Lớn lên, ông là một nhà nho yêu nước, dạy chữ Hán cho con em trong làng và hành nghề bốc thuốc cứu nhân độ thế cho người nghèo ốm đau. Ông đã sinh ra những người con trung hiếu, sau này trở thành những cán bộ nổi tiếng của Đảng, quân đội, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Võ Thuần Nho.

Ngay khi Đảng mới thành lập, nhà ông đồ Nghiêm là nơi nhóm họp, lui tới vui hát, học tập của nhóm học trò tiến bộ trong làng. Năm 1931, chi bộ Đảng ở An Xá ra đời, địa điểm liên lạc đặt tại chùa An Xá; ông Nghiêm đã hết lòng ủng hộ che chở anh em, luôn theo dõi sự rình rập của kẻ địch để bảo vệ họ trong nhiều trường hợp bị lộ.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ ngày 19-12-1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp, con trai cụ Võ Quang Nghiêm, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành vị Tổng chỉ huy quân đội khi mới 36 tuổi đời; đã lên chiến khu Việt Bắc khi quê hương ông trở thành “Bình Trị Thiên khói lửa”. Tháng 5-1947, bọn địch đến vây ráp làng An Xá, thực hiện chính sách “Tam quang” (đốt sạch, giết sạch, cướp sạch), bắt đi một số người trong đó có cụ Võ Quang Nghiêm, đem về Đồng Hới, rồi đưa vào giam ở nhà lao Thừa Phủ tỉnh Thừa Thiên. Biết cụ là thân sinh người đang chỉ huy bộ đội đánh Pháp, bọn mật thám đã tra tấn dã man; câu hỏi duy nhất của chúng chỉ là: “Hiện nay tên Giáp có liên lạc với mày không? Nó đang ở đâu?”. Cụ Võ Quang Nghiêm chỉ có một câu trả lời tiền hậu như nhất: “Con tôi tự đi làm cách mạng, hiện nó đang ở đâu, làm gì, các ông biết rõ hơn tôi”.

  • Tại sao mày không biết dạy con, để con lộng hành, hoạt động chống lại chính quyền quốc gia?

Cụ Nghiêm bình thản nói lại: “Tôi chưa kịp dạy con thì nó đã bỏ nhà ra đi, bây chừ (giờ) tôi muốn dạy nó lắm. Vậy nhờ các ông bắt giùm đưa nó về đây cho tôi”!

Biết không thể khai thác được gì từ ông già cứng rắn, có bản lĩnh, chúng trói tay cụ dẫn đi trên đường phố cố đô Huế để thị uy với mọi người, tiếp tục lung lạc tinh thần của cụ Nghiêm, rồi giam cụ trong “Ca-sô âm phủ”. Cụ bị ốm nặng, bọn giặc bỏ mặc, không hề thuốc thang. Sau đó, chúng buộc phải chuyển cụ sang Bệnh viện Huế, trước sự đấu tranh quyết liệt của tù nhân. Nhưng rồi cụ đã anh dũng hi sinh giữa mùa hè năm 1949, sau hai năm sa vào tay giặc và một năm sau, khi người con trai cụ được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng - Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Biết cụ Võ Quang Nghiêm là thân phụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những người tham gia chôn cất cụ (và ba tù nhân xấu số khác) đã tìm cách ghi nhớ đặc biệt về cụ khi tiến hành mai táng. Cụ Nghiêm có hàm răng đen, tứ chi dài và to, là người duy nhất được đặt trong quan tài gỗ; địa điểm chôn cất ở nghĩa địa xã Trường Thủy (Huế). Mộ cụ được đặt chếch về núi Kim Phụng, phía ngoài cùng trong 4 ngôi mộ.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nhà nước ta đã suy tôn truy tặng danh hiệu liệt sĩ chống Pháp và tặng bằng Tổ quốc ghi công cho cụ, liệt sĩ Võ Quang Nghiêm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành “con liệt sĩ” từ đó.

Mộ liệt sĩ Võ Quang Nghiêm đang được chôn cất ở đâu trở thành câu hỏi lớn, thúc bách cả gia đình và các cơ quan hữu quan tỉnh Bình Trị Thiên hơn 30 năm về trước.

Theo nguyện vọng của gia đình và nhân dân xã Lộc Thủy, năm 1977, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang tỉnh Bình Trị Thiên đã quyết tâm tìm kiếm nơi an nghỉ của liệt sĩ Võ Quang Nghiêm gần ba thập niên trước để đưa về NTLS quê nhà, theo truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỏ lòng hiếu nghĩa với liệt sĩ, thương binh. Từ những thông tin của ba cụ già ở xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc và xã Thủy Trường, từng phụ trách việc chôn cất tử thi trong Bệnh viện Huế khi ấy cung cấp, thi hài liệt sĩ Võ Quang Nghiêm đã được tìm thấy và đưa về an tái tại NTLS huyện Lệ Thủy, đặt tại xã Mai Thủy.

Do bận nhiều công việc của đất nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cử con trai cả (cháu nội liệt sĩ), thay mặt mình cùng gia đình vào Quảng Bình quê hương, “chịu tang” theo thủ tục truyền thống của địa phương. Sau đó, cứ mỗi lần vào Quảng Bình công tác, Đại tướng lại về viếng nghĩa trang huyện Lệ Thủy và mộ cụ thân sinh – liệt sĩ Võ Quang Nghiêm.

Vân Anh (sưu tầm)