Thuở thanh niên, ông đi công nhân xây dựng Nhà máy điện Ninh Bình rồi nhập ngũ làm lính trinh sát của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9 miền Đông Nam bộ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, ông cùng đơn vị đánh vào khu vực ngã tư Bảy Hiền, chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy, giải phóng khám Chí Hòa rồi làm chiến sĩ quân quản, sau đó tăng cường cho Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 2, TP Hồ Chí Minh. Tháng 3-1978, ông xuất ngũ về quê tiếp tục tham gia công tác an ninh, chi hội trưởng nông dân, trung đội trưởng dân quân và xã đội phó… Cuối năm 1988 đầu năm 1989 do phải nuôi 7 miệng ăn, ông vào Đà Nẵng đào vàng mong được đổi đời, nhưng vàng chẳng thấy còn đời thì đổi. Sau lần chết lâm sàng 8 tiếng đồng hồ vì sốt rét, ông xin ra làm ông từ của chùa Đông Linh Tự.

Năm 2004, thôn Phú Hào bỗng xuất hiện hai thanh niên rất đáng chú ý và đáng ngại, hai anh em ruột cũng là hai con nghiện với thân hình cong queo, khô đét, xăm trổ khắp người xanh đen, kỳ dị. Đó là Nguyễn Thế Hùng và Nguyễn Thế Dũng ở Hải Phòng về thăm quê ngoại. Sau này Hùng chết vì ma túy, còn Dũng sinh năm 1968, đã có 24 năm nghiện ma túy và 8 năm tù giam với các tội danh buôn bán cái chết trắng, đánh lộn, trộm cắp (trộm cả tượng phật mang đi bán)… Hai anh em thường ra ngồi bên đường liên xã sinh sự với người qua lại, trêu chọc phụ nữ, gây gổ với thanh niên khiến dân làng không dám chạm mặt. Một lần từ chùa về nhà, ông Nguyễn Trung Kiên bị Dũng lao vào đánh, bằng thói quen của người lính trinh sát chiến trường, ông Kiên túm được tay, quật Dũng ngã xuống rồi lẳng lặng bỏ đi. Chiều hôm ấy Dũng ra chùa xin lỗi ông.

Dũng đã kể cho ông nghe về thân phận của mình cùng nỗi hối hận và bi quan. Với sự từng trải và lòng từ bi của nhà Phật trong những trang kinh kệ, sau khi động viên vợ (bà Đào Thị Mận) và các con, ông Kiên nhận Dũng làm con nuôi và cai nghiện cho anh. Nếu không, Dũng chẳng còn con đường nào khác vì bị cộng đồng xa lánh và sẽ chết như người anh của mình. Dũng nhận lời ra ở chùa, sớm tối giúp ông đèn nhang nơi cửa Phật và lao động trong vườn. Ông dạy Dũng cày cấy, trồng ngô khoai, bắt sâu nhổ cỏ, lấy lao động để cải tạo thành người lương thiện. Ông cũng không cho Dũng đi xa, giao du với người lạ. Mùa đông cũng như mùa hè, ông giục Dũng làm cho ra mồ hôi rồi đi tắm, càng ra mồ hôi tắm nhiều càng tốt. Đêm đêm ông đốt đèn, cho tay vào túi giấy bóng nặn những ổ lở loét trên người Dũng rồi nấu nước là bưởi, lá ngải cứu cho anh tắm. Ban đầu ông cho rằng Dũng là con nghiện, nhưng khi xã cử đi tập huấn về phòng chống ma túy trên huyện thì ông mới biết có thể Dũng đã bị HIV/AIDS nên càng thương hơn. Có lần Dũng nhớ cuộc sống giang hồ, bỏ đi, ông Kiên đuổi theo phân trần điều hơn lẽ thiệt, lôi Dũng trở về. Có lần Dũng lấy dao chém, dọa giết, nhưng ông không sợ, càng chăm sóc Dũng tốt hơn. Mỗi khi lên cơn nghiện Dũng bảo ông “Trói con lại”, nhưng ông chỉ ôm thật chặt, cho uống hai, ba chén rượu rồi xoa bóp cho ngủ. Ngày tháng qua đi, những cơn nghiện thưa dẫn rồi dứt hẳn. Ông đưa Dũng tới Trung tâm y tế làm xét nghiệm và thật vui mừng vì bố con ông đã thành công.

Cuối năm 2006, người con gái thứ ba Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1979 làm công nhân trong TP Hồ Chí Minh về thăm gia đình. Ông bà Kiên quyết định gả Hằng cho Dũng. Ban đầu Hằng không nghe “Bố giết con đi còn hơn”, “Nhưng thế thì không ai dám lấy nó”. Mưa dầm thấm lâu, gia đình ông tổ chức đám cưới rồi lấp một cái ao, làm ngôi nhà ba gian cấp bốn cho đôi trẻ. Hằng đẻ cho Dũng cậu con trai Nguyễn Thế Cường nay đã 4 tuổi, nhanh nhẹn và xinh xắn. Hai vợ chồng cấy một mẫu ruộng, kết hợp chăn nuôi gà, lợn, mua được ti vi, xe máy, cuộc sống có bát ăn bát để và tươi xanh như những chậu lộc vừng, sanh, si mà Dũng xếp ở quanh nhà.

Đông Linh Tự là ngôi chùa nhỏ, thờ ba vị Tam thế và Phật bà Quan âm. Nhìn ông Nguyễn Trung Kiên lặng lẽ len qua những hàng tượng Phật để thắp hương, lòng tôi dâng lên một nối niềm cảm phục về một CCB có tâm của Phật; “Cứu một người phúc đẳng hà sa”.

Bài và ảnh: XƯƠNG GIANG