Trước mùa hè năm nay, đã có dự báo sẽ nắng nóng vượt 40 độ C, nắng gay gắt và kéo dài. Tuy nhiên, theo số liệu vừa cập nhật, đợt nắng nóng này vừa ghi một kỷ lục mới tại Hà Nội: Tính nhiệt độ trung bình ngày 16/6, Hà Nội nóng nhất từ năm 1961.

Trong ngày 16/6, nhiệt độ tối cao đo được ở trạm Láng là 39,6 độ trong khi nhiệt độ thấp nhất vào ban đêm ở mức 30,4 độ khiến nhiệt độ trung bình ngày đạt con số khó tin là 34,6 độ. Nhiệt độ luôn trên 30, điều hiếm khi xảy ra, khiến mọi người có cảm giác nóng như thiêu đốt suốt 24 giờ trong ngày.

Ngoài ra, mức nhiệt độ tối cao ngày 16/6 cũng chỉ đứng sau đợt nóng đỉnh điểm năm 1983, ở mức 40,4 độ.

Ở Hà Nội, nắng nóng (trên 35 độ C) bắt đầu từ ngày 13/6, tuy nhiên, tại nhiều tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ, đợt nắng nóng đã kéo dài tới 10 ngày. Dữ dội nhất phải kể đến Thanh Hóa và Nghệ An khi nhiều nơi ở hai tỉnh này đạt nhiệt độ tối cao 40, thậm chí trên 41 độ C. Phạm vi ảnh hưởng của đợt nắng nóng phủ rộng hầu hết các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và ven biển Trung Bộ.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có hiệu ứng đô thị, độ ẩm thấp và trời lặng gió. Nếu trời nắng nhưng gió đủ mạnh, nhiệt độ ban đêm sẽ giảm do gió thổi bay hơi nóng tích tụ trên mặt đất. Song, như ngày hôm nay, từ nửa đêm đến buổi chiều, tốc độ gió chỉ đạt 2 mét một giây, tức là chỉ nhanh bằng... người đi bộ. Trời gần như lặng gió nên không thể làm mát.

Độ ẩm thấp cũng là nguyên nhân khiến thời tiết thêm phần khắc nghiệt. Trưa 17/6, độ ẩm tại Láng đo được chỉ đạt 46%, không khí vì thế trở nên khô nóng như cái chảo rang.

Ngoài ra, tại Hà Nội, mật độ dân số quá lớn, nhà cao tầng dày đặc, bê tông hóa, lượng phương tiên cơ giới lớn, ít cây xanh... tạo nên "hiệu ứng đô thị" vừa làm tăng sự hấp thụ nhiệt, vừa cản gió. Vì thế, trời đã nắng nóng lại càng thêm phần bức bối, gay gắt.

Dự báo đợt nắng nóng này sẽ kết thúc vào chủ nhật (20/6), sau đó sẽ có mưa. Từ nay đến tháng 7 còn 2-3 đợt nắng nóng nữa, nhưng nhiều khả năng không còn đợt nào vượt mức kỷ lục hiện nay.

Quỳnh Anh (TH)