Đó là điều tôi thốt lên với những chủ nhân Công ty Trực thăng miền Nam, sau 5 năm trở lại. Quả là Công ty đổi thay quá nhiều, lớn mạnh lên nhiều! Tên gọi "Công ty Bay dịch vụ miền Nam" được thay bằng "Công ty Trực thăng miền Nam"; đội ngũ cán bộ chủ trì ngày nào, nhiều người đã trưởng thành lên, thế hệ sau kế vị người đi trước. Rồi đội tàu bay được bổ sung, nâng cấp với gần hai chục chiếc trực thăng hiện đại, trong đó có nhiều chiếc đạt trình độ công nghệ hàng đầu thế giới. Trụ sở văn phòng làm việc, Hội trường trung tâm chuẩn bị cắt băng khánh thành... tuy không đồ sộ, nhưng rất hiện đại, thanh thoát, sang trọng; đường đi lối lại, sân vườn thảm đầy hoa, rực rỡ mà tinh khiết tựa công viên... Tất cả hiển hiện dáng vóc, sắc thái của một đơn vị Anh hùng thời đổi mới, một tập thể tuổi 30 tràn căng sức trẻ, đằm chắc trải nghiệm.
Thiên nhiên thật quá ưu ái Vũng Tàu, ưu ái những người làm nghề bay biển! Trong khi miền Bắc, Hà Nội đang đằm mình trong mưa rét, thì thành phố biển mênh mang nắng gió. Để rồi, ngày lại ngày các cánh bay của Công ty mải miết sải cánh. Biển vẫy gọi; các giàn khoan Bạch Hổ, Rồng, Đại Hùng, Sư Tử Trắng, Sư Tử Đen, Ru Bi... mong đợi các anh, vẫy goi các anh!
Đại tá Nguyễn Xuân Bội-Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc công ty thật tâm lý, bởi khi tôi tới làm việc, sau mấy câu chào hỏi, anh vào phòng trong bấm máy gọi cho ai đó, rồi quay lại vui vẻ: Sẵn có chuyến bay, anh tranh thủ ra giàn khoan một chuyến, kẻo công việc lại cuốn đi. Đến Công ty mấy lần rồi mà chưa ra giàn khoan thì quá uổng!
Thế là, vừa trút bỏ chiếc áo khoác đông, tôi đã ung dung trong chiếc sơ mi cộc tay, lên trực thăng. Sau gần một giờ cả đi lẫn về, trực thăng dừng đỗ chuyển người thay ca ở 4 giàn khoan, tôi đã có mặt tại Văn phòng công ty, giãi bày cảm xúc với đồng chí Bí thư Đảng ủy: Chỉ "cưỡi ngựa xem hoa", khó có thể thấy hết những vất vả nhọc nhằn của người trong cuộc vì hôm nay trời yên biển lặng. Trực thăng bay trong yên ả, từ xa đã phát hiện giàn khoan, hạ độ cao, lẹ làng trờ tới đỗ đúng tâm chiếc "đĩa" lớn ở giàn khoan, không khác gì con chuồn chuồn ớt đậu cọc tre bờ ao nhà mình...
Bây giờ thì đơn giản như vậy, nhưng anh có biết...? Mạch chuyện của đồng chí Bí thư Đảng ủy đưa tôi ngược dòng thời gian trở về 30 năm trước, để rồi cảm phục biết mấy các thế hệ cán bộ, công nhân viên của Công ty Trực thăng miền Nam, cảm phục những việc làm, những hành động anh hùng của những người lính Cụ Hồ trong cuộc chiến chống đói nghèo, tụt hậu. Tôi thật sự khâm phục, từ những phi công chiến đấu, chập chững sang bay dịch vụ dầu khí, bị các hãng trực thăng phương Tây kỳ thị, xem thường... các anh với trí tuệ, bản lĩnh, đặc biệt là với lòng tự trọng, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, đã kiên trị, lặng lẽ bằng mọi cách học hỏi, phấn đấu vươn lên, loại dần các hãng trực thăng có tiếng trên thế giới, để làm chủ hoàn toàn thị trường bay dầu khí trong nước và từng bước vươn ra thị trường quốc tế, trở thành một trung tâm cung cấp dịch vụ trực thăng hàng đầu trong khu vực. Minh chứng cho lộ trình ấy là những trang vàng lịch sử viết về những cánh bay của niềm kiêu hãnh. Chỉ xin gói gọn ở đây ba sự kiện, theo tôi đã khắc họa khá trọn vẹn hình hài những cánh bay mà tôi ngưỡng mộ.
