển ở quần đảo Trường Sa, trong khu vực được phân công; bổ trợ cho không quân ra công tác ở Trường Sa và sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống xảy ra; phát hiện tín hiệu lạ, báo với các đơn vị bạn đóng quân trong khu vực và cùng tham gia chiến đấu bảo vệ đảo.
Trạm trưởng, Trung tá Nguyễn Mậu Thông, quê xã Thụy Vân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, từng tốt nghiệp Học viện Phòng không - Không quân. Anh cho biết: Trước đây, đơn vị chưa được trang bị hệ thống ra-đa cảnh giới biển tầm xa, anh em phải dán mục tiêu thủ công bằng tay, mất nhiều thời gian. Hơn nữa, lúc đó, chỉ huy không nhìn thấy cảnh thực trên biển, nên gây khó khăn cho việc xử lý tình huống. Song hiện nay, với trang thiết bị hiện đại (thiết bị VSAT và hệ thống truyền số liệu mở rộng “đầu – cuối”, việc xử lý tin theo công nghệ cao, đã thuận lợi hơn rất nhiều. Các mục tiêu được xử lý bằng số hóa, giúp cán bộ chỉ huy thấy được sự di chuyển của mục tiêu; biết vị trí, tọa độ của nó trên máy để dễ điều hành công việc.
Tuy nhiên, theo Trung tá Nguyễn Mậu Thông, thiết bị dù có tốt nhưng vẫn cần yếu tố con người. Kíp chiến đấu của trạm hiện nay biên chế đủ, gọn; các vị trí đều có những sĩ quan chuyên nghiệp, có thâm niên trong nghề, giỏi chuyên môn đảm trách. Anh em thay phiên trực máy 24/24 giờ để mỗi bước chuyển động của mục tiêu, đều nằm trong tầm mắt của chiến sĩ ra-đa. Trên cơ sở đó, bộ đội phán đoán mục đích hoạt động của mục tiêu kịp thời chuyển về Sở chỉ huy của Quân chủng. Hằng năm, Trạm ra-đa 11 đã nhận và chuyền về Sở chỉ huy Quân chủng nhiều nghìn lần mục tiêu; bảo đảm đường truyền luôn ổn định, với tỷ lệ hoạt động VSAT đạt hơn 98%, kết nối đường dây lên Sở chỉ huy đạt 99%.
Trạm trưởng Nguyễn Mậu Thông dẫn tôi xuống phòng trực chuyên môn của đơn vị để hiểu hơn công việc cụ thể của cán bộ, chiến sĩ ở đây. Tôi đưa mắt theo dõi việc làm của kíp trực. Thiếu uý chuyên nghiệp Trần Quang Chuyển căng mắt nhìn từng biến chuyển trên màn hình ra-đa; phương vị cự ly, số lượng, kiểu loại, hoạt động của các phương tiện trên biển, được nhân viên tiêu đồ thể hiện chi tiết trên bản đồ. Sau 30 phút tiếp tục quan sát, sục sạo, toàn bộ mục tiêu được anh em thông báo đầy đủ về trạm. Đây là một trong 6 phiên hiệp đồng phân ban toàn trạm mà hàng ngày, mỗi kíp trực phải hoàn thành. Cùng kíp trực có Nguyễn Quốc Bắc. Vừa làm anh vừa tranh thủ chỉ cho khách thấy những chấm sáng chuyển động trên màn hình và nói rõ, đâu là tàu quốc tế, đâu là tàu nghiên cứu biển, tàu cứu hộ, tàu vận tải, tàu cá… đang hoạt động hợp pháp trên biển. Bắc cho biết thêm: Những ngày đầu, tiếp xúc với hệ thống máy móc mới nhập ngoại thấy rất khó. Nhưng xuất phát từ lòng yêu nghề gắn với trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ nên đồng đội đoàn kết, giúp đỡ, học hỏi lẫn nhau nên ai nấy đều làm chủ được máy móc. Hơn nữa, anh em còn duy trì tốt hoạt động của trang bị kỹ thuật hiện có; đồng thời nắm bắt các thành tựu khoa học mới nhất để nghiên cứu cải tiến, góp phần nâng cao hệ số, bảo đảm kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Trò chuyện với anh em sau phiên trực, tôi chỉ nghe họ nói về những kinh nghiệm phát hiện mục tiêu trên màn hình ra-đa. Trong công việc, mọi người nghiêm túc tập trung, làm trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng, cường độ thao tác khá căng thẳng. Song gương mặt ai cũng toát lên niềm lạc quan, tin tưởng, không một lời ta thán, phàn nàn trước những vất vả, khó khăn; ấy là chưa nói tới bệnh nghề nghiệp hay mắc như bệnh tim mạch, bệnh cao huyết áp do tiếp xúc thường xuyên với sóng từ trường.
