Đầu năm 1967, tôi làm cán bộ tác huấn, Ban Tham mưu, Trung đoàn 426 (một trong những đơn vị tiền thân của Binh chủng Đặc công) đóng quân ở Trường Dân tộc Trung ương, thuộc xã Phùng Khoang, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Chúng tôi được lệnh tổ chức huấn luyện kỹ thuật để phục vụ một đoàn cán bộ cao cấp tới tham quan. Nhiệm vụ này chúng tôi đã trình diễn cho các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… ở những nơi có cấu trúc trận địa công sự, hầm hào, lô cốt, các hàng rào thép gai như một căn cứ của địch ngoài chiến trường; lần này lại thực hành trên một sân bóng đá, bằng phẳng, cỏ mọc không đều, xơ xác, hai cửa gôn và giữa sân trơ nền đất nâu đỏ. Đặc công là kỹ thuật tiềm nhập, như tàng hình, bí mật bất ngờ áp sát đối phương để tiến công. Sau khi nghiên cứu địa hình, anh em được mặc áo cỏ, kết hợp ở trần bôi trét theo màu đất và luyện tập thật kỹ càng, tỉ mỉ. Thậm chí ban đêm dưới ánh đèn pha không để ánh mắt, răng trắng hay miệng nòng súng ngược chiều mà phát sáng lộ mục tiêu…
Ngày 18-3-1967, một đoàn cán bộ cấp trên xuống kiểm tra, cho máy rà mìn toàn bộ khu vực rồi niêm phong hội trường của trung đoàn. Ngày 19-3, chúng tôi người nào việc nấy, rất khẩn trương nhưng đều chung một ý nghĩ là Bác Hồ sẽ đến. Chỉ vậy thôi mà lòng ai cũng rưng rưng: Bác đến thật ư ? Bác có khoẻ không, bận trăm công nghìn việc, lại đúng khi kẻ thù cho máy bay đánh phá ác liệt Thủ đô, mà Bác vẫn đi thăm chúng cháu… Tới buổi chiều, một đơn vị pháo cao xạ phòng không triển khai trận địa dọc đường Nguyễn Trãi, từ Ngã Tư Sở đến Hà Đông, lại càng khẳng định suy đoán của chúng tôi, khiến chúng tôi quyết tâm hơn.
Đúng 21 giờ 30 phút, một đoàn xe con tiến thẳng vào đơn vị. Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều cán bộ cao cấp bước lên cửa hội trường. Thấy Bác khoẻ mạnh, phấn khởi chúng tôi rất cảm động và lo cho trách nhiệm của mình. Cuộc diễn tập bắt đầu, đèn pha bật sáng và liên tục quét đi, quét lại trên sân bóng. Bác và đoàn cán bộ được thuyết trình dẫn dắt vào các tình huống kỹ thuật tiềm nhập chiến đấu đặc công. Mọi người được sử dụng đèn pin riêng để theo dõi phút đột nhập của bộ đội, nhưng anh em đã vận dụng kỹ thuật điêu luyện, kỹ năng, kỹ xảo khác thường, nên không ai phát hiện được. Đến khi đồng chí chỉ huy hô lớn: “Đội mẫu chú ý! Đứng dậy” thì cả một hàng người đội cỏ và đất trồi lên lố nhố như bụt mọc ngay trước mặt đoàn khách. Bác cùng mọi người ngỡ ngàng giây lát rồi vỗ tay thật lâu cổ vũ nhiệt liệt. Tiếp sau, cả đoàn xem trình diễn thao tác dùng sào đẩy vượt qua tường và biểu diễn võ thuật đặc công.
Trong khi đó, chúng tôi lặng lẽ đưa toàn bộ đơn vị vào hội trường tối om mà không hề có một tiếng động va quệt hay xê dịch bàn ghế. Xem xong, Bác Hồ quay lại hội trường, cánh cửa vừa mở, đèn cũng bật sáng. Bác sững sờ thấy bộ đội đã ngồi chật các dãy ghế từ khi nào. Người mỉm cười sung sướng nói: “Đặc công thật bí mật”. Bác nhìn bao quát cả hội trường rồi lấy từ trong bao kính một tờ giấy nhỏ có những dòng chữ tự tay viết và bắt đầu nói chuyện: “… Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt, có thể nói do chiến tranh du kích phát triển cao, đặc biệt cao, chiến thuật du kích lấy ít đánh nhiều và đi không tiếng về không tăm. Bây giờ các chú cũng thế, cũng phải lấy ít đánh nhiều nhưng mà to hơn nữa, cao hơn nữa, lấy ít đánh nhiều, lấy ít thắng nhiều…”.
43 năm đã trôi qua, Binh chủng Đặc công lấy ngày 19-3-1967 là ngày truyền thống; trong quá trình chiến đấu và phát triển được Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVTND, tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, 2 huân chương Quân công hạng nhất và năm 2007 được tặng thưởng Huân chương Sao vàng.
Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm