Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi, vợ chồng tập trung cải tạo đất trồng lúa, trồng rau màu, khoai sắn để có cái ăn và thức ăn cho chăn nuôi. Được sự hỗ trợ của Hội CCB và Hội Nông dân cho vay nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 5 triệu đồng, vợ chồng mua giống cây thông và keo tràm về trồng rừng nguyên liệu, mua thêm mấy con dê về thả. Sau 3 năm phấn đấu, kinh tế gia đình tạm ổn định, các con đã có điều kiện để học hành. Năm 2008, khi xem ti vi giới thiệu một số mô hình nuôi lợn rừng hiệu quả, anh đi tìm hiểu một vài nơi, thấy hay, anh quyết định vay thêm vốn mua giống lợn rừng về thả. Hiện anh có 40 con, trong đó có 6 lợn nái sinh sản. Cũng trong năm 2008, trang trại của anh được Sở Khoa học công nghệ Hà Tĩnh cho trồng thử giống sắn la-zing, kết quả cho sản lượng 80 tấn/ha. Hiện giống sắn này được nhân cho 5 xã, với diện tích 25 ha. Có thêm nguồn tài chính trên, năm 2009, anh tiếp tục phát triển nuôi gà thả vườn, sau một năm, thu được sản phẩm trên 1 tấn gà thịt. Năm 2010, được sự giúp đỡ của Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm huyện, anh nuôi thêm 2.000 con gà siêu trứng, hiện đã có trứng đưa ra thị trường, lại chuẩn bị làm lò ấp để nhân giống cho nhiều nơi...

Anh tâm sự: “Để có được những kết quả trên, trước hết là ý chí quyết tâm của người lính. Thứ hai là sự quan tâm tạo mọi điều kiện của Đảng, chính quyền, các cơ quan đoàn thể, đặc biệt là Hội CCB. Thứ ba là khảo sát kỹ các điều kiện tự nhiên bảo đảm cho cây trồng vật nuôi phát triển. Thứ tư là đầu tư từng bước, lấy ngắn nuôi dài, kết hợp gối vụ, xen canh, thâm canh, kết hợp trồng cây với chăn nuôi.

VÕ VĂN HƯNG