Hội đồng Nghiệm thu Viện Kỹ thuật PKKQ kiểm tra bộ truyền động mâm quay đài ra-đa RV-02.
Là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) hàng đầu của Quân chủng Phòng không - Không quân, những năm qua, Viện Kỹ thuật Quân sự Phòng không - Không quân cho ra đời nhiều sản phẩm có tính năng kỹ chiến thuật đáp ứng tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (HLSSCĐ) của Quân chủng.
Một số sản phẩm của Viện đã trở thành thương hiệu như: Ra-đa tầm trung sóng mét RVO2; buồng tập lái các máy bay quân sự; máy bay không người lái UAV01, UAV02; các loại máy hỏi lắp trên máy bay và lắp đồng bộ các loại ra-đa mặt đất… Đại tá, tiến sĩ, Phó viện trưởng Nguyễn Thanh Hùng khẳng định: “Hàng trăm loại sản phẩm khác nhau của Viện trong những năm qua đã được ứng dụng hiệu quả tại các đơn vị trong Quân chủng. Điều quan trọng nhất là tiềm lực KHCN của Viện đã được quan tâm đầu tư và nâng lên đáng kể cả về con người lẫn cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm. Đây là cơ sở rất thuận lợi để hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới”.
Nhà máy Z133, Tổng cục Kỹ thuật được ví như một “bệnh viện” tuyến cuối - là nơi tiếp nhận và sửa chữa lớn các loại pháo trong toàn quân, phục vụ cho nhiệm vụ HLSSCĐ. Cũng chính vì nhiệm vụ đặc biệt đó mà việc áp dụng KHCN, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có ý nghĩa quyết định với sự phát triển của Nhà máy. Nhiều năm trở lại đây, Nhà máy đã trở thành một trong những đơn vị đi đầu của Tổng cục Kỹ thuật về số các công trình, sáng kiến, sản phẩm, đề tài được trao giải của các cuộc thi như tuổi trẻ sáng tạo, sản phẩm đề tài sáng tạo, sáng tạo trẻ… Đảng ủy, Ban Giám đốc nhà máy đã quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn có điều kiện để phát huy sáng kiến, hiện thực hóa ý tưởng của mình, thông qua việc tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, phương tiện, vật tư và một phần kinh phí… để “chắp cánh” cho những ý tưởng sáng tạo trở thành sáng kiến. Chính điều này tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên không ngừng sáng tạo. Đại tá Nguyễn Xuân Lợi - Phó giám đốc Kỹ thuật Nhà máy Z133 cho biết: “Lãnh đạo, chỉ huy nhà máy rất quan tâm đến công tác nghiên cứu, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên. Đã thành lập các tổ nghiên cứu trẻ, có trình độ để tăng cường nghiên cứu các nội dung cần thiết, áp dụng vào thực tế sản xuất, sửa chữa của nhà máy”.
Theo Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Văn Giao - Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng: Những năm gần đây, hoạt động khoa học và công nghệ đã bám sát nhiệm vụ xây dựng Quân đội. Chúng ta đã nghiên cứu dự báo, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam; xây dựng chiến lược quân sự, chiến lược quốc phòng; chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Công tác KHCN đã góp phần nghiên cứu, khai thác, làm chủ vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại của các quân binh chủng. Công nghiệp quốc phòng cũng có bước phát triển vượt bậc. Chúng ta đã sản xuất được hầu hết các loại vũ khí cho sư đoàn bộ binh đủ quân; công nghệ đóng tàu cũng có bước phát triển vượt bậc. Tiềm lực KHCN của toàn quân được nâng cao, đặc biệt là các trang thiết bị, các phòng thí nghiệm. Thiếu tướng Ngô Văn Giao cho rằng: “Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, công tác KHCN phải đi trước một bước, việc triển khai các đề tài nghiên cứu phải có trọng tâm trọng điểm, các đề tài nhiệm vụ gắn với việc thực hiện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngoài ra phải tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách khuyến khích các nhà khoa học và cán bộ đầu ngành vào đổi mới sáng tạo. Phải đưa quỹ sáng tạo và phát triển của Bộ Quốc phòng vào hoạt động; khuyến khích hơn nữa mô hình doanh nghiệp tham gia nghiên cứu gắn với sản xuất…”.
Việc phát triển khoa học quân sự trong tình hình hiện nay là yêu cầu tất yếu và cần thiết. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và môi trường; coi đây là nhiệm vụ quan trọng để tạo ra nhiều sản phẩm khoa học quân sự có giá trị, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Nguyễn Pháp