Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã trực tiếp chỉ thị, viết thư động viên với tình cảm yêu mến, tin tưởng các chiến sĩ trẻ Tây Tiến sẽ vượt mọi khó khăn gian khổ lên rừng núi âm u, giá lạnh, sốt rét, bảo vệ vùng biên giới Tây Bắc. Nghĩa trang liệt sĩ huyện đã trích 10 câu trong bài thơ “Tây Tiến” tạc vào bia đá lớn ghi chiến công của “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc|”.
Mai Châu ngày nay là điểm tham quan du lịch. Nhiều người nói chưa đến Mai Châu coi như chưa đến Hòa Bình. Chưa đến bản Lác, coi như chưa đến Mai Châu. Bởi ở đây có cảnh đẹp, thiên nhiên hùng vĩ, có bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái chiếm số đông. Người Thái có tiếng nói và chữ viết riêng. Rất nhiều du khách trong và ngoài nước đã đến thăm các bản người Thái, người Mông ở Mai Châu. Dừng xe giải lao đứng ở đồi núi Thung Khe ngắm thung lũng, Đại tá nhà báo Cao Nham lúc sinh thời đã đọc hai câu thơ:
“Lưng đồi ngắm cảnh Mai Châu
Nước non man mác không đâu sánh bằng”.
Cảnh đẹp của thung lũng này đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa... Dễ nhận biết người Thái qua trang phục. Nam giới thường mặc áo thổ cẩm màu chàm xanh, hoặc đen. Phụ nữ mặc áo cóm màu trắng, hoặc xanh, đen bó sát thân, khuy bạc trắng, váy dài đen được thêu viền hoa văn ở gấu, đầu đội chiến khăn Piêu thêu hoa văn nhiều màu đẹp, tay và cổ đeo các vòng bạc trang sức. Phụ nữ Thái khéo tay dệt thổ cẩm làm mũ, quần áo, túi xách, ba lô... Thổ cẩm là hàng hóa xuất khẩu được các nước ưa thích.
Bản làng của người Thái gần suối nước, có ao nuôi cá dưới chân nhà sàn. Đường đi trong bản sạch sẽ với những hàng cây mát mẻ, có điện sáng an ninh trật tự tốt. Người ta mua bán sản phẩm, trao đổi tình cảm vào phiên chợ cuối cùng là ngày 25 tháng Chạp, sau đó nghỉ tết. Từ ngày 24 đến 26 tháng Chạp, nhiều gia đình đã mang quả cau và miếng trầu đến nhà các thầy mo để nhờ cúng nhằm xua đuổi tà ma, cầu chúc mạnh khỏe, làm ăn khấm khá, gặp vận may. Các bài mo còn có ý nghĩa tâm linh để “đánh thức” những linh hồn ở “mường trời” đang yên giấc tỉnh dậy để nghe tấu các việc vui, buồn của người đang sống để chia sẻ, giúp đỡ để vượt khó... Các món ăn ngày Tết không thể thiếu là: cơm mới, cá đồ, cá chua, cơm đồ vôi trộn con cá, chuột khô, thịt hươu, thịt nai. Bánh chưng có ba loại: vuông, tròn, dài, không có nhân đậu xanh. Xôi nếp thơm có ba màu: trắng, đỏ, tím.
Giờ giao thừa nhà nhà đều đánh cồng chiêng, ngân nga làm cho con người, con vật và cảnh sắc thiên nhiên gần gũi nhau hơn. Các loại bánh trái, rượu cần, được chuẩn bị sẵn mang ra cả nhà cùng ăn uống trong tiếng reo hò, cười nói vui vẻ. Sáng mồng một tết, phụ nữ mang xôi ra quạt ở giữa gian nhà sàn để cúng ma nhà, mâm đặt trên cao cúng tổ tiên nhà chồng, mâm đặt thấp hơn cúng tổ tiên nhà vợ, sau đó cả nhà cùng quây quần bên mâm cỗ ngày tết đầm ấm. Trong những ngày vui xuân đón Tết đến ngày 10 tháng Giêng, người ta mặc những bộ quần áo đẹp nhất và nói những lời hay, chúc những điều tốt đẹp, tổ chức các trò vui chơi truyền thống...
Bài và ảnh:
Nguyễn Công Huân