• Thím ạ! Tuy em nó còn mấy tháng nữa mới đầy 18 tuổi, nhưng được cái nhanh nhảu, khỏe mạnh, hơn nữa lần này có cháu đi, thím cứ cho nó đi, có vất vả mới nên người, không gánh được nặng thì cháu cho em gánh nhẹ. Mẹ tôi lưỡng lự một lúc rồi nói:
  • Thôi thì đành vậy, thím giao cho anh kèm cặp em, con gái dặm trường lại bom đạn thím lo lắm. Chị tôi từ trong buồng chạy tuột ra ôm lấy cổ mẹ tôi:
  • Hoan hô mẹ! Mẹ không được đổi ý đâu nhé!
  • Cha bố cô “Đúng là con nhà tông không giống lông cũng giống cánh!”.
    Hôm sau mẹ tôi mua mấy mét vải đen may cho chị tôi ba chiếc quần để thay váy. Anh tôi phải ra mãi thị xã mua hai đôi giày ba-ta. Anh tôi thì lo đi kiếm chạc chun để thắt ống quần.
  • Đi rừng là em phải buộc ống quần cho chắc, kẻo vắt nó chui vào thì khốn!
  • Vắt là con gì hở anh?
  • Nó là thứ đỉa khô, nằm lấp trong lá khô của rừng, có hơi người nó bật tanh tách lên người rồi hút máu như đỉa, nhưng nó chích êm lắm, không biết đâu! Có người đêm nằm thấy buồn buồn, thò tay vào háng tuốt ra vài con đã no tròn!
  • Eo ôi! Thế thì chết em!
  • Đấy ai bảo em lăng xăng! Đã đi thì khổ mấy cũng phải gắng mà chịu, đào ngũ về là anh chém! Nghe chưa!
  • Nói thế chứ còn lâu em mới đào ngũ,
    Cả tuần ấy cả làng tôi sôi lên sùng sục như có hội. Nhà tôi rộng nên anh Chấn chọn làm nơi tập kết. Cứ nhà nào có lợn to thì khiêng đến, nhà tôi có hai con hơn 50 cân cũng thịt nốt. Năm bảy ông hàng xeo trong làng được điều đến. Hàng chục con lợn nằm phơi bụng ở thềm đá nhà tôi. Bọn trẻ mỗi đứa được chia một miếng gan và bong bóng, Anh Chấn cho tôi một cái đuôi, cả làng cùng nhau ăn lòng, húp nước xáo. Sân nhà tôi chật ních người, cười nói ồn ào vui vẻ lắm.
    Thịt được phay ra, nạc riêng, mỡ riêng; da, xương, chân giò trả cho chủ lợn, thừa cho bà con làng xóm. Mỡ rán vào sáu bảy cái sanh đồng, thịt nạc luộc thái mỏng cứ một bát thịt nửa bát muối, bỏ vào nồi rang khô, cho vào cối giã, lại rang thật khô, để nguội cho vào ống bương đã luộc phơi khô, nịt lá chuối khô, bó từng bó để đưa lên Điện Biên làm thức ăn cho bộ đội. Mỡ rán kỹ, gần được, mẹ tôi xúc vào mỗi sanh một môi muối, rồi vớt tóp ép vào hai cái đĩa cho hết mỡ, xác kẹp vào hai miếng bánh khô chia cho chúng tôi. Cái mùi thơm bùi, béo của mỡ của bánh khô đã hơn 60 năm rồi bây giờ tôi còn nhớ, thỉnh thoảng tôi nói nhà tôi làm lại mà ăn chẳng thấy ngon như ngày xưa!
    Mỡ nguội đổ vào từng ống bương, nút kín, trời rét, mỡ đông, cứ thế gánh lên Điện Biên Phủ. Gạo trộn với khoai khô, chẻ tre tươi, đan như đan lồng gà, lót vào thúng rải rơm, lá chuối khô, đổ gạo kết lại như nồi vồm gánh nước, cứ hai cục một gánh.
