Một chiều đầu mùa hè, ánh nắng vàng tươi khiến những giò phong lan, chậu hoa hồng trà, địa lan… trên ban công thêm rực rỡ. Tôi tới căn hộ tầng ba khu tập thể quân đội trò chuyện cùng đại tá Nguyễn Văn Bảy (ảnh). ở tuổi 76, tóc bạc, da nâu nhưng ông vẫn tham gia viết cuốn lịch sử cách mạng phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội. Sau ly trà thơm dịu, ông tâm sự:

Tôi quê ở Nghệ An, nhập ngũ tháng 1-1951, vào tiểu đoàn 16, trung đoàn 141, đại đoàn 312, tham gia các Chiến dịch Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và Chiến dịch Điện Biên Phủ, bị thương khi đánh đồi E, thương tật 4/4. Năm 1957, tôi được đi học Trường sĩ quan Công binh, khoa cầu đường, xe máy, sau đó làm trợ lý kỹ thuật trung đoàn công binh 98. Đầu năm 1964, trung đoàn 98 nhận nhiệm vụ đặc biệt là bí mật mở đường cơ giới xuyên dải Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam. Tháng 6, chúng tôi đã tập kết đầy đủ tại làng Ho (Quảng Bình), là đơn vị quân giải phóng, mang bí danh “Chi đội Bình Minh”, thuộc Hội Lao động giải phóng miền Nam Việt Nam, mặc quần áo bà ba, trang bị vũ khí của Pháp như tiểu liên Tuyn, súng trường Mát. Từ làng Ho trung đoàn lặng lẽ hành quân xuyên rừng, tránh gặp địch, tránh gặp cả dân và đơn vị bạn, qua đường 9, qua sông Sê-pôn, dốc Thơm, tới bản La-Hạp mới âm thầm dừng lại làm công tác chuẩn bị mở đường như trinh sát thực địa, huấn luyện kỹ thuật, tập kết cơ sở vật chất… Trung đoàn chọn đại đội 4 (tiểu đoàn 2), là đơn vị khởi công và ngày 9-8-1964 (phù hợp với phiên hiệu của trung đoàn) để bổ nhát cuốc đầu tiên mở đường xe cơ giới trên dãy Trường Sơn. Theo chỉ đạo của trung đoàn trưởng Phan Quang Tiệp và chính uỷ Nguyễn Phú Hồng, tôi chuẩn bị một chiếc cột cây số bằng gỗ, đường kính khoảng 20cm, một mặt đẽo phẳng ghi bằng sơn đỏ “Km 0 đường 128”. Đây là điểm đầu đoạn đường chúng tôi mở, gần Bản Đông và sông Sê-pôn. (Tiếc rằng đến nay cột mốc không còn nữa). Đúng 5 giờ 30 sáng hôm ấy, đại đội 4 vừa tới hiện trường thì một cơn mưa rào ập đến. Trong anh em xì xào “trời không ủng hộ”, nhưng đại đội trưởng Nguyễn Văn Bộp tuyên bố: Lễ động thổ có mưa mới là điềm lành, mới hên đấy. Đúng như vậy, khoảng 30 phút sau trời tạnh hẳn, buổi khởi công bắt đầu. Tôi ôm cột mốc đặt xuống cái hố sâu vừa đào xong, trong tiếng vỗ tay vui mừng của mọi người, rồi cả đại đội trở về khu vực được phân công để lao động. Không có băng cờ lộng lẫy mà chỉ có khẩu hiệu viết tay cài lên mũ hoặc ống tre nứa. Không có pháo hoa, thuốc nổ, chỉ có tiếng dao cuốc, choòng, bẩy rào rào, bền bỉ, làm đến đâu ngụy trang đến đấy. Ngày đầu tiên toàn trung đoàn hoàn thành gần 10km đường ô tô. Cứ thế, ngày lại ngày, đường chúng tôi mở nối dài xuống mãi Tây Nguyên, đông bắc Cam-pu-chia. Đường dọc, đường ngang, đường tránh… thành hệ thống đường Hồ Chí Minh vĩ đại.

Cuối năm 1970, do vết thương cũ tái phát và sốt rét ác tính, ông Nguyễn Văn Bảy ra Bắc điều trị rồi làm Trưởng ban công binh tác chiến Cục vận tải; sau đó lại vào Nam đi các Chiến dịch trong mùa Xuân năm 1975 và biên giới Tây Nam. Nghỉ hưu năm 1993 với cương vị Cục phó Cục vận tải, Tổng cục Hậu cần, ông lại tham gia công tác đường phố như bí thư chi bộ, đảng uỷ viên kiêm Chủ tịch Hội CCB phường đến năm 2007. Trong 13 năm ở địa phương, ông được tặng thưởng 38 bằng, giấy khen các loại, 5 lần được biểu dương gương “Người tốt việc tốt” của thành phố và quận. Những kỷ niệm về Trường Sơn còn âm vang mãi trong ông.

Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm