Trước tình hình đó, ngày 8 và 9-6-1956, Bộ Chính trị đã họp và ra nghị quyết: "Cần củng cố các lực lượng vũ trang và bán vũ trang hiện có, xây dựng các căn cứ làm chỗ dựa, đồng thời xây dựng cơ sở quần chúng vững mạnh làm điều kiện căn bản để duy trì và phát triển lực lượng vũ trang…". Ngay sau đó, trong thư gửi đồng bào cả nước, Bác Hồ cũng khẳng định: "Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta"…
Tinh thần nghị quyết và thư Bác được chuyển ngay tới đồng chí Lê Duẩn - khi ấy là Uỷ viên Bộ Chính trị, đang ở Nam Bộ, trực tiếp chỉ đạo phong trào. Đến với "Con đường sống" thế nào? Bắt đầu từ đâu? Ý nghĩa này nung nấu, thôi thúc người cán bộ lãnh đạo Đảng đang nằm vùng giữa lòng địch. Từ Cà Mau, đồng chí Lê Duẩn bổ lên Sài Gòn để hiểu thêm lòng dân và tận mắt chứng kiến cái guồng máy và những hoạt động nhiễu nhương, tàn bạo của bọn chóp bu Mỹ-ngụy. Về Bến Tre, đồng chí bàn với Bí thư Tỉnh ủy Mười Phước: “Đây là vùng đất có truyền thống đánh Pháp, phải làm cách mạng giành lấy chính quyền, mà giành chính quyền phải bằng bạo lực". Xuống Mỹ Tho, thấy địa phương đã đưa được cán bộ, đảng viên hòa vào trong dân, giữ được bí mật, hạn chế được tổn thất, đồng chí khen: "Thế là biết cách làm. Cái gì có lợi cho dân, cho cách mạng, cứ làm"… Sau đấy, đồng chí về giấu mình ở mười tám thôn Vườn Trầu - một cơ sở đứng chân cũ của Trung ương Đảng ta thời 1932 - 1938, tiếp tục tổng hợp, suy nghĩ và cùng Xứ ủy, các đảng bộ thảo luận về bối cảnh, thực tiễn, chiến lược, các bước đi tới "Con đường sống" như Bác Hồ đã nói và tại đây, "Đề cương cách mạng miền Nam" ra đời.
Đề cương nêu vấn đề: Tổng tuyển cử như Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định đã không được thực hiện; đồng bào miền Nam đang rên xiết trong sự tù đày, chém giết man rợ của Mỹ-ngụy; một sự xung đột đấu tranh gay gắt giữa các tầng lớp nhân dân với bọn chúng sẽ không thể tránh khỏi, cách mạng là xu thế phát triển tất yếu của xã hội miền Nam! Nhưng con đường cách mạng ấy là con đường gì? Kinh nghiệm thành công từ Cách mạng tháng Tám đã được vận dụng vào đây: Phải "Dựa vào lực lượng cách mạng chính trị của quần chúng làm căn bản"; lại phải dựa vào hai căn cứ: "Một là, nhân dân ta đã cầm súng đứng dậy, đã chiến đấu hy sinh qua 9 năm, nhất định không chịu cúi đầu làm nô lệ. Hai là, chính quyền Mỹ Diệm không phải là chính quyền mạnh, khi nó đã phải dùng đến chính sách phát xít để cai trị"…
"Đề cương cách mạng miền Nam" cũng nêu ra 6 bài học chủ yếu từ Cách mạng tháng Tám để vũ trang lý luận cho cán bộ, đảng viên và quân dân bước vào thời kỳ đấu tranh đó, là: "Phải có thực lực bên trong; phải nắm thời cơ bên ngoài; phải có Đảng Mác-Lê-nin lãnh đạo; phải liên minh công nông; phải có Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi; phải lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù"… Và cuối cùng, đề cương giải đáp rõ con đường phải tới: "Nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là trực tiếp đánh đổ chính quyền độc tài phát xít Ngô Đình Diệm - tay sai của Mỹ, giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách đế quốc phong kiến, thiết lập ở miền Nam một chính quyền liên hiệp có tính chất dân tộc, dân chủ để cùng với miền Bắc thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ nhân dân!...".
Có "Đề cương cách mạng miền Nam" và trước đó là nghị quyết của Bộ Chính trị chỉ đường, ngay cuối năm 1956, Xứ ủy Nam Bộ đã mở hội nghị đề ra nhiệm vụ khẩn cấp cho mình là: "Phải dùng bạo lực tổng khởi nghĩa giành chính quyền… Trước mắt, cần tích cực xây dựng lực lượng vũ trang tuyên truyền, lập các đội vũ trang bí mật, xây dựng các căn cứ miền núi; tranh thủ vận động, cải tạo, tập hợp các lực lượng giáo phái bị Mỹ - Diệm đánh tan rã từng mảnh đứng vào hàng ngũ nhân dân và lợi dụng danh nghĩa giáo phái ly khai để diệt ác ôn…". Đầu năm sau, Xứ ủy lại ra nghị quyết mới về kế hoạch xây dựng lực lượng, củng cố khối đoàn kết công nông, mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất và đặt ra 5 nguyên tắc cho các đảng bộ cơ sở thực hiện, đó là: Tuyên truyền giáo dục; tổ chức đấu tranh chính trị; đẩy mạnh công tác binh địch vận; xây dựng và củng cố các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền và đoàn thể… Ý thức, sự nhạy cảm và năng động ấy đã góp phần tích cực chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho cao trào đồng khởi những năm 1959 và 1960 giành thắng lợi giòn giã sau này…
Có lý luận, có thực tiễn, lại được trải nghiệm qua phong trào thực tế, "Đề cương cách mạng miền Nam" đã trở thành cơ sở cho nghị quyết lần thứ 15 của BCH T.Ư Đảng (họp tháng 1-1959), mà ở đó, nghị quyết vừa như ngọn đèn soi sáng, vừa biểu thị rất cao quyết tâm của toàn dân tộc: "Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng nên chính quyền cách mạng của nhân dân… Đế quốc Mỹ là tên đế quốc hiếu chiến nhất, cho nên trong những điều kiện nào đó, cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ giữa ta và địch và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta!"…
NGUYỄN PHÚC ẤM