PV: Ông cho biết đã mấy lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hình ảnh nào, sự kiện nào để lại cho ông ấn tượng sâu sắc nhất về Người?
Ông Đỗ Phát: Tôi chỉ biết Đại tướng qua phim, ảnh, truyền hình, sách báo chưa lần nào được gần Đại tướng. Những tấm hình Đại tướng chụp ảnh chung với Bác Hồ, mỗi tấm hình đều cho tôi ấn tượng sâu sắc, khó tả lắm! Ấn tượng khó quên nhất là hình ảnh Đại tướng về dự Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên, hình ảnh Đại tướng rút khăn lau nước mắt trong khi đang phát biểu.
Có hai sự kiện khó quên, một là Đại tướng thay đổi thời điểm mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; từ phương châm “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Hai là, bức điện mật lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa…” ngày 7-4-1975. Là một vị Tổng tư lệnh, hai thời điểm lịch sử khác nhau, đưa ra hai quyết định khác nhau. Hai quyết định đó là một trong những nhân tố cực kỳ quan trọng tạo ra bước ngoặt cho lịch sử cách mạng Việt Nam: Hòa bình năm 1954 ở miền Bắc và giải phóng miền Nam năm 1975. Đại tướng là một vị Tổng tư lệnh, biết địch, biết ta, biết vận mệnh của cả dân tộc.
PV: Ông cho biết ông sáng tác ca khúc này vào thời điểm nào?
Ông Đỗ Phát: Khi nghe tin Đại tướng qua đời, có lẽ ai cũng có cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ ngày 6-10-2013, gia đình mở cửa nhà số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội để mọi người vào dâng hương cho Đại tướng, đến ngày 13 tổ chức Lễ truy điệu ở Hà Nội và đưa Đại tướng về nơi an nghỉ tại Vũng Chùa, Quảng Bình. Giây phút đầu tiên Đại tướng yên nghỉ ở Vũng Chùa thì bài hát “Tướng của lòng dân” ra đời.

PV: Ông cho biết khi sáng tác ca khúc này có gì khó khăn không?
Ông Đỗ Phát: Ca khúc này ra đời cũng là một bất ngờ với chính bản thân tôi. Có lẽ nó thai nghén trong tôi từ những người khách đặc biệt trong đoàn người vào dâng hương Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu thì phải. Đây là một ca khúc duy nhất trong số 20 ca khúc tôi sáng tác mà không có bản thảo (bản nháp soạn lời cho ca khúc).
Thực ra ca từ trong ca khúc này là những hình ảnh ai cũng thấy trong mấy ngày trước khi cử hành tang lễ. “Tấm gương trong không vương chút bụi trần” được chắt lọc từ bài điếu văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, số còn lại là tôi bổ sung và sáng tác thêm.
Vài hôm sau, tôi thu âm giọng hát của mình, nhờ anh em chép thành bản nhạc, có sửa ba từ “Tin lan nhanh”. Khó khăn thì không có nhưng điều không bình thường thì lại xuất hiện, có lẽ đó là duyên phận để tôi viết ca khúc về Người. Nói về âm nhạc thì tôi lơ mơ lắm, đã chơi được một loại nhạc cụ âm nhạc nào đâu?

PV: Người thân của Đại tướng nhận xét như thế nào về ca khúc này?
Ông Đỗ Phát: Sau ngày Đại tướng qua đời, tôi có vào mạng nghe một ca khúc viết về Người. Tôi tự hỏi: Sao mình không dâng lên Đại tướng ca khúc này? Đến cuối tháng 3-2014, tôi và một vài người được phép vào dâng hương cho Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu, anh Võ Điện Biên (con trai trưởng) của Đại tướng tiếp chúng tôi, tôi đã hát mộc cho mọi người nghe. Nghe tôi hát xong, anh Biên nhận xét:

  • “Giọng hát không hay nhưng thể hiện được hồn của bài hát, ca từ mộc mạc, giản dị, sâu lắng như đời thường của bố tôi vậy; giai điệu nhẹ nhàng, dễ hát, dễ thuộc. Có lẽ đây là bài hát tôi cảm thấy hài lòng nhất viết về cụ, từ khi cụ ra đi đến nay”.
    Nghe anh Biên nhận xét, tôi nửa tin, nửa ngờ. Khi chúng tôi vào phòng thờ, thấy anh Biên trân trọng đặt nhạc và lời bài hát lên ban thờ, lúc đó tôi mới tin anh nói thật. Sau khi dâng hương xong, anh Biên nói với riêng tôi:
  • “Cám ơn anh đã tặng cho gia đình tôi ca khúc này, anh đã có tâm với cụ đến đây rồi, anh cố gắng cho gia đình tôi cái đĩa”. Cuối tháng 4-2014, tôi đã tặng lại cho gia đình bản hòa âm phối khí của ca khúc này.

