Mùa hè năm 1972, Đại đội tôi thuộc Tiểu đoàn 30 công binh Mặt trận B5, được giao nhiệm vụ chốt giữ tuyến đường huyết mạch vượt ngầm Bến Tắt (thượng nguồn sông Bến Hải). Cung đường chạy qua hai huyện Do Linh và Cam Lộ (Quảng Trị). Tiểu đoàn cử anh Phì-Đại úy, Tham mưu trưởng về trực tiếp chỉ huy đơn vị tôi.
Quê anh Phì ở ven sông Mã (Thanh Hóa). Anh cao lớn, gồ ghề, dáng đi băm bổ, hai gò mà nhô cao làm cho anh có vẻ gầy guộc và khắc khổ. Cái nắng gắt miền Trung và những cơn sốt rét rừng làm da anh tái xám, trông già trước tuổi. Mới hơn 30, chưa vợ mà tưởng anh đã gần tuổi 50. Tuy vậy, anh rất khỏe. Hành quân, ngoài trang bị cá nhân, anh còn mang giúp lúc khẩu AK, lúc bao gạo cho những chiến sĩ ốm yếu.
Trong lửa đạn, thiếu thốn, khốc liệt của chiến tranh, chúng tôi thương yêu, quý mến nhau như ruột thịt, chia sẻ từng ngụm nước, miếng lương khô và cả những chuyện riêng tư. Hồi tôi còn làm trợ lý chính trị tiểu đoàn, sống gần anh. Anh đã kể cho tôi nghe mối tình đầu tuyệt đẹp và thơ mộng của mình: Tốt nghiệp sĩ quan công binh, anh được ghé thăm nhà một tuần trước khi vào chiến trường. Thời gian ngắn ngủi ấy, anh đã kịp làm quen và yêu một cô giáo cấp 2 cùng quê. Đêm cuối cùng trước lúc chia tay, ngồi cạnh người yêu, anh ngây ngất bởi hương bồ kết tỏa ra từ mái tóc dài kết đuôi sam. Nhiều lần anh muốn nắm tay cô mà không dám. 30 tuổi, lần đầu yêu, anh thật sự lúng túng, muốn nói lời yêu mà cứ ấp úng chẳng nên lời. Tôi gặng hỏi tên cô ấy, nhưng anh cười không nói.
Những lúc hiếm hoi vắng tiếng bom, tiếng pháo, chúng tôi tranh thủ tâm sự chuyện nhà, chuyện yêu đương, đọc thơ và kể chuyện cho nhau nghe. Biết tôi quê Hà Tĩnh, có thuộc chút ít truyện Kiều, anh Phì thường bảo tôi đọc Kiều cho anh nghe. Anh nói thuở nhỏ, mẹ anh thường ru anh ngủ bằng những câu Kiều. Bà không biết chữ nhưng rất thuộc Kiều. Anh tâm sự hồi còn đi học, anh rất thích văn, thơ. Anh ước mơ sau chiến tranh, sẽ tiếp tục học lên và trở thành thầy giáo dạy văn.
Tôi nhớ một hôm, đơn vị được lệnh đón đồng chí Đại tá Lê Xy-Phó chính uỷ Đoàn 559 đi kiểm tra tuyến, anh Phì phải thức suốt đêm kiểm tra từng chốt, từng cung đoạn trọng yếu để đảm bảo thông xe và an toàn cho đoàn kiểm tra.
Đêm đó, sau một thời gian yên ắng, vắng tiếng B52 và cả bọn OV 10, trừ bộ phận trực chiến, còn lại chúng tôi đang chìm trong giấc ngủ. Bỗng nghe tiếng “bục bục” rồi tiếng nổ chát chúa. Pháo địch từ Cửa Việt bắn lên dữ dội. Tiếng nổ và khói bụi trùm lên đơn vị chúng tôi. Mọi người chỉ kịp kêu “pháo!” rồi nhanh chóng vọt xuống hầm chữ A.