    Mọi việc đã xong, hai ngày sau đại đội dân công lên đường, cả làng đưa tiễn, người khóc, người cười, quấn quýt, chèo kéo mãi nắng lên mới đi được. Anh Chấn đeo xà cột đi không, còn chị tôi gánh muối thịt, mỗi đầu năm sáu ống bương, quần thắt ống, lưng thắt nịt, chân đi giày, trông thật ra dáng. Anh tôi bảo: Đoàn ra Nho Quan (Ninh Bình) rồi qua Suối Rút (Hòa Bình), qua Yên Châu (Mộc Châu) lên Sơn La qua đèo Pha Đin đến Tuần Giáo rồi rẽ xuống Điện Biên, đi nhanh cũng phải một tháng! Tôi nghe vậy chứ biết Sơn La, Tuần Giáo là đâu, chỉ biết đường dài lắm! Và thương nhớ chị tôi. Nhà tôi bỗng vắng ngắt, không còn tiếng hát véo von, tiếng cười giòn tan của chị tôi. Mẹ tôi hay ngồi tựa cửa thở dài một mình!
    Ba tháng sau thì chị tôi trở về, cùng với tin chiến thắng Điện Biên. Chị tôi về người gầy xanh hẳn đi, mái tóc xanh dài chấm gót không còn nữa! Tóc thưa thớt, ngắn cũn. Chị bảo hơn một tháng thì bị sốt rét, cứ hai ngày thì lên một cơn, rét từ ruột rét ra. Cả nhà tôi đau buồn, bởi trên đầu chị tôi là một vành khăn trắng, chị để tang cho anh Chấn tôi, chị bảo:
    Lên qua được Sơn La, ba ngày sau qua được Pha Đin, cả đoàn nghỉ lại trong rừng, vì sốt ruột vào nhanh Điện Biên, nên mới 5 giờ chiều đoàn đã lên đường. Vừa đến ngã ba Tuần Giáo, một tốp máy bay ập đến bỏ bom, đạn bắn như vãi trấu. Anh Chấn chạy ngược chạy xuôi hò hét cho cả đoàn tản hết vào rừng; vừa đến chỗ con, anh vừa gọi tên con, thì một loạt đạn quật anh ngã ngay bên vệ đường. Con nhào tới, anh nhìn con mà không nói được gì nữa, rồi anh tắt thở trên tay con.
    Chị tôi kể với mẹ tôi đến đây thì òa khóc, cả nhà khóc theo...
    Cả đại đội lo chôn cất anh ở bìa rừng, rồi đêm đó lại ra đi. Từ hôm đó con chẳng còn thiết ăn uống, ban ngày không ngủ được, cứ chợp mắt lại thấy anh máu me đầy người. Lúc trở về con đắp thêm mộ cho anh, cả đại đội ở lại với anh một ngày. Mẹ ơi! Bây giờ chỉ còn mình anh ở lại giữa rùng núi hoang vu! Chị tôi lại òa khóc...
    Một tháng trời chị tôi ốm lăn ốm lóc. Người ta bày cho đào con giun đất khoang cổ, trích ruột rửa sạch, bỏ vào ấm tích 9 con, vò chè xanh ém vào đổ nước sôi ủ kín, sau một giờ rót ra bát, pha thêm mật mía, uống cả bát tô, nằm đắp chiếu cho vã mồ hôi nhớt, nhờ thế chị tôi mới cắt được cơn sốt, rồi khỏe dần.
    Bây giờ chị tôi đã gần 80 tuổi. Mỗi lần về thăm chị, chị em lại ngồi kể “Ngày ấy Điện Biên” và thắp cho anh Chấn nén hương tưởng nhớ.
    Hằng năm cứ đến tháng 5, tôi lại thu xếp công việc để đưa vợ con về thăm chị tôi, như thăm một kỷ niệm ngày thơ trẻ, nhớ lại một thời hào hùng của dân tộc...
    X.C