. CCB Trần Văn Quốc kể lại: “Cuộc gặp với đồng chí Chủ tịch TP Vũng Tàu rất đơn giản, chỉ vì đồng chí thích tác phong chỉ huy, sâu sát của tôi”. Anh Quốc khẳng định: Bản tính của tôi là như vậy, đó cũng là đức tính của người lính đã từng qua chiến đấu. Khi đã nhận thi công công trình nào, tôi phải khảo sát, nghiên cứu thật kỹ. Ngoài những vấn đề về chuyên môn kiến trúc, xây dựng, thì vấn đề quan trọng là nghiên cứu phương án thi công thích hợp, vận dụng tất cả các điều kiện tối ưu nhất để phục vụ, giảm chi phí giá thành công trình mà vẫn bảo đảm được chất lượng và thời gian thi công”.

Cách tính ra giá thành của công trình một cách hợp lý chính là mấu chốt để CCB Trần Văn Quốc luôn thành công. Anh cho biết: “Mỗi công trình xây dựng đều khác nhau về đường nét kiến trúc. Nếu đi mua các mẫu có sẵn, giá thành vừa đắt, lại giống nhau về mẫu mã. Thứ nhất là luôn vận dụng sáng tạo trong tạo mẫu, đặc biệt là những công trình đền thờ và trường học, phải vừa giữ được nét kiến trúc truyền thống, vừa vận dụng phối hợp nét kiến trúc hiện đại. Thứ hai là mình phải trực tiếp thực hiện hoặc giám sát thi công những chi tiết kiến trúc khó nhất. Thứ ba là chủ động sản xuất ra các chi tiết kỹ thuật của công trình, mua máy móc về để tạo mẫu. Việc này có nhiều cái lợi, vừa sản xuất ra các sản phẩm có mẫu và chất lượng theo ý muốn của mình; vừa tạo việc làm cho công nhân, đồng thời sẽ tạo ra giá thành sản phẩm thấp hơn rất nhiều”.

Đến thăm cơ sở sản xuất vật liệu của CCB Trần Văn Quốc, chúng tôi thấy trên khu đất rộng hơn 1.000m2, một xưởng sản xuất các chi tiết kiến trúc phục vụ cho các công trình với đủ loại kích thước, mẫu mã. Xưởng bảo đảm cho số công nhân trên 20 người liên tục có việc làm với hầu hết là CCB và bộ đội xuất ngũ. Một khu đất trống để chăn nuôi và trồng trọt, có trên một trăm con heo; đàn gà, vịt, bồ câu cũng có hàng trăm con... Những giàn bầu, bí, muớp đang ra trái … Tất cả sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt từ khu đất này đều phục vụ cho bữa ăn của công nhân. Để bảo đảm chất lượng của các công trình xây dựng, CCB Trần Văn Quốc đã đến tận các làng quê có nghề truyền thống về xây dưng, kiến trúc và nghề mộc, như Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nam Định để tuyển lao động có tay nghề, đồng thời tổ chức thành đội, tổ và bảo đảm khẩu phần ăn và nơi nghỉ cho công nhân.

Người đời thường nói: “Đằng sau sự thành công của người đàn ông, bao giờ cũng có bóng hình của người phụ nữ”, nhưng đối với CCB Trần Văn Quốc, thì vợ anh, chị Trịnh Thị Huynh không chỉ đứng đằng sau mà còn cùng đi, cùng suy nghĩ bàn bạc, cùng làm. Anh tâm sự: “Khi tôi có ý định làm nghề xây dựng, chính vợ tôi là người ủng hộ tích cực nhất. Cho đến bây giờ, vợ tôi cũng là người chia sẻ với tôi trong công việc. Kiến thức học ở trường cùng với sự đam mê nghề nghiệp đã khiến vợ tôi trở thành người bạn nghề nghiệp. Vợ chồng tôi thường đi tới các công trình để làm việc, kiểm tra, giám sát và cùng chia sẻ với công nhân”.

Cho đến bây giờ, những lúc hai vợ chồng CCB Trần Văn Quốc được đi cùng nhau, ngồi tâm sự cùng nhau lâu nhất, chính là lúc cả hai cùng đi bàn giao tặng những căn nhà tình nghĩa, tình thương hay đến cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai lũ lụt. Những đóng góp của CCB Trần Văn Quốc đối với các chương trình “Nghĩa tình đông đội”, “Uống nước nhớ nguồn” và các hoạt động nghĩa tình khác được Thường trực Hội CCB tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá cao.

Buổi làm việc với đồng chí Chủ tịch TP Vũng Tàu năm 2004, đã đánh dấu một mốc quan trọng trong sự nghiệp của CCB Trần Văn Quốc. Gần 30 công trình xây dựng “Đến thờ liệt sĩ” và trường học do UBND TP Vũng Tàu và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư, đã được giao cho doanh nghiệp CCB Trần Văn Quốc thực hiện trong hơn 6 năm qua. Công trình “Đền thờ liệt sĩ” của TP Vũng Tàu là công trình lớn nhất mà UBND TP Vũng Tàu giao cho CCB Trần Văn Quốc thi công, bảo đảm phương án tốt nhất, tạo uy tín cho doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các công trình “Đền thờ liệt sĩ” tại huyện Long Đất, xã đảo Long Sơn… và hàng chục công trình trường học khác trên khắp địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bài và ảnh: Vũ Xiêm