Chuyến đi Trường Sa đầu tháng 6-2012 vừa qua là một hải trình được chúng tôi trông đợi. Con tàu HQ-571 rẽ sóng đưa đoàn công tác vượt hành trình hơn 600km đến với quần đảo Trường Sa. Từng ngày trên hải trình, với tôi là những kỷ niệm, những bài học quý giá cho cuộc sống và công việc của mình.
Ngày 30-5...
Đoàn chúng tôi đến Trường Sa thành phần chủ yếu là cán bộ, đoàn viên thanh niên ưu tú từ Trung ương Đoàn đến các cơ sở và đơn vị doanh nghiệp. Lúc lên tàu, ai cũng tay xách nách mang hành lý; nặng, nhưng trên gương mặt họ lộ rõ niềm phấn khởi, nỗi mong chờ về chuyến đi. Nhóm phóng viên chúng tôi thì có nhẹ nhàng hơn nhưng thật ra, lúc ấy, chỉ lo giơ máy ảnh lên ghi lại những khoảnh khắc chia tay, chúc may mắn của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn M25 và những người ở lại đối với thành viên của đoàn công tác.
8 giờ sáng, con tàu HQ-571 nhổ neo rời cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh; 3 hồi còi rúc lên chào đất liền; trên bờ, cán bộ chiến sĩ hải quân Lữ đoàn M25 xếp hàng trang nghiêm làm lễ tiễn đoàn. Các tàu khác cũng đáp lại bằng 3 hồi còi dài, chúc cho chuyến đi của chúng tôi thuận buồm xuôi gió. Tiếng còi tàu lảnh lót âm vang; con tàu nhẹ nhàng băng mình lướt sóng ra khơi, đưa đoàn chúng tôi bắt đầu hành trình tới quần đảo Trường Sa thân yêu. Cảm giác bâng khuâng khó tả khi lần đầu tiên được ra đảo. Trước mắt tôi, biển mênh mông, xanh thẳm, rất đẹp và cũng thật bí hiểm. Trước khi đi Trường Sa, bạn bè đã cảnh báo việc say sóng khiến tôi không khỏi lo lắng. Trước biển trời mênh mông xanh ngắt một màu, chỉ có cảm giác lâng lâng, êm êm mà quên đi những cái khó khăn khi đi biển. Những con sóng dạt ra từ hai bên mũi tàu tung thành những cụm nước trắng xóa, khiến tôi rất thích thú và gọi đó là những “ hoa sóng”. Ra khỏi Vũng Tàu, chỉ có tàu chúng tôi, biển và trời cho đến khi những giàn khoan của mỏ dầu Bạch Hổ xuất hiện như một đội quân hùng hậu.
Sáng 1-6…
Sau hai ngày lênh đênh trên sóng nước, đoàn chúng tôi đến điểm đầu tiên, đó là đảo Đá Lát. 6 giờ sáng, đảo chìm Đá Lát hiện lên giữa muôn trùng sóng nước như chào đón chúng tôi. Thành viên trong đoàn ai cũng hân hoan vì thấy được hòn đảo đầu tiên của Trường Sa. Boong tàu chật kín người, ai cũng vẫy tay chào các anh chiến sĩ hải quân trên đảo. Vậy mà đến giờ hạ xuồng ra đảo, trời bỗng đổ mưa lớn. Biển mịt mù trắng xóa. Mưa quất liên hồi khiến mặt ai cũng tê rát. Sóng biển xô lên từng đợt khiến chiếc xuồng chồm lên chồm xuống như một người say rượu. Tuy tôi đã mặc áo phao cẩn thận nhưng không tránh được cảm giác hồi hộp. Tôi liền ghì chặt đôi tay đen sạm vạm vỡ của anh lính trẻ. Các anh cười: “Xuống ca nô cũng là một nghệ thuật em ạ!”. Ca nô “cưỡi” trên đầu sóng đưa đoàn qua bãi san hô lên đảo.
Thiếu tá Trương Văn Núi, Đảo trưởng đảo Đá Lát cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo chào đón chúng tôi bằng nụ cười nồng hậu và những cái bắt tay thật chặt như những người thân lâu lắm mới gặp lại. Các anh cho biết, ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá xa bờ khi họ hết lương thực, nước ngọt. Vì vậy, tình đoàn kết quân dân trên biển luôn bền chặt. Nhà trên đảo như chiếc lô cốt, có 3 tầng: tầng 1, tầng 2 thì nước biển, gió biển làm cho chúng luôn ẩm ướt; tầng 3 là phòng làm việc, nơi nghỉ của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Nơi làm việc và nghỉ của đảo thật giản dị. Trên đảo còn có thêm thành viên là những chú chó. Chúng rất khôn, có thể bắt cá, trông nhà, chạy lăng xăng ngoáy đuôi mừng rỡ chào khách. Chiều cùng ngày, chúng tôi tạm biệt đảo Đá Lát và bắt đầu chuyến hành trình tới “Thủ đô của quần đảo Trường Sa”.
