Nhiều cây gỗ  bị đốn hạ.

Hơn 1.000m2 rừng tự nhiên với rất nhiều cây gỗ có đường kính 50-70cm ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định bị tàn phá. Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn đã họp kiểm điểm đối với nhân viên kiểm lâm phụ trách địa bàn này. Kết quả, 100% thành viên trong tập thể Hạt Kiểm lâm Tây Sơn đã bỏ phiếu không xử lý kỷ luật, chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với nhân viên phụ trách địa bàn.

Câu chuyện bỏ phiếu theo kiểu bao che cho nhau như ở Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn không hiếm ở nước ta. Câu chuyện thì nhỏ nhưng lại đặt ra vấn đề rất to là vấn đề giám sát quyền lực.

Về bản chất, quyền lực là của nhân dân, nhân dân ủy quyền cho nhà nước, đại diện mình để quản lý đất nước và xã hội. Bất kỳ nhà nước nào cũng có nguy cơ tha hóa và tham nhũng là “khuyết điểm bẩm sinh” của nhà nước, cho nên muốn xây dựng bộ máy công quyền trong sạch, người dân lại càng phải phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong giám sát quyền lực.

Nhưng người Việt, với truyền thống văn hóa làng xã, vốn duy tình - “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, đề cao “đóng cửa bảo nhau” nên rất khó trong xây dựng nhà nước pháp quyền, càng khó trong phát huy vai trò giám sát quyền lực từ cơ sở.

Hầu hết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng không được phát hiện thông qua sinh hoạt chi bộ. Không phải vì đảng viên ở chi bộ đó không biết; nguyên nhân là do tình trạng cả nể, bao che lẫn nhau hoặc sợ bị trù dập nên đảng viên không dám đấu tranh. Tình trạng “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” trong chi bộ, tổ chức cơ sở đảng vẫn chưa được khắc phục, dù hai nhiệm kỳ gần đây (Khóa XI và Khóa XII), Đảng ta đã nỗ lực tiến hành nhiều đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm khắc phục vấn đề này.

Hiện nay, theo thống kê, mỗi người dân Việt Nam đều là thành viên của một tổ chức xã hội trong cộng đồng. Có tới 75% công dân Việt Nam là thành viên của ít nhất một tổ chức, 62% là thành viên của 2 tổ chức trở lên; trung bình, mỗi người dân tham gia từ 2-3 tổ chức. Tất cả các tổ chức mà người dân tham gia đều có chức năng giám sát, phản biện xã hội, nhưng việc phát huy vai trò của người dân giám sát quyền lực thông qua những tổ chức mà mình tham gia là rất hạn chế. Rất đông đoàn viên tham gia tổ chức Đoàn cho... vui. Rất nhiều đoàn viên công đoàn không nhờ cậy đến Công đoàn khi quyền lợi của mình bị vi phạm...

Kiểu tham gia “theo phong trào”, “đánh trống ghi tên” của người dân vào các tổ chức là một thực trạng chưa dễ giải quyết. Đó là chưa kể, nhiều tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở cơ sở còn tham gia ngăn cản thành viên của mình đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Ban Thanh tra nhân dân ở hầu hết các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước còn hoạt động hình thức, kém hiệu quả.

Để quản lý được quyền lực phải tăng cường chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, nhất là đối với các văn bản chính sách, pháp luật có khả năng tạo ra cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, kể cả đối với công tác tổ chức, cán bộ.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, xác định rõ trách nhiệm của các bên nhằm phối hợp, huy động các nỗ lực của toàn xã hội trong quản lý quyền lực theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc năm 2015.

Tích cực phát huy vai trò của báo chí; chủ động cung cấp, định hướng thông tin tuyên truyền; có cơ chế, biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích, động viên, bảo vệ những nhà báo dũng cảm đấu tranh đưa ra ánh sáng tình trạng lạm dụng quyền lực…  

Đồng thời, quan trọng nhất là xây dựng và thực hiện trong cộng đồng doanh nghiệp quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi đặc quyền, đặc lợi và xây dựng văn hóa công chức trên  nền tảng đạo đức xã hội nói chung.

Trước mắt, Đảng và Nhà nước ta, các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục công lập và dân lập, các tổ chức xã hội và mỗi người dân cần đặc biệt quan tâm xây dựng các chuẩn mực đạo đức, văn hoá và coi trọng giáo dục về nhân cách, đạo đức công dân, kiến thức pháp luật cho mọi tầng lớp trong xã hội, nhất là cho thế hệ trẻ có thái độ không chấp nhận tham nhũng, từng bước hình thành văn hoá liêm chính.

Công tác tuyên truyền, giáo dục về quyền lực  cần gắn với nhiệm vụ xây dựng đạo đức của tổ chức Đảng và đảng viên, văn hoá công sở, văn hoá doanh nghiệp - doanh nhân.

Thanh Hà