Nay tuy ở tuổi thượng thượng thọ nhưng ông thường gặp mặt đồng đội và hoạt động truyền thống. Khi được hỏi về những ngày phục vụ Bác Hồ thì ông linh hoạt hẳn lên, khuôn mặt già nua ửng hồng và ông bồi hồi kể:

Khi Chỉ huy sở của Ban lãnh đạo Khu giải phóng chuyển về Tân Trào; tình hình cách mạng lúc này rất khẩn trương, thời cơ cho một cuộc khởi nghĩa của cả dân tộc đang chín muồi. Trong số chiến sĩ của Ban lãnh đạo có tôi vừa học xong khóa 1 Trường Quân chính kháng Nhật, biết đánh máy chữ, lại làm cả y tá nên được dùng vào mọi việc. Một buổi trưa cuối tháng 7-1945, anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) gọi tôi đến gấp rồi nói: Ông Cụ trên lán Nà Lừa bị ốm nặng, đồng chí lấy thuốc lên tiêm khẩn trương. Lán Nà Lừa được dựng bằng những cây gỗ dẻ to, mái lợp lá rừng, xung quanh và sàn đều làm bằng nứa, cầu thang lên xuống có bốn bậc buộc chặt bằng dây mây chắc chắn. Bước lên nhà tôi rất hồi hộp lo tay nghề có hạn, thuốc men còn ít thì liệu có hoàn thành nhiệm vụ không. Lúc này Bác Hồ mặc quần áo chàm, mặt tái mét, nằm lặng lẽ trên tấm vải bạt quân sự, ở cạnh có một chiếc va li bằng da đã cũ, bên trên đặt chiếc máy chữ nhở. Chúng tôi cùng ngồi xuống và lo lắng, mạch của Bác đều nhưng yếu, cả người lạnh toát, chỉ có vùng bụng là hơi ấm. Nghe nói Ông Cụ đang sốt thì mấy đồng chí phục vụ lại đun nước xông nên bệnh tình thêm nặng. Tôi báo cáo với anh Văn: Thưa đồng chí, Ông Cụ ngất do cảm nặng. Bây giờ xin được tiêm thuốc. Anh Văn gật đầu. Tôi tiêm thuốc vào bắp đùi, rồi xin phép anh Văn tiêm thêm mũi trợ tim vào cánh tay trái của Bác. Lát sau Bác thở dồn dập, mùi dầu long não và ê-te tỏa ra, người ấm dần lên, hai mí mắt Bác động đậy rồi mở to nhìn chúng tôi. Trước lúc ra về, Bác nhắc với anh Văn những công việc của cách mạng cần làm ngay, còn anh Văn thì dặn tôi mai lại lên tiêm cho Bác.

Sáng hôm sau, lên tới lán, tôi đã thấy Bác ngồi xếp bằng tròn trước chiếc máy chữ, bên cạnh là một xấp giấy trắng, chắc Bác đã làm việc từ lâu lắm. Tôi lễ phép chào: Thưa Cụ, đồng chí Văn bảo cháu lên tiêm thuốc cho Cụ ạ. Bác khẽ gật đầu rồi hỏi: Hôm qua chú tiêm thuốc gì mà làm cho tôi đau từ chân lên tới đỉnh đầu. Chú tiêm vào những chỗ nào? Thưa Cụ, cháu tiêm hai mũi, một vào bắp đùi, một vào cánh tay bên trái. Cụ đang mệt nên cảm thấy đau đấy ạ. Khi tôi xuống bậc thang vào bếp luộc đồ tiêm thì Bác bước theo và nói: Tôi xuống sưởi một lúc cho ấm. Chú là con nhà ai mà biết tiêm thuốc. Tôi kể, cháu người dân tộc Tày ở Bắc Cạn, được học tới lớp nhất thì theo học y tá ở nhà thương Hải Dương. Khi Nhật đảo chính Pháp thì trường giải tán. Cháu về quê được đồng chí Khang và đơn vị giải phóng quân giác ngộ nên đi làm cách mạng ạ. Bác khuyên tôi: Thanh niên các chú có học, có nghề, nhưng phải có chí nữa mới làm được cách mạng… Lần này Bác nằm sấp để tiêm. Tôi để ý thấy Bác chỉ có da và xương, mà da lại dai, nhăn nheo. Lòng tôi se lại. Thương Bác quá. Tay tôi cũng run run, vài giây sau mới trấn tĩnh tiêm cho Bác hai mũi ki-nin và một ống ca-phê-in. Tôi biết những trường hợp này thường bị đau, nhưng nhìn vẻ mặt Bác không có biểu hiện gì nên yên tâm. Hôm sau tôi lại tiêm cho Bác. Khi Đại hội đại biểu quốc dân họp ở đình Tân Trào, tôi còn được lên lán Nà Lừa đón Bác vào dự. Hội nghị đã bầu Bác là Chủ tịch Chính phủ lâm thời.

Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhớ lời Bác dặn, thanh niên phải có trí mới làm cách mạng được, Nguyễn Việt Cường tích cực rèn luyện, trở thành Đại tá, Bí thư Tham mưu cục, Bộ Quốc phòng. Kháng chiến chống Pháp, ông làm Bí thư Khu uỷ, Quân khu Tây Bắc, cùng nhân dân các dân tộc ủng hộ sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông còn làm Trưởng phòng Dân quân Quân khu Tây Bắc, tham gia huy động hàng vạn thanh niên vùng cao, biên giới lên đường vào bộ đội, thanh niên xung phong đi các chiến trường chống Mỹ cứu nước. Năm 1986, ông nghỉ hưu với cương vị Phó chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 1 và tiếp tục 7 năm làm Chủ tịch Hội CCB tỉnh Bắc Thái (nay là 2 tỉnh Thái Nguyễn và Bắc Cạn). Nay ông cư trú tại số 183, tổ 1, cụm 5, phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.

Từ 2009, ông tiết kiệm tiền lương hưu làm 6 biển đồng ghi những sự kiện lịch sử và một chiêng đồng trị giá gần 10 triệu đồng tặng Nhà bảo tàng Tân Trào. Tháng 5-2010, ông được mời tham gia đoàn cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh sang Thái Lan dự hội thảo “Hồ Chí Minh người bạn lớn của Thái Lan” do Hội Văn hóa Thái - Việt và Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tổ chức.

Tô Kiều Thẩm (ghi)