Tinh thần đó được biểu hiện ở nhiều cán bộ, chiến sĩ khác của Trạm ra-đa 11. Đó là nhân viên trực máy điện Nguyễn Chí Thanh. Mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt, tay dính đầy dầu mỡ, anh hồ hởi nói: “Chúng tôi coi máy móc là “anh em đặc biệt” nên càng phải chăm sóc đặc biệt; phải xây bể nước xung quanh làm mát máy và che phủ khi có gió muối. Hơn nữa, hàng ngày phải trực 24/24 giờ nên người trực cần có sức khoẻ bền bỉ, dẻo dai, tập trung cao độ”.
Cùng làm việc với Thanh có chiến sĩ Nguyễn Văn Duy, người coi trạm là mái ấm thứ hai, luôn hoàn thành mọi công việc được phân công. Hạ sĩ Lê Thanh Hải, gia đình có ba anh em trai, đều là bộ đội. Hải là út, rất tự hào vì được công tác ở Trạm ra-đa 11. Những nguyên nhân nào khiến cán bộ, chiến sĩ gắn bó với đơn vị như vậy? Để hiểu rõ hơn, tôi tìm gặp và trò chuyện với Thượng uý Trương Công Pháp, chính trị viên của trạm; quê ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Từ bé anh đã làm quen với biển đảo. Lớn lên, học hết THPT và học xong khoá đào tạo ở Trường sĩ quan Lục quân II, năm 2009, Pháp học một năm chuyển loại sang làm công tác chính trị.
Ở Trạm ra-đa 11, anh làm Chính trị viên, kiêm Bí thư chi bộ, là trung tâm đoàn kết của đơn vị, được anh em quý mến. Trương Công Pháp đã từng là báo cáo viên xuất sắc của Quân chủng về Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng và giành giải nhất toàn quân về báo cáo này. Trong công tác, anh có nhiều sáng tạo: Giảng bài đều gắn với thực tế và có băng hình minh họa, cập nhật tình hình thời sự thường xuyên để bộ đội không bị bất ngờ trước các tình huống xảy ra. Chính trị viên luôn xác định với đồng đội, hàng ngày, đơn vị đang làm nhiệm vụ âm thầm, lặng lẽ, vất vả, gian khổ song rất vẻ vang, được Quân chủng, quân đội và Nhà nước quan tâm, tin tưởng trong công việc, góp phần giữ gìn chủ quyền vùng trời, biển, đảo của Tổ quốc (năm 2011, Nhà nước đã thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại cho cán bộ chiến sĩ Trạm ra-đa 11).
Bên cạnh đó, đơn vị cũng rất quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của anh em. Hiện nay, trạm có 400m2 trồng rau xanh các loại, bầu, bí, mướp, đu đủ… mùa nào thức nấy, đủ ăn quanh năm. Anh em còn tích cực chăn nuôi lợn, gà, vịt để liên hoan trong các dịp lễ, tết. Thiếu úy Đỗ Hữu Trung đã từng công tác ở Trạm một năm rưỡi, hiện là Phó bí thư Chi đoàn thanh niên cho biết: Do đặc điểm của nghề nghiệp, suốt ngày canh trực căng thẳng nên việc đẩy mạnh phong trào hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao là rất cần thiết đối với bộ đội ra-đa. Do vậy, tranh thủ thời gian, sáng cũng như chiều, 100% số cán bộ, chiến sĩ tham gia tập thể dục, thi đấu bóng bàn, bóng chuyền. Chi đoàn thường xuyên tổ chức làm báo tường, phản ánh sinh hoạt mọi mặt của đơn vị. Đỗ Hữu Trung là một “cây ghi-ta” đàn giỏi, hát hay, đã hướng dẫn anh em hát những bài hát do quân đội quy định; xây dựng nhiều tiết mục ca, múa nhạc để tham gia liên hoan với các đơn vị bạn trên đảo.
Đại tá Vũ Ngọc Hoàn, cán bộ lãnh đạo của Sư đoàn B77, cùng đoàn đại biểu Đảng uỷ khối các cơ quan T.Ư ra thăm đảo, tới gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ Trạm ra-đa 11, ông rất vui và yên tâm trước cảnh và người đang công tác tại đây. Đại tá thân tình động viên đồng đội: “Hiện nay tình hình trên biển Đông khá phức tạp, lượng tàu bè lưu thông nhiều. Nếu chúng ta chỉ một phút lơ là, không phát hiện ra tàu lạ xâm phạm lãnh hải Việt Nam thì có thể gây nguy hại cho đất nước. Ý thức được điều đó, các đồng chí đã luôn đề cao cảnh giác, thay phiên nhau trực máy 24/24 giờ, để mỗi bước chuyển động của mục tiêu đều nằm trong phạm vi theo dõi của trạm. Cán bộ chiến sĩ ai nấy đều khắc phục khó khăn, gian khổ, yêu ngành, yêu nghề, mưu trí, sáng tạo, luôn chủ động trong mọi tình huống; góp phần “giữ lửa” để Quân chủng bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trạm ra-đa 11, xứng đáng là đơn vị Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới; xứng đáng là “những con mắt thần của biển, đảo”.
CHI PHAN