Tình báo viên Đinh Thị Vân khi được phong Anh hùng.

Đó là Đại tá Đinh Thị Vân (1916-1995) - Anh hùng đầu tiên của Tình báo Quốc phòng Việt Nam.

Đại tá Đinh Thị Vân tên thật là Đinh Thị Mậu, quê làng Đông An, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Xuất thân trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước, bà Vân sớm tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương.

Tháng 6-1954, đang là Huyện ủy viên Huyện ủy Xuân Trường, Đinh Thị Vân được điều về Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng), với nhiệm vụ hoạt động bí mật trong lòng địch. Để yên tâm công tác, bà đã cưới vợ mới cho chồng để có người chăm sóc, lo toan việc nhà tạo điều kiện cho mình hoàn thành nhiệm vụ.

Cuối năm 1954, trong đoàn người di cư, Đinh Thị Vân được cử vào Nam công tác. Chỉ trong thời gian ngắn, bà đã ổn định được thế đứng hợp pháp, vận động được người trong hàng ngũ địch làm việc cho ta, nên lấy được nhiều tin tức, tài liệu giá trị về địch, báo cáo kịp thời lên cấp trên.  

Một trong những thành tích lớn nhất của Tình báo viên Đinh Thị Vân giai đoạn này là bà đã thu thập được và báo cáo lên cấp trên một cách tỉ mỉ hệ thống phòng ngự cũng như kế hoạch triển khai các đơn vị quân đội Sài Gòn ở Nam vĩ tuyến 17. Nhờ những thông tin này, ta đã chủ động hơn trong việc đưa lực lượng vào miền Nam một cách an toàn, bí mật nhất.

Cuối năm 1959, Đinh Thị Vân bị địch bắt, chúng dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, tra tấn dã man. Nhớ lời dạy của Bác Hồ “Uy vũ bất năng khuất”, bà thầm hứa “Bác ơi, dẫu cháu có phải chết, cháu cũng sẽ đứng vững, sẽ xứng đáng là người đảng viên của Đảng do Bác sáng lập” và càng có thêm quyết tâm chịu đau, không khai nửa lời. Kết quả là địch không moi được chút tin tức nào từ bà, các cơ sở của ta được bảo vệ an toàn.

Sau khi thoát khỏi nhà tù địch năm 1964, trong điều kiện hoạt động gặp nhiều khó khăn do địch tăng cường bộ máy kìm kẹp, đánh phá các cơ sở của ta, nhưng được sự chỉ đạo của trên và được quần chúng bảo vệ che chở, Đinh Thị Vân đã liên lạc được với cơ sở để tiếp tục hoạt động, cung cấp cho cấp trên nhiều tin chính xác về địch. Như, việc Mỹ đưa bao nhiên quân vào miền Nam, sự bố trí giữa quân Mỹ và quân ngụy, hỗn hợp quân Mỹ - ngụy; kế hoạch xây dựng nghĩa quân, địa phương quân của địch trên 43 tỉnh, thành miền Nam; chiến dịch “ba mũi tên tìm - diệt” mà Mỹ - ngụy dự định tiến hành; âm mưu của địch trong chiến dịch Junction City với ý đồ đập tan cơ quan đầu não của ta… Đặc biệt, trong Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, lưới tình báo của bà đã đóng góp nhiều thông tin cho Bộ chỉ huy chiến dịch về sự bố phòng của quân ngụy Sài Gòn và những gì địch biết về kế hoạch của ta.

Do sức khỏe giảm sút vì bị tra tấn dã man, tháng 3-1969, Đinh Thị Vân được tổ chức đưa ra Bắc để điều trị và làm công tác huấn luyện tình báo. Cho đến lúc này, địch vẫn không hề hay biết về mạng lưới tình báo của bà.

Tình báo viên Đinh Thị Vân đã nêu cao phẩm chất tốt đẹp của người đảng viên cộng sản, hy sinh cả hạnh phúc riêng tư, gia đình, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và CNXH.

Ngày 25-8-1970, bà Đinh Thị Vân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, là Anh hùng đầu tiên của Ngành Tình báo Quốc phòng, với lời tuyên dương: “Đồng chí Đinh Thị Vân, Thiếu tá bộ binh, là một cán bộ mẫu mực, trung thành, tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, có năng lực vận động tổ chức quần chúng giỏi, bám chắc cơ sở hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng trong những hoàn cảnh rất khó khăn”.

Những năm tháng cuối đời, bà luôn được sống trong vòng tay yêu thương của đồng đội, nhân dân.

ĐĂNG SONG