Dứt tiếng pháo, tiếng gọi nhau í ới. Tôi chạy đi kiểm tra từng hầm. Trong ánh đèn pin mờ mờ, tôi thấy anh Phì đang quằn quại trong vũng máu. Chân phải anh bị mảnh pháo phạt ngang, máu chảy đầm đìa, xương dập nát, mặt tái xanh vì mất máu. Bên cạnh anh là Tuấn liên lạc (quê Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã tắt thở. Anh em vội bắn súng cấp cứu và kịp thời sơ cứu thương binh.
Chân phải anh Phì dập nát chỉ còn mảnh da dính lại, buộc quân y phải cắt bỏ chân anh để băng bó phần còn lại.
Do địch đánh phá ác liệt, đơn vị chưa kịp chuyển anh lên tuyến trên. Tôi thường đến thăm anh. Anh mất máu nhiều nên da xanh rớt. Vết thương nhiễm trùng vì thiếu thuốc kháng sinh. Tôi biết anh rất đau nhưng gắng chịu đựng, mồ hồi vã ra đầm đìa.
Ban đêm khi lặng tiếng bom, vắng tiếng máy bay, anh lại bảo tôi đọc Kiều cho anh nghe. Dẫu rằng giọng đọc của tôi chẳng ra gì, lại thường lẫn lộn câu chữ, nhưng thương anh, tôi cố đọc, mong anh vợi bớt nỗi đau. Tôi nhớ lần đọc đến đoạn: ...Thời trân thức thức sẵn bày/ Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường…
Anh bảo tôi dừng lại và hỏi: “Chẳng lẽ con gái (chỉ Thuý Kiều) lại chủ động đi tìm con trai (chỉ Kim Trọng) sao?”. Tôi biết anh đang nghĩ đến người yêu ở quê và sự rụt rè của cô ấy khi nói chuyện với anh. Anh hỏi: “Sao Thúy Kiều mạnh dạn thế?”. Tôi cũng chẳng hiểu gì hơn anh nên đáp bừa “Vì tình yêu mà anh”, trong bụng chỉ muốn anh quên bớt nỗi đau và ngủ được dù chỉ là giây lát, vì đơn vị một viên thuốc ngủ cũng không có. Rồi anh cũng thiu thiu ngủ. Không biết do mệt quá hay nhờ vần thơ của Đại thi hào đã ru anh ?! Nhìn anh nằm, phủ một tấm chăn dù mỏng, phần chân bên phải bị cụt lõm xuống, tôi trào nước mắt.
Ngày anh mất, tôi đang ở chốt. Nghe cậu y tá trạm xá tiền phương ĐT 48 kể lại, anh mất quá nhiều máu, lại bị nhiễm trùng nặng, sốt cao, lên cơn co giật, sau đó lịm dần không kịp nói một lời trăng trối. Tôi không nhớ rõ ngày, chỉ biết đó là một ngày hè nắng như dội lửa của tháng tư năm 1972.
Thương anh quá anh Phì ơi! Anh hiền lành, thánh thiện quá. Anh ra đi, ước mơ giản dị, nhỏ nhoi là trở thành thầy giáo dạy văn đành gác lại!
Rồi đơn vị chúng tôi được lệnh chuyển vào tuyến trong, sau khi để lại một bộ phận giải quyết chính sách. Tổng tấn công 1975, tôi bị thương và được ra quân. Cuộc mưu sinh vất vả, vì những thiếu thốn khó khăn của người lính sau chiến tranh, chúng tôi chưa có dịp ghé thăm quê anh. Nhưng nỗi nhớ người thủ trưởng năm xưa cùng đồng đội vẫn thường hiện lên, xa xót.
Hồi ức về người Tham mưu trưởng, người đồng đội dũng cảm mà chất phác, hiền lành, giữa bom rơi đạn vãi vẫn yêu những câu Kiều và ước mơ làm thầy giáo dạy văn. Cầm bút viết những dòng này, tôi thầm hứa, dẫu một mình tôi cũng sẽ tìm đến quê anh để thắp nén hương lên bàn thờ anh, anh Lê Xuân Phì ạ! Nhất định thế.
Bút ký - Trần Đắc MậuQuảng Trị 1972Hà Tĩnh 11-2015