Chiều 1-6…
Giữa bốn bề đại dương, đảo Trường Sa Lớn hiện ra tựa như một đảo xanh bồng bềnh trên mặt sóng. Chúng tôi ôm nhau reo hò không ngớt, ai cũng thấp thỏm chờ đợi. Ngay từ sáng sớm ngày 2-6, quân dân trên đảo đã có mặt đông đủ chào đón đoàn công tác mặc dù khi tàu cập bến cũng đã quá trưa. Đoàn công tác được dự lễ chào cờ và hát quốc ca trên quảng trường của đảo Trường Sa Lớn. Lá cờ đỏ sao vàng trên cộc mốc chủ quyền tung bay trên nền trời xanh lộng gió. Tiếng hát quốc ca hùng tráng khiến ai nấy đều xúc động. Sau đó, chúng tôi đã tới thắp hương tưởng niệm tại Tượng đài liệt sĩ, báo công dâng Bác tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đảo và thăm viếng chùa Trường Sa. Ở đây, cuộc sống của nhân dân chưa đầy đủ thì việc tu hành của các sư cũng thật không dễ. Nhưng vượt lên tất cả, các sư thầy ở chùa Trường Sa Lớn vẫn thể hiện quyết tâm tu luyện cùng với bộ đội và nhân dân trên đảo. Thực tế, người Việt có phong tục văn hóa là di cư đi đến đâu thì lập đình chùa ở đó để phục vụ nhu cầu tâm linh. Vì thế, sự xuất hiện chùa trên đảo Trường Sa Lớn là phù hợp ý nguyện của đồng bào, những người con đang sinh sống, sẵn sàng chiến đấu để xây dựng và bảo vệ đảo thân yêu của Tổ quốc. Tại đây, đoàn đã tổ chức gặp mặt, trao quà và thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ; tổ chức tặng quà cho các cháu thiếu nhi trên đảo nhân ngày 1-6 và giao lưu đêm văn nghệ cùng các chiến sĩ.
Trường Sa hôm nay đang đổi thay từng ngày trên mảnh đất đầy nắng và gió của Tổ quốc; nhà cửa được xây dựng kiên cố vững chắc, có Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Đài tưởng niệm các liệt sĩ, có chùa, nhà khách, nhà văn hóa... Đặc biệt, nơi đây có cây bàng vuông, loại bàng lá to, xanh mướt, quả vuông, hoa thật khác lạ: đẹp, thơm, nở vào ban đêm thật quyến rũ. Sau những phút chia tay bịn rịn, gần 23 giờ đêm, tàu HQ 571 mới rời bến. Các cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa vẫn đứng ở cầu tàu vẫy tay tạm biệt và hát vang khúc quân hành.
Ngày 2-6…
Trông ra cửa sổ, mặt trời vừa ló rạng, những áng mây nhuộm một màu mỡ gà vàng óng. Mặt biển sáng bạc như một chiếc gương khổng lồ, lăn tăn những gợn sóng nhỏ bạc, thi thoảng cá chuồn từng bầy bay la đà, như đám mây vờn trên mặt biển xanh rờn, chập chờn sóng vỗ. Hôm nay, tôi cùng mọi người đến thăm đảo Trường Sa Đông.
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là màu xanh mơn mởn của những vườn rau nhỏ, liền kề là hàng cây bàng vuông chạy dọc vào trung tâm đảo. Bên dưới là những luống cải, luống rau muống, rau mồng tơi… được vun bón thẳng tắp, phía bên trên là giàn bầu bí quấn quýt, quả to lúc lỉu rủ xuống, quả non lấp ló trong những vòm lá. Xung quanh vườn rau được che kín bởi đám tôn lá, những mảnh gỗ ghép… hay gạch xếp. Đó là biện pháp thủ công gần như duy nhất để chống gió biển và muối mặn xâm thực vào đám đất ngọt trồng rau xanh trên hầu hết các đảo ở Trường Sa. Những vườn rau do lính đảo tăng gia sản xuất xanh mướt cũng như đàn lợn béo ục ịch kêu ủn ỉn trong chuồng, khiến chúng tôi thêm thán phục, vì giữa nơi biển đảo, tiết trời thất thường, mầm xanh của rau sạch, đàn gia súc, gia cầm vẫn sinh sôi. Tôi có cảm giác như mình đang lạc giữa một ốc đảo xanh tươi, trù phú với hình ảnh giàn rau xanh mướt, hoa mướp trổ hoa màu vàng một góc, một đàn gà con lích chích theo mẹ đi kiếm ăn dưới một bụi tra sát mép biển, đàn lợn béo híp mắt nằm ngủ…
(còn nữa)
ÁNH TUYẾT