Sự kiện đầu tiên diễn ra khi Công ty Trực thăng miền Nam chưa ra đời, ấy là ngày 31-1-1979, phi công Nguyễn Xuân Trường - một phi công đã qua chiến đấu, với chiếc trực thăng UH-1 cũ kỹ, bay "mò" trên biển, vượt lộ trình 350km, tìm được, rồi hạ cánh an toàn xuống tàu khoan Dan Queen của một hãng dầu khí Ca-na-đa ở vùng biển Vũng Tàu, trước sự ngạc nhiên, nể phục của những người không tin các anh làm được điều đó. Tổ bay với chuyến bay biển đầu tiên ấy là hạt nhân ban đầu để hình thành nên Công ty Bay dịch vụ miền Nam, rồi Công ty Trực thăng miền Nam sau này, và phi công Nguyễn Xuân Trường đã trưởng thành lên Giám đốc Công ty Bay dịch vụ miền Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bay dịch vụ Việt Nam.
Đại tá Nguyễn Văn Vinh-nguyên Phó giám đốc công ty còn sẻ chia: Thời gian đầu trong liên doanh với hãng trực thăng nước ngoài, mặc dù trình độ bay của phi công mình chẳng thua kém ai, nhưng họ vẫn xem mình như "hạ đẳng", họ chỉ để mình chuyển vật tư, không được chở người... Thế rồi "tức chí bấm chí", những nhân vật "hạ đẳng" ấy với nghị lực, trí tuệ của mình, chỉ sau đúng 10 năm và chỉ với một số máy bay rất khiêm tốn, đã loại hết những đấng "bề trên" để làm chủ hoàn toàn thị trường bay dầu khi trong nước và từng bước vươn ra thị trường bay quốc tế.
Từ giữa năm 2000, máy bay và phi công của Công ty đã sang Na-uy thực hiện hợp đồng bay dịch vụ dầu khí ở Biển Bắc. Tiếp đó, năm 2006 Công ty thực hiện hợp đồng bay dầu khí ở Ma-lai-xi-a. Trong quá trình thực hiện hợp đồng bay ở Ma-lai-xi-a, phi công Phạm Quang Thiết đã có một hành động, một việc làm xứng danh anh hùng, mà theo tôi, đây là sự kiện thứ hai vẽ nên những cánh bay của niềm kiêu hãnh. Chuyện là vào chiều ngày 30-1-2007, tổ bay gồm Abdulalh (người Ma-lai-xi-a) lái chính và Phạm Quang Thiết lái phụ, thức hành chuyến bay đưa 8 hành khách ra giàn khoan trên biển. Đang trong quá trình thực hiện chuyến bay thì máy bay gặp sự cồ. Mặc dù đang là lái phụ, nhưng được phi công bạn đề nghị, Phạm Quang Thiết chuyển sang lái chính và chỉ trong khoảnh khắc vô cùng ngặt nghèo, anh đã có quyết định chính xác, xử trí hàng loạt thao tác chuẩn xác tới từng giây, cứu thoát được 7 hành khách và tổ bay. Với việc xử trí cực kỳ thành công sự cố, Phạm Quang Thiết được bạn hết sức khâm phục, suy tôn như một anh hùng... Giờ đây Thượng tá Phạm Quang Thiết đã là Giám đốc Trung tâm huấn luyện của Tổng công ty; nhưng cũng như 5 năm về trước - lần đầu tôi gặp anh để hỏi chuyện, Thiết luôn xởi lởi, dung dị, thân tình... đúng với chất của một người con xứ Nghệ.
