Ông Lê Văn Tảo kiểm tra chất lượng keo lấy gỗ

Là người lính tham gia chiến trường K, sau khi xuất ngũ với tỉ lệ thương tật 41%, ông Lê Văn Tảo trở về quê hương ở thôn Khe Sòng, xã Dương Hòa, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông tham gia hoạt động tại địa phương, làm Xã đội phó rồi Bí thư chi bộ xã và về hưu năm 2010. Khi Nhà nước có chủ trường phát triển rừng để phủ xanh đất trống đồi trọc, ông đã cùng gia đình tiên phong nhận đất trồng rừng và quyết định phát triển mô hình kinh tế gia đình để có thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng quê hương.

Ngày đó, xã Dương Hòa chỉ trồng bạch đàn, năng suất thấp, chất lượng kém, đầu ra không ổn định. Do vậy, dù được Nhà nước khuyến khích nhưng ít ngươi dám nhận đất để trồng rừng.

Vườn ươm keo giống của gia đình ông Lê Văn Tảo

Thấy người dân không mặn mà với rừng, ông Tảo đã nhiều đêm trăn trở: Làm sao để người dân nhận thức được trồng rừng là hướng đi đúng đắn của vùng gò đồi. Là một thương binh, sức khỏe không còn như trước, nhưng với tinh thần của một “Người lính Cụ Hồ”, ông quyết tâm phải tiên phong làm gương. Ông quyết định nhận đất làm thử, vừa làm vừa học hỏi kỹ thuật ở các địa phương khác, sau khi thành công, là cơ sở tuyên truyền để bà con chủ động nhận đất trồng rừng.

Ông đã mạnh dạn đầu tư mô hình vườn ươm cây giống (keo giâm hom). Sau nhiều ngày đêm nghiên cứu, tìm tòi, ứng dụng khoa học, ông đã tạo ra được vườn giống chất lượng với cây giống có khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, hạn chế đổ ngã. Ông còn thử nghiệm ươm cây trong túi bầu tự hủy được làm từ vải dệt sinh học, sẽ dần tự hủy khi trồng xuống đất, không cần mất công tháo bầu khi trồng cây, tránh ảnh hưởng tới rễ cây, đồng thời hạn chế thải nilông ra môi trường. Để phục vụ việc khai thác và kinh doanh rừng, ông đầu tư 1 chiếc xe tải lớn, 1 xe ben và xe múc.

Hơn 30 năm gắn bó với rừng, hiện gia đình ông Tảo có hơn 50 ha rừng. Mô hình kinh tế rừng hiệu quả mang lại thu nhập thuần là 620 triệu đồng/năm, trong đó thu từ vườm ươm giống 20 triệu đồng, thu từ khai thác rừng trồng 500 triệu đồng và thu từ vận chuyển, máy múc 100 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả từ cây thanh trà và bưởi da xanh, ông Lê Văn Tảo đã chuyển đổi một phần diện tích trồng rừng sang trồng 100 cây bưởi và 200 cây thanh trà

Nhận thấy hiệu quả từ cây Thanh trà và bưởi Da xanh, ông Lê Văn Tảo tiếp tục chuyển đổi một phần diện tích trồng rừng sang trồng 100 cây Bưởi và 200 cây Thanh trà. Hiện nay, đã cho quả lứa đầu.

CCB Lê Văn Tảo không chỉ là người đi đầu trong việc khai hoang trồng rừng ở vùng gò đồi xã Dương Hòa, mà ông còn tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo và cận nghèo, với 30 lao động thường xuyên, lương bình quân 6,5 triệu đồng/tháng và 30 lao động theo thời vụ, giúp họ ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Vườn bưởi da xanh đã cho thu hoạch lứa đầu

Là một hội viên CCB, ông Lê Văn Tảo tích cực tham gia các phong trào địa phương, nhất là phong trào “CCB Việt Nam thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, vươn lên xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; tuyên truyền vận động gia đình hội viên và nhân dân trong địa phương chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và các quy định của địa phương. Năm 2021-2023 gia đình ông đã trao hơn 100 suất quà cho hộ nghèo, cận nghèo khoảng 20 triệu đồng; ủng hộ hơn 100 triệu đồng cho quỹ “Vì người nghèo”, quỹ khuyến học, các phong trào hoạt động địa phương...

Với mô hình vườn ươm cây giống, trồng rừng và cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời tích cực trong các phong trào địa phương, đặc biệt là công tác xóa đói, giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới ở địa phương, ông Lê Văn Tảo đã được tặng danh hiệu “CCB sản xuất kinh doanh giỏi” và là một trong những điển hình tiên tiến trong Phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” năm 2023.

Hoàng Long