Có thể, nhiều người chưa biết đến bài thơ này và tác giả Huỳnh Văn Nghệ ? Nhưng khi đã đọc “Tiếng hát giữa rừng”, hẳn sẽ nhớ mãi và không thể không xót thương, cảm phục về người chiến sĩ bị thương nằm ở quân y viện dã chiến, vượt qua nỗi đau để cho bác sĩ phẫu thuật.
Mở đầu bài thơ là sự tình cờ khi tác giả đi qua quân y viện:
Ngựa bỗng dừng chân Bên quân y viện Giật mình nghe tiếng Quốc ca vang. *Tác giả phỏng *đoán: Phải chăng giờ chào cờ buổi sáng? Không phải. Hay hội nghị cơ quan? Cũng không phải. Những băn khoăn, thắc mắc của tác giả là có cơ sở. Bởi:
Sao chỉ một người cất giọng Hát đi, rồi hát lại nhiều lần. Khi dừng ngựa hỏi thăm thì mới hay: Đó là tiếng hát của một chiến sĩ bị thương đang nằm cho bắc sĩ cưa chân bằng chiếc cưa thợ mộc, không thuốc gây mê. Những người thực hiện ca phẫu thuật và cả nhân viên phục vụ ở trạm quân y hôm ấy không khỏi xót thương, cảm phục trước nghị lực, sức chịu đựng phi thường của người chiến sĩ. Điều đáng nói là, để vượt qua nỗi đau đớn khủng khiếp, người chiến sĩ không “cắn răng” chịu đựng, không rên la, gào thét khi bác sĩ phẫu thuật, mà lại chọn cách chịu đựng khá độc đáo: Hát vang Quốc ca. Thật hiếm có trường hợp nào như thế. Cách thức chịu đựng độc đáo đó làm toát lên phẩm chất anh hùng, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường của người chiến sĩ cách mạng. Trước nghị lực của người chiến sĩ, bác sĩ vừa cưa vừa khóc và chị cứu thương mắt cũng đỏ hoe…
Cưa cứ cưa, xương cứ đứt Máu cứ rơi từng vết đỏ hồng … Dồn hết phổi vào trong tiếng hát “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc…” Cuộc phẫu thuật chưa dừng, nghĩa là sức chịu đựng vượt qua nỗi đau của người chiến sĩ càng kéo dài thêm và càng làm nhói đau bao trái tim của những người chứng kiến hôm đó. Thế nhưng, người chiến sĩ vẫn cứ mải mê hát:
Đã hát đi hát lại bao lần Vẫn chưa đứt xương chân Vẫn chưa ngừng máu đỏ. Cho đến khi ca phẫu thuật xong, người chiến sĩ lịm đi, lúc đó “tiếng hát mới chịu ngưng”. Đoạn cuối của bài thơ là nỗi đau đến lặng người của tác giả, là lòng căm thù giặc bùng cháy của người chỉ huy khi thấy chiến sĩ mình hát vang Quốc ca trong nỗi đau đớn:
Trở lên yên ngựa đi từng bước Cúi đầu nén nỗi đau thương Nhưng lửa căm hờn Bỗng dựng cao đầu ngựa dậy Vang trời ngựa hí Chí phục thù cháy bỏng tay cương. Bài thơ “Tiếng hát giữa rừng” , sáng tác tại Chiến khu Đ vào năm 1946, lúc đó tác giả là Chi đội trưởng Chi đội 10 Vệ quốc đoàn, Biên Hòa, rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 310. Sau này là ông Phó tư lệnh, rồi Tư lệnh Khu 7, Tỉnh đội trưởng Thủ Biên. Thời kỳ hoạt động ở Nam Bộ, ông là một chỉ huy có tài, được Trung tướng Nguyễn Bình tin tưởng giao cho nhiều trọng trách. Đầu năm 1953, ông được T.Ư điều ra Chiến khu Việt Bắc, được bổ nhiệm Cục phó Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu. Năm 1965, ông được điều trở về Nam Bộ tham gia chiến đầu chống Mỹ, rồi làm Phó ban Kinh tài TƯ Cục miền Nam. Ông là một người văn võ song toàn, một nhà thơ chiến sĩ đất Thành đồng Nam Bộ. Ông cũng là tác giả của bài thơ “Nhớ Bắc” trong đó có hai câu thơ nổi tiếng, để đời: “Từ độ mang gươm đi mở cõi / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Ông qua đời năm 1977, tại TP Hồ Chí Minh, thọ 63 tuổi. Trên tấm bia, dưới ảnh chân dung ông có hai câu thơ:
Xin gửi lại bài thơ trên cát trắng Và chiều nay tôi sang bến lên đường. Giá mà trên bia mộ ông khắc thêm hai câu: “Từ độ mang gươm đi mở cõi / Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” thì mới trọn nghĩa vẹn tình với đất Thăng Long nghìn năm văn hiến…
Với những công lao công hiến của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ cho cách mạng, cho dân tộc cả về quân sự và thơ ca, ông đã được Nhà nước truy tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật (đợt 2), truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (14-4-2010)
Trương Văn Tiền