Dịch Covid-19 được kiểm soát, công nhân yên tâm trở lại làm việc.

Dịch Covid-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp mở cửa trở lại để đảm bảo các đơn hàng mới, phục hồi sản xuất. Ở các khu công nghiệp (KCN) tại Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác, số doanh nghiệp hoạt động lại bình thường ngày càng cao, nhiều lao động sau khi trở về quê tránh dịch đã trở lại làm việc.

Về tận nơi đón lao động trở lại

CCB Nguyễn Hoàng Minh - chủ doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tại huyện Hoài Đức, T.P Hà Nội cho biết: Sau khi Thủ đô nới lỏng các biện pháp giãn cách, công ty đã hoạt động 100% công suất. Hiện tại, chúng tôi đang chuẩn bị các nguyên phụ liệu, phòng trường hợp bất trắc, vẫn kịp cung ứng cho các đơn hàng đã ký kết cũng như các kế hoạch sản xuất. Đơn hàng gấp rút, nhưng do nhiều lao động đang mắc kẹt ở quê nên quá trình sản xuất gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ. Để chủ động nguồn lao động, ngoài kế hoạch đón công nhân ở các tỉnh trở lại làm việc, doanh nghiệp sẽ tuyển mới hàng trăm lao động. Công ty cũng tuyển lại công nhân cũ, giữ lại bậc lương vào thời điểm thôi việc; thưởng 1,1 triệu đồng khi người lao động giới thiệu được công nhân mới vào Công ty làm việc; thưởng cho mỗi công nhân mới mỗi tháng 200.000 đồng trong vòng 1 năm.

Chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, nhưng Công ty TNHH Thành Long, KCN Bắc Thăng Long, T.P Hà Nội đã sớm trở lại hoạt động. Chỉ sau 1 tuần mở cửa trở lại, Công ty đã có trên 1000 lao động trở lại làm việc. Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch Công đoàn cho biết: Công ty đang phục hồi nhanh chóng và công nhân rất vui vẻ, phấn khởi. Hiện nay, Công ty đã có kế hoạch đón lao động từ các tỉnh khác về Hà Nội để phục vụ các đơn hàng dịp Noel và Tết Dương lịch 2022. Sắp tới, chúng tôi sẽ đưa xe đến các tỉnh miền Trung để đón công nhân về quê tránh dịch trở lại làm việc. Số lao động này đều là công nhân lành nghề rất cần thiết cho công việc sản xuất các đơn hàng lớn cuối năm.

CCB Lê Văn Thắng, quê Thanh Hóa làm việc tại KCN Bắc Thăng Long, T.P Hà Nội cho biết: Hồi tháng 7 do quá khó khăn, không còn khả năng thuê nhà trọ, nên đã về quê. Gần đây, giao thông giữa các tỉnh thông thoáng, Công ty gọi thông báo đang thiếu lao động nên anh cùng một số công nhân ở Hà Nam, Nình Bình quay trở lại đi làm.

Tại T.P Hồ Chí Minh số lượng lao động trở lại các KCN cũng tăng lên nhanh chóng. CCB Đinh Sĩ Phúc - Giám đốc Công ty TNHH Vina cho biết: Chúng tôi đã liên hệ và đang chuẩn bị đón 400 công nhân ở các tỉnh Tây Nguyên trở lại làm việc. Sau khi đón công nhân trở lại, Công ty sẽ liên hệ với chính quyền để tiêm vắc xin cho những người chưa tiêm hoặc đã tiêm mũi 1 nhằm đảm bảo đã tiêm đầy đủ vắc xin theo quy định trước khi đi làm trở lại.

Cùng với việc đưa xe về tận nơi đón, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các gói an sinh, hỗ trợ để giữ chân lao động và giúp họ yên tâm đi làm trở lại. Ông Trần Việt Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp T.P Hồ Chí Minh cho rằng: Doanh nghiệp nên có Trạm y tế đúng tiêu chuẩn phòng, chống dịch Covid-19, có nhân viên y tế chuyên nghiệp và những trang thiết bị, thuốc men cần thiết để tạo tâm lý an tâm cho người lao động. Các KCN cần có bệnh viện dã chiến để chữa trị cho F0. Doanh nghiệp không thể chỉ dùng lương, thưởng, phúc lợi để thu hút và giữ chân người lao động như lâu nay. Trong thời điểm này rất cần chính sách chăm sóc người lao động, đảm bảo sự an toàn cho họ.

Cần chính sách hỗ trợ nhanh, mạnh và khả thi

Ông Hoàng Mạnh Cường - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân CCB T.P Hà Nội, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thạch Bàn cho rằng: Để các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất giải pháp căn cơ vẫn là “phủ sóng” vắc xin tạo miễn dịch cộng đồng. T.P Hà Nội có thể kéo dài các chính sách miễn, giảm, giãn hoãn thuế, lãi suất đến cuối 2022 để doanh nghiệp có đủ thời gian hồi phục và cần tiếp tục duy trì các chính sách tài khóa, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và T.P Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp chủ động xét nghiệm, giảm giá dịch vụ vận chuyển. Đồng thời sớm có thông tin về chiến lược, chính sách phòng chống dịch để doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, chủ động điều chỉnh trong sản xuất kinh doanh.

Nếu doanh nghiệp nào có bề dày, có tích lũy, cân đối được các nguồn vốn thì phục hồi nhanh hơn. Còn những doanh nghiệp nguồn lực yếu, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ rất khó khăn. Doanh nghiệp cần chủ động trong việc kết nối nguồn nhân lực, có các chính sách, điều kiện giúp cho người lao động quay trở lại làm việc. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải xây dựng lại kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới. Các công ty có thể phối hợp với trung tâm đào tạo nghề, cơ sở đào tạo giáo dục trên địa bàn T.P Hà Nội để bổ sung nguồn nhân lực.

Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa có văn bản gửi liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan về việc thực hiện một số giải pháp hạn chế thiếu hụt lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các chương trình hỗ trợ của địa phương, tăng cường xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ người lao động đặc biệt khó khăn hoặc người lao động đã về quê nay trở lại doanh nghiệp gặp khó khăn, giúp người lao động có điều kiện để bám trụ, sẵn sàng đồng hành với người sử dụng lao động phục hồi sản xuất, kinh doanh…

Võ Hóa