Khu rừng lim rộng hơn 100ha ở thôn Đồng Chu (xã Yên Định, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) được các CCB bảo vệ nghiêm ngặt.

Chính sách giao đất, giao rừng, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã và đang đem lại thêm nguồn thu nhập cho người dân và cộng đồng sống gần rừng, trong đó CCB là lực lượng tin cậy chung tay bảo vệ vẻ đẹp nguyên sinh của rừng  núi quê hương và có tác động tích cực đến ý thức bảo vệ rừng của người dân địa phương.

Góp sức cho rừng thêm xanh

Theo số liệu công bố hiện trạng rừng của Tổng cục Lâm nghiệp, vẫn còn gần 3 triệu héc-ta (chiếm 20% tổng diện tích đất có rừng trong cả nước) - một diện tích rất lớn rừng và đất rừng “chưa có chủ”, hiện đang được “tạm” quản lý, bảo vệ bởi các UBND cấp xã... Trong khi công tác giao đất, giao rừng cho hộ cá nhân và tư nhân tại một số địa phương “dậm chân tại chỗ”, thì ở nhiều nơi, Hội CCB cơ sở và hội viên đã chủ động phát huy vai trò tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương trong công tác quản lý, chăm sóc và bảo vệ rừng.

Ngoài ra, Hội CCB các cấp còn tham gia giám sát việc triển khai, thực hiện một số nội dung liên quan đến quyền lợi và chế độ chính sách của CCB theo Nghị định số 150/2006/NĐ-CP, Nghị định số 157/2016/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó việc giao đất, giao rừng cho hội viên CCB quản lý theo các Dự án quản lý và phát triển lâm nghiệp ở các xã có đất, có rừng theo Nghị định số 02/NĐ-CP và Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ.

Để rừng có rừng có chủ thực sự, các cấp Hội CCB tại khu vực có rừng chủ động xây dựng các mô hình CCB thực hiện công tác tuyên truyền vận động, hội viên, gia đình và người thân cùng nhân dân có ý thức tốt hơn trong công tác chăm sóc và bảo vệ rừng.

Từ năm 2014 đến nay, trên 280ha rừng tự nhiên do Chi hội CCB thôn Phú Danh (xã Hà Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) nhận khoán quản lý, bảo vệ không mất một cây gỗ, một mét vuông rừng... Chi hội thành lập nhiều tổ, mỗi tổ 3 - 4 người, thay phiên đi kiểm tra từng khoảnh rừng trong diện tích nhận khoán. Thông thường, mỗi chuyến đi kéo dài từ 4-5 ngày. 27 hội viên đều từ 60 tuổi trở lên, thế nhưng đèo cao, suối sâu, rừng thẳm cũng  không ngăn được bước chân của người lính.

Hội CCB huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) có 14 tổ đội bảo vệ rừng ở các xã trọng điểm như: Long Sơn, Dương Hưu, Thanh Luận, Tuấn Đạo, Vân Sơn, Lệ Viễn, An Lập và Yên Định. Mỗi xã thành lập 2-3 tổ đội bảo vệ rừng gồm 6 đến 12 thành viên là CCB. Lực lượng này có nhiệm vụ trông coi bảo vệ rừng cộng đồng, rừng phòng hộ; tuyên truyền, giáo dục và vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, phối hợp với lực lượng kiểm lâm, công an, dân quân xã tuần tra, bảo vệ ngăn chặn kịp thời các đối tượng phát vén rừng, lấn chiếm đất rừng.

Hằng năm, từ số tiền 20-30 triệu đồng dịch vụ môi trường rừng, ngoài việc mua sắm dụng cụ phục vụ công tác tuần tra bảo vệ rừng, Chi hội bản Nà Lò 2 (xã Huy Hạ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) trích quỹ để giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, động viên các cháu học sinh nghèo vượt khó, mua sắm thiết bị cho nhà văn hóa các bản khu vực gần rừng. Nhờ đó, công việc của các người lính giữ rừng được bà con ủng hộ và ngày càng thuận lợi. Không chỉ hội viên trong Chi hội, các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ cùng nhiều người dân trong vùng cũng hăng hái tham gia hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ rừng.

Phát triển kinh tế từ rừng

Việc nhận khoán đất rừng còn đem lại nguồn thu nhập nên hội viên CCB và gia đình thực hiện nhiều hoạt động tích cực như tự khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng bổ sung cây lâm nghiệp... trên diện tích được giao. Công tác giao đất, giao rừng gắn với việc thực hiện các chính sách hưởng lợi đã góp phần giúp người dân sống gần rừng cải thiện sinh kế, đồng thời đã đẩy mạnh việc xã hội hoá nghề rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Kiên trì tập trung phát triển kinh tế từ trồng rừng sản xuất đã giúp gia đình CCB Trần Văn Đảo (thôn Tân Quang, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang và lo cho các con học hành. Qua học hỏi, ông chú trọng vào khâu chọn giống và chăm sóc cây đúng quy trình, kỹ thuật. Với việc trồng thử nghiệm thành công mô hình cây Xoan đào, trong thời gian tới anh tiếp tục mở rộng diện tích trồng với tổng diện tích hơn 5ha.

Với 15ha đất vườn, rừng, CCB Trương Văn Chấn (tiểu Khu I, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) trồng 10ha các loại cây như quế, mỡ, sao, lát; với hơn 1ha cây mận và nhiều loại cây ăn quá khác, 1,5ha cây hồi. Theo ông Chấn cho biết, diện tích đất canh tác ban đầu chỉ là cây rừng rậm rạp, khe núi ẩm thấp, khi nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng không có hộ dân nào muốn nhận. Ông bàn với gia đình nhận về để cải tạo, canh tác. Lúc đầu cũng không ít khó khăn, nhưng với suy nghĩ “có chí thì nên”, ông bắt tay vào phát dọn, cải tạo từ vài mét vuông đến vài trăm mét vuông, rồi lên đến hàng héc-ta, cứ thế diện tích đồi rừng rậm rạp ban đầu được thay thế bằng các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp lâu năm.  

Nhận thức được giá trị to lớn từ rừng, nhiều hội viên CCB vẫn đang hằng ngày chung tay bảo vệ màu xanh của rừng núi quê hương với mong muốn gửi gắm món quà của tình yêu thiên nhiên, trân trọng thiên nhiên tới cộng đồng và thế hệ mai sau.

Hồ Thanh Hương