Số người nhận tiền BHXH một lần ngày càng tăng.

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2022, cả nước có hơn 208.900 người hưởng BHXH một lần. Giai đoạn 2016-2021, có hơn 4,59 triệu người hưởng BHXH một lần, trung bình cứ 2 người tham gia BHXH có 1 người rút một lần và năm sau luôn cao hơn năm trước. Các chuyên gia lo ngại, việc rút BHXH một lần sẽ khiến người lao động mất nhiều lợi ích về sau. Bởi nguồn BHXH như một quỹ, một khoản đầu tư lâu dài của người lao động, đặc biệt là sau khi về hưu, hết tuổi lao động hay không còn khả năng lao động.

Ồ ạt rút BHXH một lần

Tổng kết 10 năm thực hiện chính sách an sinh (2012-2022), Bộ LĐTBXH cho biết: Số người tham gia BHXH tăng từ 10,2 triệu lên 16,6 triệu cuối năm 2021. Số lao động tham gia thêm khoảng 6,4 triệu, chiếm khoảng 33% lực lượng trong độ tuổi, vẫn là mức thấp. Nhưng thống kê bình quân giai đoạn này mỗi năm hơn 700.000 người rút BHXH một lần, đồng nghĩa với 2 người tham gia vào hệ thống thì 1 người rời đi. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, riêng 3 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 208.900 người chọn rời quỹ hưu trí. Người rút gia tăng qua từng năm tạo thành xu hướng, gây áp lực lớn lên nỗ lực mở rộng bao phủ BHXH và an toàn tài chính hưu trí cho người cao tuổi trong tương lai.

Ông Nguyễn Văn Tiến, trú tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, T.P Hà Nội cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty cắt giảm nhân sự nên ông không còn việc làm. Thất nghiệp, ông nộp hồ sơ để nhận BHXH một lần. “Dù được cán bộ giải thích về việc nếu tiếp tục tham gia BHXH thì sau này sẽ được lĩnh lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Việc rút BHXH một lần sẽ rất thiệt thòi, nhất là khi về già. Nhưng nếu để nhận lương hưu hằng tháng thì tôi phải đóng thêm hơn 5 năm nữa, trong khi hiện nay kinh tế gia đình lại rất khó khăn. Do đó, tôi quyết định nhận BHXH một lần” - ông Tiến nói.

Chỉ còn 2 năm nữa là tròn 20 năm đóng BHXH, đủ điều kiện về thời gian tham gia để hưởng lương hưu, nhưng chị Nguyễn Thị Liên - công nhân Công ty Xuân Minh (huyện Thanh Oai, T.P Hà Nội) quyết định nghỉ việc để chờ rút bảo hiểm. Theo tính toán của chị, ở tuổi 45, chị nghĩ còn quá trẻ để nghĩ đến lương hưu, trong khi gia đình còn nhiều việc phải lo. Hai con nhỏ đang đi học, món nợ xây nhà đến hạn phải trả nhưng vợ chồng không có khoản tích lũy nào. “Nếu không đến thời hạn 20 năm đóng bảo hiểm thì chắc tôi chưa nghỉ”, chị Liên chia sẻ. Nếu tiếp tục làm việc vượt qua mốc 20 năm, chị sẽ không đủ điều kiện nhận BHXH một lần mà phải chờ đủ tuổi nhận lương hưu. Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chị Liên trả phòng trọ rồi chuyển về quê. Hiện tại, mỗi tháng chị nhận trợ cấp thất nghiệp hơn 5 triệu đồng, kiếm hàng về may gia công tại nhà.

Có nhiều lý do khác nhau để người lao động làm đơn đề nghị hưởng BHXH một lần. Trong số đó, có người tham gia BHXH một vài năm, nhưng cũng có người hơn chục năm. Với những trường hợp người lao động làm thủ tục nhận BHXH một lần, đều được tư vấn về những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, nhiều người lao động vẫn kiên quyết với quyết định của mình.

Cần nhanh sửa luật

Ông Phạm Minh Huân - chuyên gia lao động cho rằng: nguyên nhân rút BHXH một lần chủ yếu ở nhóm công nhân với thu nhập thấp, không có tích lũy, nên khi mất việc đối mặt nhiều khó khăn về kinh tế. Tỷ lệ hưởng BHXH một lần đã rơi vào số người lao động nữ, do sức ép về nuôi con, chăm lo gia đình, việc làm biến động nhiều hơn nam. Khi đứng trước lựa chọn phải đi vay để lo cuộc sống và nhận BHXH một lần, người lao động thường chọn phương án sau. Quy định đóng BHXH tối thiểu 20 năm mới được nhận lương hưu cũng là điều kiện khiến nhiều người lao động khó đạt. Chưa kể, hiện người lao động tiếp cận nhiều thông tin không chính thống trên các trang mạng xã hội ảnh hưởng tới tâm lý và niềm tin vào hệ thống BHXH. Tỷ lệ rút BHXH tăng tạo sức ép lớn lên ngân sách nhà nước chăm lo cho hệ thống an sinh và trợ cấp người cao tuổi không có lương hưu, đặc biệt khi Việt Nam đối mặt với tốc độ già hóa dân số ngày càng nhanh.

Ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng: số lao động rút BHXH một lần gia tăng phần lớn do tác động của đại dịch Covid-19 trong 3 năm qua. Nhà nước có nhiều gói an sinh xã hội nhưng chưa giải quyết được hết khó khăn cho người lao động buộc họ phải rút khoản đó ra để tiêu dùng. Trong khi đó, điều kiện cho rút BHXH một lần đang quá dễ dàng và cần xem xét trong luật sửa đổi.

Để giảm số người rút BHXH một lần, Bộ LĐTBXH đề xuất sửa quy định theo hướng giảm số năm đóng BHXH để được nhận lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và hướng tới còn 10 năm; bổ sung chế độ trợ cấp nuôi con nhỏ; thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm với người lao động trung tuổi. Đặc biệt, Bộ này còn đề xuất sửa quy định về hưởng BHXH một lần theo hướng chỉ cho phép rút phần người lao động đóng góp. Bổ sung quy định người lao động có thời gian đóng BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu nếu không nhận BHXH một lần sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn với mức trợ cấp hằng tháng cao hơn so với những người khác.

BHXH Việt Nam cũng đưa ra khuyến nghị: người lao động khi không lựa chọn hưởng BHXH một lần, có quyền bảo lưu thời gian đóng để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc, hoặc tham gia BHXH tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu trang trải cuộc sống và được cấp thẻ bảo hiểm y tế (với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu.

Võ Hóa