Một bệnh nhi sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 T.P Hồ Chí Minh.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật T.P Hồ Chí Minh, tính đến giữa tháng 4-2022, thành phố ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Bên cạnh đó, số ca mắc của năm 2022 đang gia tăng và cao hơn so với cùng kỳ các năm 2020, 2021. Số ca nặng gia tăng, đã có trường hợp tử vong do phát hiện và nhập viện muộn.

Sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn. Gần đây thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa thuận lợi cho sự phát sinh lăng quăng, muỗi, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết.

BS.CKII Nguyễn Trần Nam - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng T.P Hồ Chí Minh cho biết: bệnh sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm… Bệnh thường trở nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6 với biểu hiện trụy tim mạch (tay chân lạnh, mạch nhẹ, khó bắt). Phụ huynh cần lưu ý khi trẻ sốt cao liên tục từ 3 ngày trở lên phải đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và được điều trị kịp thời. Không nên tự mua thuốc điều trị bệnh cho trẻ, tuân thủ việc tái khám, không nên chủ quan khi thấy trẻ bớt sốt bởi trẻ có thể chuyển nặng đột ngột vào ngày thứ 3-7 của bệnh dễ gây nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng đe dọa đến tính mạng. Bệnh sốt xuất huyết nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì hầu hết diễn tiến thuận lợi, ít có trường hợp tử vong.

Người dân có thể tự phòng bệnh sốt xuất huyết, bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất nhưng hiệu quả như dành 10-15 phút mỗi ngày để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối; đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng, tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh loăng quăng, muỗi. Những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt loăng quăng; sử dụng bình xịt, hương, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần sáng màu, ngủ màn kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

Theo BS.CKII Nguyễn Trần Nam, các bậc phụ huynh cần cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế khi trẻ sốt hơn 2 ngày để được khám, xét nghiệm và nhận biết các dấu hiệu nặng cần điều trị. Các biểu hiện nặng cần khám ngay là:

- Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ra máu kinh bất thường, ói ra máu hoặc đi tiêu phân đen.

- Đau bụng, buồn nôn, nôn nhiều. Ăn uống ít và không thể uống nước.

- Mệt mỏi nhiều hơn, đi tiểu ít, tay chân lạnh.

- Khó thở, xanh tím…

Trường hợp trẻ không có dấu hiệu nặng, cần chăm sóc tại nhà phụ huynh lưu ý:

- Uống hạ sốt khi sốt, mỗi lần có thể dùng paracetamol 10–15mg/kg/lần.

- Bổ sung nước uống cho trẻ, uống nước nhiều lần, mỗi lần ít một. Uống nước đun sôi để nguội, nước bù giải, nước trái cây. Hạn chế uống nước có ga, có màu đỏ, màu đen để tránh nhầm lẫn với nôn ra máu nếu bé bị nôn.

- Ăn đồ mềm, lỏng, dễ tiêu, với lượng ít một, nhiều bữa trong ngày. Hạn chế ép trẻ ăn nhiều vì nguy cơ gây nôn.

- Tắm rửa bình thường, mặc đồ thoáng mát nhằm giảm nhiệt cho bé.

- Tránh cắt lể, cạo gió hoặc những thuốc tự uống không theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Thành An