Được biết từ năm 1982, Quân đội có quy định cho quân nhân khi rời quân ngũ có tuổi quân từ 25 năm trở lên mới được mang quân phục quân hàm về. Quy định còn nói rõ đeo vào các ngày lễ khi mình được dự với nghĩa cá nhân.

Chẳng biết sau này Bộ Quốc phòng có cho phép rộng hơn không. Trong thực tế đã thấy nhiều cựu quân nhân mặc quân phục, đeo quân hàm Quân đội có cả hạ sĩ quan. Cho dù quy định có thể rộng rãi cởi mở hơn thì chắc chắn khi mặc, đeo cũng không với tư cách tập thể được vì sẽ lầm sang tổ chức quân đội mang hành vi quân nhân. Những buổi tổ chức mang tính đoàn thể khi đã không phải là quân nhân thì có thể đeo cũng chỉ là cá nhân do vậy nên chăng:

Bộ Quốc phòng cần có quy định rõ quân nhân khi rời quân ngũ được mặc quân phục, đeo quân hàm vào lúc nào? Có như vậy quân phục cấp hàm quân đội mới giữ nghiêm tính kỷ luật, tính chính quy, tính hiện đại của loại trang phục này. Để rồi người được sử dụng cho đến người không được sử dụng đều có trách nhiệm tôn cao nó trong khi mặc quân phục, đeo quân hàm.

Hiện nay trên truyền hình cũng như thực tế ngoài xã hội đã bắt gặp quá nhiều việc mặc quân phục, đeo quân hàm Quân đội gây phản cảm. Hiện tượng trong tổ chức tập thể của tổ chức Hội mà mặc quân phục, đeo cấp hàm không khác nào một đơn vị Quân đội, trong khi hành vi lại không phải hành động Quân đội.

Chẳng hạn như Hội Truyền thống Bộ đội Trường Sơn ở Tân Yên - Bắc Giang những buổi sinh hoạt Hội hay đi viếng hội viên qua đời, họ đều mặc quân phục, đeo quân hàm toàn là sĩ quan.

Vừa qua, trên truyền hình đã thấy các tổ chức tự quản về an toàn giao thông, an ninh trật tự đều mặc quân phục, đeo cấp hàm có cả Thượng tá và Hạ sĩ. Dư luận cho rằng: Đây là một tổ chức chính trị - xã hội, không phải tổ chức quân nhân mà mặc quân phục, đeo quan hàm như vậy sẽ lầm sang đơn vị Quân đội mà hành vi thì khác hẳn.

Vì vậy, Bộ Quốc phòng cần có quy định cụ thể để tránh việc lạm dụng mặc quân phục, đeo quân hàm tập thể đối với quân nhân đã xuất ngũ, lẫn lộn với đơn vị Quân đội.

Nguyễn Tiến Lộc