Ở một số nước, các nhóm lợi ích còn có thể hoạt động công khai, được vận động hành lang (lobby) trong khuôn khổ luật pháp để nhằm vận động các chính sách phù hợp. Có thể coi các Hiệp hội cũng là các nhóm lợi ích và tiếng nói của các Hiệp hội cũng có tác động tích cực đến việc ban hành chính sách phù hợp.
Thực tế, nếu hiểu theo nghĩa rộng thì nhóm lợi ích, lợi ích nhóm là một hiện tượng xã hội mang tính tất yếu và nhóm lợi ích cũng có sự tác động tích cực nhất định đối với việc hoạch định và ban hành chính sách của nhà nước nếu như các nhóm lợi ích có tiếng nói chung, thực hiện tốt vai trò phản biện và nhằm cân bằng các lợi ích nhóm trong xã hội.
Đáng tiếc là ở Việt Nam những thủ đoạn, phương cách của các nhóm lợi ích hiện nay lại mang tính tiêu cực, hoạt động mang tính “sân sau”, “đi đêm” tham nhũng, miễn sao đạt được lợi ích cục bộ cho một nhóm cá nhân hoặc bộ, ngành nào đó.
Lợi ích nhóm chi phối chính sách biểu hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Một chính sách có thể là một chủ trương, một quyết định nào đó của người có thẩm quyền, của cơ quan nhà nước.
Hiện này việc xây dựng các hệ thống luật lại được giao cho chính các cơ quan quản lý soạn thảo và Quốc hội chỉ đóng vai trò rà soát và thông qua, như vậy đã có những kẻ hở, tạo điều kiện cho một số cơ quan quản lý ngay từ cấp bộ, ngành xây dựng nên những hành lang pháp lý để tạo nên những quyền lợi một cách tinh vi.
Trong một số trường hợp các nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng các mối quan hệ, bằng việc chi trả hoa hồng cho người có chức quyền, thoái hóa, biến chất, để điều chỉnh, chi phối chính sách có lợi cho hoạt động kinh doanh của một nhóm ngành, nghề mà doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Một điển hình của lợi ích nhóm được gọi đích danh là “mua quan, bán chức”. Đó là một nhóm người có chức, có quyền chi phối chính sách về đề bạt, bổ nhiệm, điều động cán bộ, chỉ bổ nhiệm người có quan hệ lợi ích nhóm với mình mà không xem xét năng lực có thật sự xứng đáng hay không cũng là biểu hiện của lợi ích nhóm.
Việc tồn tại hàng nghìn “giấy phép con” rõ ràng cũng có cơ sở, căn cứ để khẳng định có bóng dáng của lợi ích nhóm trong đó, thực tế đã có nhiều người giàu lên nhờ “giấy phép con”.
Trong một hội thảo gần đây do VCCI tổ chức, nhiều doanh nghiệp ngỡ ngàng khi ngành của họ đột nhiên được khôi phục lại giấy phép dù nó đã được bãi bỏ từ đầu thập niên đầu của Thiên niên kỷ mới khi thực hiện Luật Doanh nghiệp 1999, thủ tục xin cho rất phiền hà dù không rõ nhằm mục tiêu gì khi ngành đang phát triển, không có gì cần phải siết chặt quản lý. Các doanh nghiệp nghi ngại về động cơ của những người đặt ra giấy phép là gì nếu không nhằm mục tiêu tạo quyền cấp?
Nhóm lợi ích cũng có thể là việc đặt ra các điều kiện kinh doanh, rào cản gia nhập thị trường rất khó khăn để tạo thuận lợi cho một số doanh nghiệp nhất định đang độc chiếm thị trường; các doanh nghiệp mới, trẻ dù có thể năng lực tốt, dịch vụ tốt, giá cả cạnh tranh nhưng không thể tham gia thị trường được. Những quy định này có thể mang lại lợi ích cho một ít người nhất định nhưng gây khó khăn, thiệt hại cho các doanh nghiệp khác, cho nền kinh tế và người tiêu dùng.
Lợi ích nhóm cũng có thể biểu hiện dưới dạng quy trình thủ tục xin-cho không minh bạch, mập mờ, các điều kiện có thể hiểu cho những cách khác nhau. Đây là mảnh đất màu mỡ cho những vòi vĩnh, nhũng nhiễu trên thực tiễn.
Như trên đã nói, lợi ích nhóm chi phối chính sách chủ yếu được thực hiện bằng thủ đoạn tiêu cực mang tính “đi đêm”, đút lót, tham nhũng; lợi ích nhóm cấu kết và hình thành trong vùng tối, kẽ hở, sự rối rắm, mù mờ của chính sách và luật pháp.
Do đó, để ngăn chặn thì cần phải minh bạch, công khai hóa việc xây dựng và ban hành các chính sách. Minh bạch cũng là để người dân kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò làm chủ của mình. Đồng thời cũng phải có các chế tài đủ mạnh và nghiêm khắc. Hy vọng Thủ tướng Chính phủ lần này sẽ có những chỉ đạo, giải pháp tối ưu để hoàn thành sứ mệnh “xóa lợi ích nhóm chi phối chính sách” như đã phát biểu.
Loại bỏ “giấy phép con” là một trong những việc được xem đang tuyên chiến với cơ chế quan liêu, sách nhiễu tạo nên lợi ích nhóm.
Phạm Thanh Phong