PV: Ông cho biết lý do ông lấy tựa đề “Tướng của lòng dân” cho ca khúc?
Ông Đỗ Phát: Câu hỏi này khó quá, mà sao nó giống câu hỏi của nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường hỏi tôi vậy. Mọi người đều biết, quân đội ta mang tên “Quân đội nhân dân Việt Nam” từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Suy ra Tướng trong quân đội là Tướng của nhân dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúng là vị Tướng của lòng dân.
Riêng tôi lại nghĩ khác, những gì đã diễn ra tại nhà 30 Hoàng Diệu trước ngày tổ chức tang lễ cho Đại tướng. Nhìn những giọt nước mắt lăn trên những khóe mắt của người già ngồi trên xe lăn, những người đau yếu phải nhờ con cháu dìu đến, những dòng người từ sáng sớm đến đêm khuya chờ được vào dâng hương, những bao bánh mì, những bình nước lọc…; những dòng người như vô tận lặng bên đường trong ngày lễ tang, tiễn đưa Người về cõi vĩnh hằng. Tôi tự hỏi đó là cung bậc cảm xúc gì? Khi Đại tướng không phải là anh em, không phải là họ mạc. Những cung bậc cảm xúc đó cho ta biết Đại tướng đã trở thành máu thịt của đồng bào, là biểu tượng linh thiêng trong tâm hồn mỗi người dân Việt, cũng như bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới, một danh tướng sống vì dân, chết cũng muốn gần dân. Đó là lý do tôi lấy tựa đề “Tướng của lòng dân” cho ca khúc này.
Khi dâng hương cho Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu xong, một điều khiến tôi chột dạ: Ca từ trong ca khúc đúng 103 từ, trùng với tuổi thọ của Đại tướng-một sự trùng hợp ngẫu nhiên kỳ lạ. Câu kết “Đưa người về cùng hồn thiêng sông núi”. Ba năm qua, Vũng Chùa-nơi Đại tướng yên nghỉ đã trở thành điểm tựa tâm linh cho mọi người và khách du lịch quốc tế.
Tháng 8-2015, tôi tặng ca khúc này cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tháng 10-2015 bài hát này được công nhận là hiện vật của Bảo tàng.

PV: Ông cho biết, ai là người đầu tiên được nghe ca khúc này, mọi người nhận xét và đánh giá như thế nào?
Ông Đỗ Phát: Thật lòng người nghe ca khúc này đầu tiên là vợ tôi. Tối ngày 13-10-2013, vợ chồng tôi đi bộ, tôi hát nhiều lần bài hát này cho vợ tôi nghe. Vợ tôi có hỏi, tác giả là ai? Tôi nói dối là nghe trên mạng, hôm sau tôi nói với vợ tôi là của tôi. Vợ tôi lúc đầu không tin. Nhiều bạn bè nghe tôi hát bài hát này, đều có cảm xúc nhất định. Thầy Hòa-Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Thái Bình hay hát và hát hay, khi nghe tôi hát xong, thầy chỉ vào tay thầy, rồi nói: “Bài hát của anh đã làm em nổi da gà rồi này, bài hát hay lắm, tuyệt lắm!”. Còn thạc sĩ, nhạc sĩ Trần Lưu Hoàng-giảng viên Khoa Sáng tác Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam thì viết: “Bằng ngôn ngữ giản dị trong sáng, ông đã dùng âm nhạc phác họa bức tranh toàn cảnh đầy sinh động về chân dung một danh tướng thế giới, một Anh Cả quân đội… ngày cả nước và bạn bè tiễn đưa người”.

PV: Xin cảm ơn ông. Chúc ông thành công hơn nữa trong cuộc sống và hoạt động âm nhạc.
PV (thực hiện)