Bên ly trà nóng trong ngày đầu xuân ấm áp, CCB Phùng Văn Giáp thôn Hồng Kỳ, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa kể cho tôi nghe về cuộc đời mình và cái duyên đến với nghề nuôi lợn.
Sau xuất ngũ năm 1985, ông nghỉ làm ở xí nghiệp may. Cuộc sống gia đình bắt đầu những ngày rất khó khăn. Ngược xuôi vất vả mà chẳng thoát được cảnh chạy ăn từng bữa, Phùng Văn Giáp trăn trở cần phải có phương án ổn định lâu dài, không thể đi buôn cá, mắm mãi được! Nghĩ là làm, ông quyết định đầu tư mua máy xay xát, nghiền và chăn nuôi lợn.
Ông kể “Năm 2000, khi bắt tay vào chăn nuôi lợn, tôi vay của anh em, họ hàng được 12 triệu đồng mua máy, thu mua lương thực về xay, nghiền phục vụ bà con lấy cám nuôi lợn. Hai năm sau, tôi bắt tay vào nuôi lợn siêu nạc và lợn lai bò. Từ đó đến nay chưa một năm nào thua lỗ”.
Chia sẻ bí quyết về nghề nuôi lợn “chỉ có lãi” ông cho hay: “Trước hết tôi học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình, trang trại; những người đi trước và tham gia có hiệu quả các lớp tập huấn về chăn nuôi do địa phương tổ chức. Khâu chọn giống rất quan trọng, đảm bảo lợn sinh trưởng tốt, ít bệnh tật. Vì vậy, khi chọn giống cần chọn con thân dài, chân cao; mông, gáy nở; chọn những con đầu đàn, trước khi bắt về phải được tiêm chủng và phải giữ vệ sinh chuồng trại thật tốt”.
Bên cạnh đó, Phùng Văn Giáp đã tận dụng nguồn thức ăn từ máy xát, nghiền của gia đình nên chi phí đầu tư thấp. Khi lợn có bệnh thì ông tự mua thuốc và tiêm cho lợn. Đến tuổi xuất chuồng, ông không bán lẻ mà gọi xe bán buôn, bởi theo ông, đây là thị trường ổn định, không ép giá, tiền được thanh toán một lần giúp quay vòng vốn nhanh. Hiện tại, trung bình mỗi năm ông xuất được 4 lứa lợn thịt, mỗi lứa từ 45-50 con, mỗi con từ 120-130kg, trừ các chi phí, ông thu lãi về gần 150 triệu đồng.
Ông bảo: “Giờ đây, tôi chỉ mong muốn thuê được mặt bằng để mở rộng mô hình chăn nuôi, giúp đỡ được nhiều hơn cho các gia đình khó khăn trong xã”. Mong sao, ước nguyện ấy của ông sớm được cấp ủy, chính quyền quan tâm giúp đỡ”.
Vũ Minh