Uy tín và thương hiệu của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam nói chung và Công ty Trực thăng miền Nam nói riêng càng tỏa sáng hơn khi gần đây đã hóa giải thành công sự cố kỹ thuật dòng trực thăng EC-225 và Super Puma.
Mùa hè năm 2012, xảy ra sự cố kỹ thuật trực thăng Super Puma và EC-225 của một công ty trực thăng Vương quốc Anh đang bay dầu khí ở Biển Bắc. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Tổ chức Hàng không quốc tế ra khuyến cáo cho các công ty trực thăng trên thế giới tạm dừng, không sử dụng loại máy bay này để bay dầu khí. Quyết định trên là một đòn cân não đối với Công ty Trực thăng miền Nam, vì những máy bay loại này đang là chủ lực quân của Công ty; "đắp chiếu" loại máy bay này, coi như Công ty bó tay. Nhưng khó khăn lúc này như chính thuốc thử nhiệm màu làm phát sáng tố chất của một tập thể anh hùng. Sau khi nghiên cứu mọi yếu tố, từ lãnh đạo, chỉ huy Tổng công ty, Công ty đến đội ngũ phi công và kỹ thuật hàng không đều thống nhất quyết tâm tiếp tục khai thác hai dòng trực thăng này. Đây không phải là một quyết định liều lĩnh, duy ý chí mà là quyết tâm dựa trên cơ sở khoa học đáng tin cậy và kinh nghiệm nghề nghiệp. Với nhiều biện pháp, đặc biệt là thực hiện hết sức nghiêm ngặt mọi quy chế, quy trình kỹ thuật, các cánh bay của Công ty Trực thăng miền Nam vẫn cần mẫn tự tin hoạt động có hiệu quả. Từ tháng 10-2012 đến tháng 10-2013, khi dòng máy bay EC- 225 được phép hoạt động trở lại, Công ty đã sử dụng 2 máy bay loại này bay hơn 1.700 giờ bảo đảm an toàn tuyệt đối, mang lại doanh thu cho Công ty hơn 16 triệu USD. Trên thế giới vào thời điểm đó chỉ có Công ty Trực thăng miền Nam làm được điều này, cũng vì vậy Công ty đã cùng nhà sản xuất máy bay tìm nguyên nhân, khắc phục sự cố kỹ thuật máy bay EC-225, được liên doanh và các đối tác đánh giá rất cao.
Đúng như các đồng chí lãnh đạo Công ty tâm sự: nhìn cơ ngơi của Công ty hôm nay mấy ai hình dung được "Vạn sự khởi đầu nan". Từ hai bàn tay trắng, cán bộ, công nhân viên Công ty Trực thăng miền Nam đã làm rạng danh Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế. Thương trường như chiến trường, với lĩnh vực dịch vụ trực thăng, tính cạnh tranh càng hết sức khốc liệt, nghiệt ngã, cả hôm qua và ngày mai cũng thế. Nhưng tôi tin với hết thảy những gì mà các anh tạo dựng đươc trong 30 năm qua, với nguồn lực mạnh cả về nhân lực, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là với tập thể phi công được đào tạo đạt trình độ quốc tế, với uy tín và thương hiệu đã được thực tiễn kiểm nghiệm, tương lai tốt đẹp đang đón đợi Công ty Trực thăng miền Nam.
Một mùa Xuân mới đã về. Tạm biệt những cánh bay của thành phố biển, tôi mang theo về đất Bắc cái nắng ấm của đất trời, lòng người phương Nam và niềm tin về những cánh bay của niềm kiêu hãnh.