Tết này thấm thoắt đã 45 năm, nhưng CCB Lương Văn Thuần vẫn luôn nhớ về những cái tết ở chiến trường trên đường Trường Sơn huyền thoại, xốn xang về một thuở hào hùng.
Học gần xong cấp 3 trường huyện, tháng 4-1970, chàng trai Lương Văn Thuần ở xóm Chùa, xã Dương Đức, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang được gọi nhập ngũ, vào học lái xe ở đơn vị d255 (Tổng cục Hậu cần). Ra trường anh được biên chế về Đoàn 559, đóng tại tỉnh Quảng Bình. Đại đội 31 của anh thuộc d61, được điều vào Binh Trạm 33 ở tỉnh Xavanakhet (Lào).
Giáp tết Tân Hợi, chiều 24-12-1970, Lương Văn Thuần chở chuyến hàng đầu tiên nhập tuyến. Trên xe có lái phụ lái và 1 y tá đại đội dẫn đường. Xe của anh chở súng giao cho Binh trạm 34, cách khoảng 90km về phía nam. Anh cho xe chạy trên đường Nava khoảng 5km, rồi vượt điểm cao 18 trên đường 35 rất hiểm trở, phía trên là vách đá cao, phía dưới là sông Sê-ca-máng, nước chảy xiết. Gần sáng giao hàng xong, xe quay về đơn vị. Cách kho khoảng 10km thì bị máy bay C130 phát hiện đuổi bắn. Đạn cày mù mịt phía sau, anh tăng tốc cho xe vọt lên. Bất chợt anh thấy người mát lạnh và mặt mũi tối sầm. Nhìn qua gương, anh thấy máu chảy phía trên mi mắt phải, vai và đùi cũng đỏ máu. Anh tạt xe vào trong rừng le để y tá sơ cứu và được đưa vào đội phẫu thuật tiền phương. Tết đầu tiên của đời lính, anh ăn tết ở Trạm phẫu với rét mướt, khốc liệt và đạm bạc. Ngày thường chỉ có cơm, cháo và măng rừng. Ngày tết, cũng chỉ thêm hộp thịt cho mỗi mâm. Mỗi người được vài điếu thuốc lá, mấy chiếc kẹo chanh. Cả đội phẫu mới có gói chè Hồng Đào. Lúc giao thừa, chỉ huy đội phẫu cùng y bác sĩ, y tá và thương binh, bệnh binh tập hợp ở nhà chỉ huy được trang trí bằng hoa rừng và hoa giấy, có bàn thờ Tổ quốc, cùng nhau nghe chúc tết của Chủ tịch nước qua đài. Chỉ huy chúc tết cán bộ, chiến sĩ và thương, bệnh binh. Sau đó là anh em chúc nhau, ca hát, bình thơ rất vui, xua đi nỗi nhớ nhà trước ngưỡng cửa mùa xuân.
Sau nửa tháng điều trị, anh được về đơn vị công tác. Qua tết hơn một tháng, Mỹ-ngụy mở cuộc càn quét “Lam Sơn 719” ở Đường 9-Nam Lào. Đơn vị phát động thi đua, anh đăng ký tăng cung vượt tuyến từ 2 đêm xuống 1 đêm mỗi chuyến hàng. Hằng ngày anh được chỉ huy biểu dương trên bản tin của Binh trạm. Địch tuyên truyền anh đã chiêu hồi. Những người biết anh chỉ cười vui và chúc mừng thành tích. Đáng nhớ nhất trong mùa khô này, anh nhận nhiệm vụ lái xe ban ngày để thu hút máy bay địch. Trong 1 tháng liên tục với thử thách khốc liệt trên cung đường, sống chết chỉ trong gang tấc, anh xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ. Tháng 9-1972, anh được chuyển sang Đại đội 10, làm Tiểu đội trưởng. Ngày 28-11-1972, tại chi bộ Đại đội 10 anh là được kết nạp vào Đảng, sau đó cùng đồng đội đón cái Tết thứ hai ở Trường Sơn trong niềm vui chiến thắng. Quân và dân ta đã giải phóng tỉnh Quảng Trị. Miền Bắc đã đập tan cuộc tập kích chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng… bằng B52, buộc Mỹ-ngụy phải ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, năm 1986 Đại úy Lương Văn Thuần rời quân ngũ. Bộn bề bởi công việc thường ngày, với cương vị Chủ tịch Hội CCB xã Dương Đức gần 10 năm, nhưng ký ức về chuyến hàng đầu tiên trong đời quân ngũ, những cái tết trên đường Trường Sơn, vẫn hiện hữu trong tâm trí ông như ngày hôm qua.
Thân Văn Phương