CCB Trịnh Văn Thường thu hoạch nhãn trái vụ năm 2023.

Hội CCB huyện Kông Chro (Gia Lai) hiện có 1.802 hội viên, trong đó hơn 90% là người dân tộc thiểu số, sinh hoạt ở 74 chi hội thuộc 14 cơ sở Hội xã, thị trấn. Do mới được thành lập, thuộc vùng sâu, địa hình đồi núi đất đai khô cằn, sản xuất kém phát triển; vì vậy một số hộ dân, trong đó có CCB thuộc diện nghèo… Những năm gần đây, Hội CCB huyện Kông Chro có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động hội viên phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, thi đua vượt khó, sáng tạo và xuất hiện nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi.

Đổi đời trên quê mới

Đến thăm mô hình trang trại của CCB Nguyễn Văn Tuấn ở thôn 10, xã Yang Trung, ông cho biết: “Năm 1999, tôi đưa vợ con từ quê hương Thanh Miện (Hải Dương) vào lập nghiệp tại đây. Những ngày đầu gặp muôn vàn khó khăn, vừa đi làm thuê, vợ chồng tôi vừa khai hoang trồng cây ngắn ngày để ổn định cuộc sống. Sau 2 năm vừa khai hoang vừa mua vừa xin, vợ chồng tôi đã có 20ha đất trồng mía. Những năm đó, mía có giá nên chỉ 10 năm sau, tôi đã mua được ô tô để chở mía bán cho Nhà máy đường An Khê. Mía dần rớt giá, năm 2020, tôi chuyển đổi trồng 4ha nhãn ghép xen mãng cầu, bơ bút, 4ha cà phê, còn lại trồng bạch đàn và nuôi gà thả vườn. Mô hình trang trại mía rồi vườn - rừng của gia đình cho thu hoạch có năm trên 1 tỷ đồng; tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 40-50 lao động thời vụ, tiền công 5-6 triệu đồng/tháng/người. Gia đình làm được nhà ở khang trang, mua sắm đồ dùng tiện nghi phục vụ đời sống, có điều kiện nuôi con ăn học trưởng thành. Tôi cũng tham gia đóng góp ủng hộ các hoạt động xã hội, từ thiện ở địa phương”.

Ở thôn 2, xã Kong Yang, CCB Trịnh Văn Thường có mô hình VACR hiệu quả. Ông Thường tâm sự: “Sau 8 năm làm nhiêm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, cuối năm 1988, tôi xuất ngũ. Năm 2009, tôi quyết định đưa gia đình từ Yên Lạc (Vĩnh Phúc) vào lập nghiệp tại đây. Với số vốn dành dụm, vợ chồng tôi mua 10ha đất rẫy trồng mía, mỳ (sắn) và cây ngắn ngày. Hai năm sau, tôi mua thêm thành 17ha… Vừa làm, tôi vừa học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây trồng và chăn nuôi thêm heo, bò để ổn định cuộc sống. Năm 2016, nhận thấy trồng cây ăn quả hiệu quả hơn, tôi cải tạo đất, chuyển đổi trồng nhãn hương chi, na dai, bạch đàn; nuôi 50 con gà Đông Cảo sinh sản để bán giống, đồng thời đào 200m2 ao thả các loại cá… Mô hình VACR cho thu hoạch trên 500 triệu đồng/năm đã trừ chi phí. Tạo việc làm cho 20 lao động địa phương, tiền công hơn 5 triệu đồng/người/tháng”…

Tự vươn lên để thoát nghèo

Hội viên Đinh Blen, dân tộc Bahnar ở làng Tnung Mang, xã Ya Ma cho hay: “Năm 2004, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc về làng, mình được bố mẹ cho 4.000m2 đất rẫy. Do đất xấu lại khô hạn nên chỉ trồng được 1 mùa lúa rẫy, mỳ, bắp (ngô), đậu, năng xuất thấp, cuộc sống nhiều khó khăn. Năm 2014, mình được bầu làm Chủ tịch Hội CCB xã và giữ cương vị này đến nay. Được học tập về chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của địa phương… mình dành tiền mua thêm đất, đến năm 2016 thành gia trại 7ha. Từ năm 2018, mình chuyển đổi 3ha trồng một vụ đậu các loại, sau đó trồng mỳ cao sản; 4ha trồng bắp lai, lúa nương và mỳ goòng; chăn nuôi bò, dê, gà, vịt; thu nhập gần 200 triệu đồng/năm... Từ kết quả đã làm, mình phổ biến, hướng dẫn giúp đỡ các hội viên và bà con nghèo trong xã cách làm ăn để vươn lên thoát nghèo”.

Hội viên trẻ Đinh Alơng ở làng Pờ Tin, xã Sró cũng làm giàu từ trồng trọt, chăn nuôi. Alơng kể: “Năm 2014 xuất ngũ về làng, mình được bố mẹ vợ chia cho 1ha đất rẫy. Được các CCB trong chi hội động viên, hướng dẫn, mình cải tạo đất trồng lúa rẫy, mỳ, bắp. Có tiền, mình mua thêm đất, mở rộng thành trang trại 17,2ha. Năm 2020, mình chuyển đổi trồng 4,2ha đậu các loại và mỳ cao sản, 4ha bắp lai, 9ha bạch đàn, keo lai; nuôi bò, dê lai... Mô hình cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí; tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, lúc thời vụ 20 người, thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng. Cuộc sống của gia đình đã ổn định, có điều kiện nuôi con ăn học và giúp đỡ các hội viên nghèo trong chi hội cùng vươn lên”…  

Trao đổi với tôi, Chủ tịch Hội CCB huyện Kông Chro - Nguyễn Tiến Hùng cho biết: “Còn rất nhiều CCB trong huyện đã mạnh dạn triển khai các mô hình trang trại, gia trại, kinh doanh hiệu quả cho thu nhập cao, tạo việc làm cho con em hội viên và người dân. Huyện hiện có 42 trang trại, 240 gia trại, 67 cơ sở kinh doanh do CCB làm chủ, giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động địa phương… Đời sống của gia đình hội viên không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ hội viên khá, giàu tăng từ 20,14% năm 2017, lên 28,19% năm 2022. Góp phần tích cực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương”.

Tấn Hùng