
Là thương binh hạng 1/4, anh Nguyễn Xuân Phát ở thôn 4, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Sinh ra ở vùng quê nghèo, nhưng giàu truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước, năm 1974, sau khi học xong cấp 3 với sức trẻ và lòng yêu nước, thanh niên Nguyễn Xuân Phát lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Vào chiến trường Quảng Trị, Anh được đứng vào hàng ngũ của đơn vị C4-D16, Bộ tham mưu đoàn 59. Năm 1975, trong một trận đánh, anh bị thương nặng ở ngực, cột sống, não, mất một chân nên sau đó được đưa ra Bắc điều trị. Nhưng với nghị lực của một người lính đã từng vào sinh ra tử, năm 1979, anh Phát theo học lớp bổ túc cán bộ huyện Đông Sơn, nuôi giấc mơ học tiếp đại học để phục vụ đất nước và thay đổi cuộc đời mình.
"Khi làm hồ sơ đi học, mọi người trong gia đình và bạn bè ai cũng khuyên là sức khỏe của anh không được tốt nên làm sao theo đuổi bằng con đường học hành được; rồi khuyên anh nên xây dựng gia đình và tìm hướng phát triển đi làm kinh tế thì tốt hơn. Nếu có đi học thì sau này cũng không đủ sức khỏe làm việc...”. Nhưng thật may mắn, khi đi học, không những có thêm kiến thức, mà tình yêu của anh cũng được nảy nở từ đây. Trong lớp học, cô gái trẻ Lê Thị Nguyệt thấy anh hiền lành, chịu khó nên đã đem lòng thương yêu… đồng ý chia sẻ khó khăn, nhọc nhằn cùng anh và nên duyên vợ chồng rồi sinh được được 4 người con.
Lập gia đình, tuy sức khỏe không được tốt lắm, nhưng anh suy nghĩ “Thương binh tàn nhưng không phế”, không chịu khuất phục trước số phận và cái nghèo. Để có tiền nuôi 4 con ăn học, anh Phát đã làm đủ mọi nghề nuôi gà, vịt, rắn, ếch, ba ba… Nhưng do khó khăn về nguồn giống, điều kiện thời tiết, thức ăn không phù hợp, thêm vào đó là dịch cúm gia cầm nên thu nhập không cao, thậm chí còn thua lỗ, mà chi phí lo cho các con ăn học đại học ngày một nhiều. Không muốn các con bỏ học, chỉ còn lại một chân lành lặn, anh Phát chuyển sang buôn bán chạy chợ lấy các đồ điện, hoa quả rồi lên tận các huyện Lang Chánh, Thường Xuân, Vĩnh Lộc giao hàng. “Người ta lành lặn đi xa còn vất vả, tôi què quặt chỉ có một chân đi không đã khó khăn huống chi trở hàng nên khi trời mưa, gió, lên dốc, xuống dốc cứ ngã suốt… - anh Phát cười. Nhưng nghĩ để có tiền cho các con ăn học tôi lại cố gắng đứng dậy để đi tiếp” - Anh chia sẻ. Trong những lần chở hàng lên các huyện miền núi Thanh Hóa xem mọi người trồng cây cảnh thấy hay, nên tôi cũng kiếm ít cây về trồng thử để chơi vậy thôi. Khi mọi người đến nhà chơi thấy thích hỏi mua, anh bán thấy thu nhập cũng cao… Đúng là “chơi thử mà ăn thật”. Thấy vậy anh Phát đi sưu tầm, mua thêm cây về trồng, nhưng khi mang cây về trồng nhiều ở sân, vườn thì vợ anh phản đối là chật nhà, hàng xóm có người nói ông mang “củi” về nhà.
Nhưng với quyết tâm và sở thích của mình, năm 2005, anh đã tham gia lớp sinh vật cảnh do tỉnh tổ chức. Thấy hay và yêu thích nên về nhà anh vay ít tiền từ Quỹ tín dụng nhân dân xã Thiệu Trung, cộng với sự giúp đỡ của đồng đội được 50 triệu đồng thế là mỗi lần lên các huyện Nông Cống, Ngọc Lặc, Thọ Xuân giao hàng, anh lại mua ít cây mang về nhưng vì vợ phản đối anh phải gửi nhờ nhà hàng xóm.
Nhìn khu vườn rộng chừng 1000m2, có hàng nghìn cây cảnh các loại như cây xanh, lộc vừng, tùng la hán và nhiều cây cảnh rất độc đáo, có cây giá trị tới cả trăm triệu đồng… anh Phát vui vẻ nói: “Làm nghề cây cảnh phải biết yêu cây, để có được cơ ngơi như thế này tôi phải vất vả rất nhiều, có hôm dậy từ 4 giờ sáng tưới nước, cắt tỉa cây. Có những cây mua về phải cắt tỉa hết chỉ lấy tuổi thọ và bệ của cây, sau đó chăm sóc uốn tỉa lại từ đầu để tạo dáng. Muốn có một cây đẹp, có giá trị thì quan trọng nhất là bệ, thân, dáng của cây phải đẹp, bông tay phải dẻo”. Thỉnh thoảng cũng có người trong hội sinh vật cảnh huyện Thiệu Hoá đến học hỏi kinh nghiệm trồng, uốn tỉa, cách chăm bón, tưới nước, với lượng nước bao nhiêu cho phù hợp, anh đều hướng dẫn nhiệt tình.
Anh Phát hiện đang là Phó chủ tịch Hội sinh vật cảnh huyện Thiệu Hóa. Anh đã nhận được nhiều giấy khen đạt thành tích xuất sắc, góp phần xây dựng tổ chức hội và phong trào sinh vật cảnh của tỉnh. Bên cạnh đó, anh còn tham gia Hội sinh vật cảnh Lam Sơn, câu lạc bộ cây cảnh nghệ thuật Lê Lợi. Không chỉ là một thương binh vượt khó làm giàu mà anh luôn là người định hướng cho các con trong học tập; 4 người con của anh đều học hành thành đạt. Gia đình nhiều năm liền đạt gia đình hiếu học của huyện, tỉnh. Năm 2007, gia đình anh còn vinh dự tham gia gia đình hiếu học ở Hà Nội.
Bài và ảnh: Hồng Khuyên