Hội Doanh nhân CCB ba tỉnh tại Lễ ký kết nghĩa. Ảnh: Anh Hải

Nhằm hỗ trợ hội viên liên kết sản xuất, kinh doanh; phối hợp quảng bá các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp do hội viên là doanh nhân CCB làm chủ, quản lý, điều hành, Hội Doanh nhân CCB tỉnh Hải Dương, Hiệp hội Doanh nhân CCB T.P Hải Phòng và Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Quảng Ninh đã ký kết nghĩa.

Tại lễ ký, các bên thông qua Quy chế phối hợp giữa các tổ chức Hội. Ba Hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thống nhất, tạo mọi điều kiện để hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng Hội và tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hằng năm, ba bên chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch kết nghĩa và phối hợp công tác phù hợp với tình hình nhiệm vụ của từng Hội.

Đồng chí Phạm Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Hải Dương cho biết: Nội dung phối hợp các bên tập trung xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân CCB, CQN trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, trình độ hiểu biết đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kiến thức về kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ hoặc trong các hoạt động văn hóa - xã hội, từ thiện.

Trong xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư, ba bên tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân CCB, CQN mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và T.P Hải Phòng trên cơ sở pháp luật. Kết hợp các hoạt động quan hệ ngoại giao, làm cầu nối cho các doanh nghiệp CCB, CQN liên kết, liên doanh, hợp tác du lịch, dịch vụ, hợp tác lao động, kêu gọi đầu tư vào các doanh nghiệp của CCB, CQN. Phối hợp tổ chức xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, hội chợ, triển lãm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nhân CCB, CQN ở địa bàn ba tỉnh cũng như ở các địa phương khác. Tuyên truyền, vận động CCB, CQN và các tầng lớp nhân dân sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nhân CCB, CQN là hội viên của ba hội; tích cực thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Với phong trào “CCB giúp nhau làm kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp”, các hội phối hợp tổ chức huấn luyện, đào tạo, dạy nghề, tập huấn, giải quyết việc làm cho CCB, CQN và con em CCB, CQN. Giúp đỡ gia đình CCB nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo, xóa nhà dột nát, tạm bợ.

Để hoạt động hiệu quả, ba hội cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, đánh giá kết quả phối hợp, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo định kỳ kịp thời về cơ quan Thường trực của ba bên.

Nói về việc kết nghĩa giữa ba Hội, đồng chí Hoàng Mạnh Cường - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB T.P Hà Nội cho biết: Đây là một trong những Hội đầu tiên có sự gắn bó, kết nghĩa với nhau sau Hội Doanh nhân CCB T.P Hà Nội và Hội Doanh nhân CCB tỉnh Ninh Bình. Ba đơn vị thuộc Cụm thi đua số 3, là những đơn vị mạnh của các tỉnh phía Bắc, hoạt động của ba Hội gắn kết rất tốt, sự gắn kết đó thể hiện bằng việc ba bên đã kí kết nghĩa. Đây là minh chứng cho việc đoàn kết phối hợp giữa ba Hội. Hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và các hoạt động từ thiện là kết quả của việc hợp tác.

Theo đồng chí Hoàng Mạnh Cường, việc kết nghĩa của Hội Doanh nhân CCB làm tăng cường mối đoàn kết, giao lưu, học hỏi trong công tác giữa các tổ chức hội; đẩy mạnh  phong trào  “CCB gương mẫu”, “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, “CCB giúp nhau giảm nghèo”... làm gắn bó hơn doanh nhân CCB ở các tỉnh, thành. Đặc biệt, các tỉnh, thành giáp nhau, cùng chung Cụm thì nên kết nghĩa để tạo nên nguồn lực mạnh trong phát triển kinh tế. Vì vậy, nên nhân rộng mô hình kết nghĩa này.

Vũ Minh