Một thời gian dài, Cà Mau được xem là “vùng trũng” về kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Chính sự ngăn sông cách trở này làm cho đời sống của vùng nông thôn Cà Mau phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Gần hai năm triển khai thực hiện “Nhịp cầu mơ ước”, Cà Mau đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tập trung huy động mọi nguồn lực của xã hội giúp sức thực hiện mục tiêu xây dựng hoàn thành đề án xây dựng 1.588 cây cầu giao thông nông thôn, với tổng chiều dài 60km và tổng nguồn vốn đầu 452 tỷ đồng được thực hiện chủ yếu bằng nguồn huy động xã hội hóa. Ngay từ khi khởi động chương trình “Nhịp cầu mơ ước”, Cà Mau đã hướng đến mục tiêu tiến đến hoàn thiện xây dựng hệ thống cầu bê tông nông thôn, nối liền đôi bờ những vùng quê sông nước. Đến nay, những “Nhịp cầu mơ ước” nối liền đôi bờ ở những vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh không còn là niềm khát khao, mà đã trở thành hiện thực trong đời sống của người dân Cà Mau.

Chương trình “Nhịp cầu mơ ước” đã được nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên mọi miền Tổ quốc tài trợ cho Cà Mau 155 tỷ đồng, góp sức, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, trước hết là cầu giao thông nông thôn. Từ nguồn vốn tài trợ của xã hội cùng với nguồn vốn tạm ứng của ngân sách Nhà nước, đến nay 100% số cầu giao thông nông thôn nằm trong đề án đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng.

Tiếp xúc với chúng tôi, đồng chí Phạm Thuận Hà, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Cà Mau cho biết: “Gần hai năm triển khai thực hiện đề án xây dựng 1.588 cây cầu giao thông nông thôn, những “Nhịp cầu mơ ước” là một trong những chủ trương thiết thực của Tỉnh uỷ, được người dân đồng thuận, cổ vũ mạnh mẽ. Từ khi bắt tay vào xây dựng cho đến hoàn thành Chương trình “Nhịp cầu mơ ước”, các cấp Hội CCB Cà Mau đã vận động hội viên xây dựng và đưa vào sử dụng 12 cây cầu bê - tông và đắp mới 96 mố cầu đúng quy chuẩn. Ngoài ra, vận động và cùng nhân dân xây dựng 80 cầu bê tông, sửa chữa và làm mới 167,4km lộ bê tông, đắp 194 mố cầu để đón “Nhịp cầu mơ ước”. Những chiếc cầu khỉ ngày nào được thay thế bằng những chiếc cầu bê tông giúp cho người dân đi lại dễ dàng qua hai mùa mưa nắng. Chuyện xây cầu, làm đường nông thôn chẳng có gì mới, nhưng đối với người dân nơi cuối đất còn lắm khó khăn này thì đó là việc làm hết sức ý nghĩa”.

Với tình cảm và tấm lòng của nhiều người, việc giúp cho Cà Mau xây dựng cơ sở hạ tầng cầu, đường nông thôn còn là sự tri ân đối với vùng đất kiên cường, giàu truyền thống cách mạng này. Chiếc cầu bắc qua kinh Thầy Ký, xã Tạ An Khương Đông (Đầm Dơi) là một trong 317 chiếc cầu xây dựng tại huyện Đầm Dơi đã hoàn thiện cuối cùng. CCB Ngô Hữu Nghĩa có nhà ở gần công trình xây dựng cầu bắc qua kinh Thầy Ký tâm sự: “Từ ngày khởi công đến hoàn thành, tôi ở ngoài công trường nhiều hơn ở nhà. Anh em chúng tôi phụ giúp anh em công nhân, xây cầu cho chắc để các cháu học sinh đi học, bà con chúng tôi đi lại lâu dài”. Con đường quê từ trung tâm xã Hưng Mỹ (Cái Nước) đến các ấp Lý Ấn, Cái Nhum, Tân Mỹ, đã được nối liền bằng xi-măng. CCB Tăng Văn Kết ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ (Cái Nước) hớn hở tâm sự: “Được Nhà nước bắc cầu là quý lắm, mình phải vận động bà con chung sức đào đất, đắp móng, làm đường để đón cây cầu bắc qua ấp mình”. Còn CCB Lê Hoàng, xã Khánh An (U Minh), phấn khởi nói: “Ở làng quê sông nước này giờ có được cây cầu bê tông là quý lắm; tình làng nghĩa xóm ngày thêm gắn bó bền chặt hơn; con cháu được đến trường học dễ dàng; không còn cảnh qua sông phải lụy đò”...

Chuyện làm nên những chiếc cầu bê tông nông thôn ở Cà Mau là rất gian nan. Thế nhưng, tất cả cùng một quyết tâm, cùng tấm lòng, chung tay góp sức làm nên “Nhịp cầu mơ ước” mà bao thế hệ người Cà Mau hằng mơ ước và đến nay mới trở thành hiện thực. Đồng bộ với “Nhịp cầu mơ ước”, việc đầu tư xây dựng kết nối với 2.600km đường bê tông nối liền đường làng, ngõ xóm, các cụm, tuyến dân cư... sẽ tạo thành hệ thống giao thông khép kín liên hoàn, làm cho bức tranh của vùng nông thôn ngày thêm khởi sắc, nối liền mạch; đáp ứng tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân vùng sông nước Cà Mau, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn; tạo tiền đề cho Cà Mau hoàn thành mục tiêu xây dựng 21 xã nông thôn mới vào năm 2015.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NGHI