Biết anh đã lâu, qua lời kể của nhiều CCB Tiểu đoàn đặc công 89, các cô chú từng một thời công tác ở Quận ủy quận nhì, bà con bám trụ trên vùng đất này và qua chuyện kể của anh về một thời chiến tranh trên quê hương, tôi càng hiểu hơn tấm gương dũng cảm, gan dạ của người du kích năm xưa.

Anh sinh ra, lớn lên ở thôn Hồng Phước, xã Hòa Khánh, huyện Hòa Vang (nay là quận Liên Chiểu). Vùng đất này là chiếc nôi cách mạng, là vành đai đánh Mỹ ác liệt nhất trong những năm tháng chiến tranh của TP Đà Nẵng. Cả gia đình anh, bên nội, bên ngoại, hầu hết đều tham gia cách mạng, là cơ sở cốt cán, kiên trung từ năm 1960. Năm 1971, mới hơn mười tuổi, chú bé Thị đã trở thành đội viên du kích mật, làm giao liên, cảnh giới, bảo vệ các cô chú, bộ đội về họp, ẩn nấp hoạt động dưới những căn hầm bí mật của gia đình mình. Trong số cán bộ đó có người con thân yêu của mẹ Nhu (Mẹ VNAH Lê Thị Dãnh) là anh Phạm Phú Long (còn gọi là Hải), sau này anh hi sinh. Chú bé mới lớn nhưng gan dạ, thông minh, kín miệng, giao việc gì là làm tốt việc ấy mà không nề hà khó khăn nên cha mẹ cũng như các cô chú đều rất tin tưởng. Ở làng này, địch chà đi, xát lại nhiều lần nhưng vẫn tồn tại vài chục căn hầm bí mật, riêng nhà cha mẹ anh đã 4 chiếc, nhà bà dì ruột 7 chiếc. Không ngõ ngách nào mà Thị không biết. Chỗ vào, chỗ ra, ngụy trang từng căn hầm, Thị thuộc như lòng bàn tay.

Đã ngót nghét 40 năm rồi, nhưng anh vẫn nhớ như in những kỷ niệm thời thơ ấu trong chiến tranh, đó là công việc mẹ giao thắp đèn làm tín hiệu để các cô chú biết mà về hội họp ở nhà mình. Thường khi cô chú đã về đông đủ, mẹ giao chú bé ra sân chơi, vừa cảnh giới, có địch lập tức ám hiệu để mẹ và cô chú biết để xử lý. Có lần chú bé Thị buồn và khóc nhiều ngày liền về chú Bảy, nguyên Phó ban an ninh quận nhì Đà Nẵng đang họp ở nhà chị Ngật thì lính Mỹ bao vây, chú chạy ra khỏi nhà, bọn Mỹ đuổi theo, bắn chú hi sinh. Sáng hôm sau, mẹ bảo phải đi tìm xác chú Bảy. Thị dắt trâu đi ăn khắp nơi mới tìm thấy xác chú ở gần bờ hồ trong vườn thím Năm Liên, trước hàng chục binh lính Mỹ - ngụy vẫn còn ở đó. Thị kiên trì lảng vảng để xem địch có di chuyển xác chú Bảy đi đâu không và về báo lại cho các cô, các chú chôn cất chú Bảy sau khi bọn địch rút đi. Lên 12 tuổi, Thị đã nhận nhiệm vụ vẽ bản đồ trạm gác kho gạo Hòa Khánh (nay là Nhà máy bia Larue) để bộ đội đặc công 89 đánh dễ dàng và hàng chục lần băng qua đồn địch trong điều kiện nguy hiểm để đưa thư, công văn, đưa cán bộ đi họp trót lọt nhờ vào trí thông minh và can đảm của mình, trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn, hiện nay là Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị).

Ngày 29-3-1975, Thị vào tuổi 15, đã cùng đồng chí Phạm Đình Khôi, phụ trách đội công tác xã hạ cờ ba que, kéo cờ giải phóng ở cơ quan hội đồng xã Hòa Khánh của chế độ ngụy quyền, lúc đó là 8 giờ 30 phút sáng, cả quê hương hân hoan trong niềm vui lớn của nhân dân được giải phóng.

Sau ngày giải phóng TP Đà Nẵng, anh Thị giữ chức trung đội trưởng du kích rồi xã đội phó, cùng anh em truy quét tàn quân địch, bảo vệ chính quyền, phá gỡ hàng tấn bom mìn để dân có đất canh tác,

Năm 1977, anh Thị làm đại đội trưởng cùng với 100 thanh niên xã Hòa Khánh xung phong xây dựng đại thủy nông Phú Ninh của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1978, Dương Thành Thị lần nữa hăng hái xung phong làm đại đội trưởng thanh niên xung phong của huyện Hòa Vang lên đường trực tiếp phục vụ chiến đấu cho Sư đoàn 307 ở biên giới Tây Nam và Quân khu Đông Bắc Cam-pu-chia. Cuối năm 1979, hoàn thành nhiệm vụ, anh về địa phương và được cử làm Chỉ huy trưởng Ban CHQS kiêm Bí thư Đoàn xã Hòa Khánh. Tháng 5-1984, lúc này tròn 25 tuổi, anh được bầu làm Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh đến năm 1997. Từ năm 1997 đến nay, anh liên tục giữ chức vụ Phó chủ tịch Thường trực rồi Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu.

15 năm làm lãnh đạo cấp quận, phát huy vai trò, trọng trách của người đảng viên, người CCB, Dương Thành Thị đã cùng Đảng bộ, nhân dân đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, xây dựng quận Liên Chiểu ngày càng phát triển toàn diện, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, được Đảng bộ và nhân dân trong quận đánh giá cao.

Từ chú bé lon ton 10 tuổi đã tham gia cách mạng bằng lòng dũng cảm, gan dạ, đến nay đã ngoài tuổi 50, Dương Thành Thị vẫn vững vàng một niềm tin vào Đảng, sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách, nêu cao bản lĩnh chính trị, tinh thần quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó. Ở anh nổi lên lòng kiên trì, chịu khó học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Dù bận bịu công tác trên nhiều cương vị khác nhau, anh luôn dành thời gian để học và hoàn thành các chương trình do cấp ủy và chính quyền cử đi đào tạo tại các trường như Trường quân sự tỉnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cử nhân chính trị, cử nhân luật, chương trình quản lý nhà nước chuyên viên cao cấp…

Với những thành tích xuất sắc trong những năm tháng chiến tranh cũng như trong xây dựng đất nước, anh đã được tặng thưởng nhiều huy chương, bằng khen, chiến sĩ thi đua các cấp, được công nhận là đảng viên tiêu biểu xuất sắc 5 năm liền của Thành ủy Đà Nẵng và vào dịp kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng 3-2-2012, anh đã vinh dự được nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.

Anh tâm sự: “Nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như của bản thân ngày càng nặng nề, thuận lợi nhiều nhưng cũng lắm thách thức, phải bằng mọi cách để Liên Chiểu ngày càng phát triển một cách vững chắc, dân mình có đời sống ngày càng khá lên, an ninh - quốc phòng được đảm bảo, diện mạo quê hương ngày càng khởi sắc, đó là mệnh lệnh từ sâu thẳm không chỉ trong trái tim của mình mà của cả Đảng bộ, nhân dân trong quận. Trong tôi, ngọn đèn của mẹ giao thắp những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy là ngọn đèn của niềm tin, lý tưởng, của lòng nhiệt tình, trách nhiệm, thủy chung, luôn cháy mãi”.

Bài và ảnh: Anh Phúc