Mùa Xuân năm 2023 này, nhân kỳ niệm 106 năm ngày sinh và 22 năm ngày mất nhà thơ tài danh từ thời kháng chiến Trinh Đường, xin được giới thiệu với bạn đọc một bài thơ xuân rất hay trong hơn chục tập thơ của ông đã xuất bản ở trong nước, đó là bài thơ "Hy vọng mùa xuân" mà ông viết cho thanh niên. Dưới đây là nguyên văn bài thơ:

Gió chao chùm lộc nõn

Đã điểm mùa yêu nhau

Đôi chích choè tha rác

Đôi bô câu giao đầu.

Sao ta riêng trời đất

Chưa hết mùa mưa ngâu

Anh cứ là chàng rể

Động phòng không cô dâu.

Em cứ là chinh phụ

Dù hoà bình đã lâu

Buồn trông hai cánh én

Đủ Nam Bắc bán cầu.

Buồn trông ba nghìn cõi

Trời xanh chung một màu

Hy vọng xuân này nữa

Hương chín mùa hoa cau.

Cầu mong không phải đợi

Gieo cầu vào kiếp sau...

Mùa xuân là mùa của tình yêu và hy vọng. Ai cũng biết thế, ai cũng mong thế để thấy rạo rực trong lòng. Bước vào thế giới của thơ, mùa xuân như nguồn cảm hứng vô tận cho thi sĩ cầm bút, và tình yêu như chất men say đắm, nồng nàn để thi sĩ bộc lộ lòng mình trước trời đất bao la. Bài thơ "Hy vọng mùa xuân" của nhà thơ Trinh Đường mang đến cho chúng ta nguồn hy vọng rất riêng của ông khi mùa xuân đến.

Ngay khổ thơ đầu tiên, ta thấy một sự quan sát, sự thay đổi của trời đất. Đó là sự quan sát rất lặng lẽ, nhưng tinh tế vô cùng của tác giả: "Gió chao chùm lộc nõn/ Đã điểm mùa yêu nhau/ Đôi chích choè tha rác! Đôi bồ câu giao đầu". Tất cả những gì hiện diện cho mùa xuân đã có. Đó là "gió", là “lộc nõn” non tơ. Tác giả biết là mùa xuân đã đến và không những thế đó còn là “mùa yêu nhau”. Cái gì cũng có đôi, có cặp: “Đôi chích choè tha rác/ Đôi bồ câu giao đầu”. Đó là những hình ảnh gợi lên sự ấm áp của cuộc sống lứa đôi khi cùng nhau đắp xây gia đình hạnh phúc, cỏ cây, chim muông bước vào mùa xuân còn như vậy, thế mà “ta”: “Sao ta riêng trời đất/ Chưa hết mùa mưa ngâu”. Mùa xuân, mùa yêu nhau mới chỉ “điểm” thôi, mới chớm thôi mà sinh vật đã có đôi, có cặp. Điều đó khiến “ta” chạnh lòng khi biết riêng ta vẫn chỉ một mùa “mưa ngâu” chưa hết. Đó là những cơn ngâu của nỗi lòng, của nỗi đau, của sự xa cách vẫn còn hiện hữu trong mùa xuân của đất trời này. Và còn xót xa hơn khi: “Anh cứ là chàng rể/ Động phòng không cô dâu”. Người đọc sẽ đặt câu hỏi tại sao cả “anh” và “em” lại vẫn cam chịu sự cô đơn khi mùa xuân tới? Đó là nỗi cô đơn ám ảnh nhói buốt lòng người khi “Anh cứ là chàng rể/ Động phòng không cô dâu”. Nỗi ám ảnh ấy còn mang một chút xót xa, hụt hẫng cùng với sự chấp nhận phó mặc thời gian: “Em cứ là chinh phụ/ Dù hoà bình đã lâu”, có nghĩa là chiến tranh đã đi qua và hai người yêu nhau vẫn ở hai đầu cách trở: “Buồn trông hai cánh én! Đủ Nam Bắc bán cầu/ Buồn trông ba nghìn cõi! Trời xanh chung một màu”.

Vẫn là nỗi buồn vô tận khi ngắm nhìn trời đất lúc xuân sang, để thấy hai cánh én cũng giống như tâm trạng của mình, sự cách trở của mình với không gian Nam - Bắc. Nhìn rộng ra “ba nghìn cõi”nhân gian chỉ thấy chung một màu xanh bất tận. Đó vẫn là màu xanh của hy vọng, của đợi chờ: “Hy vọng xuân này nữa/ Hương chín mùa hoa cau/ Cầu mong không phải đợi/ Gieo cau vào kiếp sau…”

Những khổ thơ trên ta đều bắt gặp một niềm hy vọng len lỏi giữa tâm tư khắc khoải. Và đến khổ thơ cuối cùng này, thì niềm hy vọng đó đã được thốt lên: “Hy vọng xuân này nữa” cho “Hương chín mùa hoa cau”. Một câu thơ đầy ý nghĩa, ý tứ sâu xa mà lại giàu sức gợi. Điều ấy làm câu thơ có sức lan toả nhẹ nhàng mà không kém phần nồng ấm. Phải rồi, chỉ khi “Hương chín mùa hoa cau” thì “Cầu mong không phải đợi/ Gieo cầu vào kiếp sau...”, mới không khỏi chạnh lòng khi mùa xuân đến vẫn là người đơn lẻ... Cho dù thế, nhưng hy vọng vẫn chi là hy vọng, còn nỗi cô đơn, tâm trạng buồn khắc khoải vẫn bám riết lấy từng câu thơ, từng khổ thơ để kiếm tìm sự đồng cảm ở trái tim mỗi người khi mùa xuân đến.

Nguyễn Duy Cách