Bác Phạm Tuệ tra cứu ảnh tư liệu Hải Phòng xưa.

Bác Phạm Tuệ sinh năm 1944 tại Thủ đô Hà Nội - khu phố cổ 36 phố phường, nhưng lập nghiệp và sinh sống đến ngày nay tại số 12/44, phố Nguyên Hồng, phường Lam Sơn, quận Lê Chân.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, đến nay, bác Tuệ đã có gần 60 năm làm giáo viên.

Ngoài làm nghề sư phạm, bác Tuệ có sở thích sưu tầm tem và tư liệu nhiếp ảnh, lịch sử… Nhờ có được một số bưu ảnh cổ về Hải Phòng cách đây hơn 100 năm, từ năm 2005, do, bác Tuệ đã xác định dược vị trí các tòa nhà, đường phố trong ảnh xưa và tự đi chụp ảnh mới, cố gắng theo đúng góc độ xưa rồi viết được chú thích cho các ảnh đó. Với mạng Internet, bằng niềm đam mê, yêu mến lịch sử và nhờ nhiều mối quen biết với người thân ở Pháp, bác có được một đường truyền trực tiếp truy cập vào Thư viện Quốc gia Pháp. Một kho tư liệu khổng lồ về xứ Đông Dương, Hải Phòng xưa, được những tác giả có uy tín của Pháp và nhiều nước châu Âu viết, phần lớn các tư liệu nguyên bản từ cách đây trên 100 năm. Đến nay, bác Phạm Tuệ đã sưu tầm, lưu trữ tư liệu về Hải Phòng xưa trong 22 album ảnh với gần 6.000 ảnh, trong đó có gần 2.000 ảnh Hải Phòng xưa và 3.000 ảnh Hải Phòng ngày nay.

Với những bức ảnh Hải Phòng ngày nay, bác Tuệ tự đi chụp thường vào ngày mùng 1, mùng 2 Tết Nguyên đán, đường phố vắng, cây cối chưa rợp lá và ánh sáng phù hợp. Bác cố gắng chụp đúng góc độ xưa các tòa nhà, đường phố, những địa điểm liên quan đến các nhân vật, sự kiện của Hải Phòng trong quá khứ và hiện tại. Rất nhiều ảnh xưa về Khu nhượng địa của Pháp tại Hải Phòng, tòa Công sứ, Đốc lý, các công sở của Pháp, các đại lộ, đường phố xưa của Hải Phòng, Đồ Sơn, Kiến An, Cát Bà, bộ ảnh tiếp quản Hải Phòng ngày 13-5-1955...

Điều đặc biệt, trong hàng nghìn trang tư liệu, bác Phạm Tuệ rất chú trọng nghiên cứu, tìm tòi những bức ảnh cổ về Hải Phòng xưa. Theo bác Tuệ, mỗi bước ảnh Hải Phòng xưa có một giá trị nhất định, chứa đựng rất nhiều thông tin quý giá về quá trình hình thành xây dựng và phát triển thành phố từ những ngày đầu.  

Tài liệu của Công ty Điện khí Đông Dương và các ảnh cổ do bác Tuệ sưu tầm, cho thấy: Hải Phòng có điện thắp sáng đầu tiên của cả nước vào ngày 1-2- 1893, trước Hà Nội gần 2 năm (6-1-1895), trước Sài Gòn 3 năm (1896). Nhà máy điện Cửa Cấm - Hải Phòng xây dựng năm 1892 cũng là nhà máy điện đầu tiên toàn Đông Dương và thứ nhì châu Á, sau Nhật Bản 5 năm. Trong bức ảnh Toàn quyền Đông Dượng đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Nhà máy Xi măng ngày 25-2-1899 cho thấy, đây là Nhà máy xi măng đầu tiên toàn Đông Dương. Các tư liệu nguyên bản tiếng Pháp khẳng định, Nhà hát Lớn Hải Phòng được khánh thành vào tháng 9-1900, trước Nhà hát Lớn Hà Nội 11 năm (9-12-1911) và chỉ sau Nhà hát lớn Sài Gòn 9 tháng (15-1-1900).

Cùng với sưu tầm, lưu giữ những trang tư liệu quý về Hải Phòng xưa, bác Tuệ tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng của thành phố để đưa những tư liệu Hải Phòng xưa đến với công chúng. Tháng 12-2013, bác Tuệ tham gia trưng bày trên 500 ảnh Hải Phòng xưa cùng với các chú thích chi tiết với chủ đề “Dấu ấn kiến trúc Pháp trong quá trình hình thành và xây dựng đô thị Hải Phòng” tại Nhà triển lãm thành phố được công chúng rất khen ngợi, sau đó một số lần trưng bày tại Phòng Thông tin thành phố (2015), Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (2016), Trung tâm Hội nghị thành phố (2017), Sở Ngoại vụ (2019). Tháng 5-2019, bác giúp Nhà máy Xi măng Hải Phòng tổ chức triển lãm quy mô ngoài trời tại khu vực sân Cột Cờ - đài phun nước trung tâm thành phố nhân kỷ niệm 120 năm ngày thành lập Nhà máy Xi măng Hải Phòng.

Đã gần vào tuổi bát thập, nhưng niềm đam mê nghiên cứu, lưu giữ những tư liệu về Hải Phòng xưa vẫn chưa hề với cạn với bác Phạm Tuệ.

Trần Quốc Huy