Ngành du lịch Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động để thu hút khách du lịch.

Ghi nhận tại các địa điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước, nhiều công ty du lịch, doanh nghiệp lữ hành đã đồng loạt tung ra đa dạng sản phẩm phục vụ dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 và hè 2023. Với mục tiêu mang đến cho du khách những trải nghiệm tốt nhất, các đơn vị đang khẩn trương đưa vào các sản phẩm du lịch mới; nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá mạnh mẽ để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Chuẩn bị chu đáo cho mùa du lịch

Trao đổi với phóng viên xung quanh chủ đề về hướng đi của du lịch Thủ đô trong năm nay, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Ngành Du lịch Thủ đô đặt mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm 2022, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 77.000 tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2022. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 45%, tăng 5 điểm % so với năm 2022. Bà Đặng Hương Giang cũng cho hay: Sở Du lịch Hà Nội sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, điểm đến đổi mới, cơ cấu lại các sản phẩm du lịch sáng tạo, thu hút khách du lịch nội địa gồm: Sản phẩm du lịch trải nghiệm “Đêm thiêng liêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò; “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; sản phẩm du lịch trải nghiệm dân gian, khám phá di sản bằng các giác quan tại Bảo tàng Dân tộc học... Sắp xếp lại không gian xây dựng cho hoạt động về đêm.

Ghi nhận tại T.P Hồ Chí Minh, các công ty du lịch, doanh nghiệp lữ hành đã đồng loạt tung ra đa dạng sản phẩm phục vụ dịp nghỉ lễ. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch T.P Hồ Chí Minh cho biết: Ngày hội du lịch thành phố lần thứ 19 vừa được tổ chức đầu tháng 4 đã mang đến nhiều cơ hội vàng để du khách sở hữu chuyến du lịch dịp lễ 30-4, hè 2023 hấp dẫn nhất thị trường, cùng nhiều quà tặng thiết thực. Với những thông tin khả quan từ đầu năm, Ngành Du lịch thành phố kỳ vọng trong đợt cao điểm từ nay đến hè 2023 sẽ đạt đỉnh mốc về khách du lịch nội địa lẫn quốc tế.

Tỉnh Quảng Ninh dự kiến đưa 38 sản phẩm du lịch mới vào khai thác, hoạt động nhằm tạo sự phong phú, đa dạng sản phẩm, hấp dẫn du khách mùa du lịch năm nay. Theo đó, các nhóm sản phẩm du lịch mới được đề xuất thuộc 5 địa phương: T.P Hạ Long, Móng Cái và ba huyện Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà.

Ngành Du lịch Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí cũng như sẵn sàng các phương án để đón khách, dự kiến sẽ tăng mạnh trong dịp lễ. Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng: Sau thời gian nỗ lực để phục hồi các hoạt động du lịch, dịp lễ 30-4 năm nay, tình hình khách nói chung có nhiều tín hiệu tốt. Lượng khách dự kiến có thể cán mốc của năm 2019, tuy nhiên khách nội địa sẽ tăng hơn so với khách quốc tế do thị trường khách Trung Quốc chưa vào Đà Nẵng. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn thành phố đều đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng, dịch vụ, nhân lực để phục vụ khách trong dịp cao điểm lễ.

Trên địa bàn T.P Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 700 cơ sở lưu trú, với gần 20.000 phòng và gần 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó, có nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, biệt thự du lịch cao cấp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Hiện nay, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú trên địa bàn thành phố đang khẩn trương hoàn tất việc chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, tuyển dụng lao động, kết nối nguồn cung thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, sẵn sàng đón khách đến tắm biển, nghỉ dưỡng.

Phấn đấu tăng doanh thu

Trong quá trình phát triển, mặc dù Ngành Du lịch có nhiều cố gắng, đặc biệt là nỗ lực mở cửa lại thị trường rất sớm sau đại dịch Covid-19, nhưng thực tế trong năm 2022, nước ta chỉ đón khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, kém xa so với mục tiêu đề ra (đón 5 triệu lượt khách). Du lịch Việt Nam bị đánh giá là “đi trước, về sau” mặc dù mở cửa sớm, thể hiện qua lượng khách quốc tế đạt thấp, tỷ lệ phục hồi du lịch chỉ là 18,1% (trong khi Singapore là 30,9%, Malaysia 27,5%, Thái Lan 22%). Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, việc kết nối, khai thác các thị trường mới còn chậm. Công tác xúc tiến quảng bá còn nhiều hạn chế, chưa chuyên nghiệp, chưa bài bản, hiệu quả thấp; mới dừng ở quảng bá hình ảnh chung, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu du lịch.

Trước thực trạng trên, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8-4-2023 về Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2023; trong đó giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường liên kết, phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng; tổ chức tốt mùa du lịch hè 2023, góp phần phục hồi và phát triển du lịch; tích cực nối lại, mở mới đường bay quốc tế đến những khu vực khách hàng tiềm năng.

Rất cần một quyết tâm cao và sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương, để hoàn thành mục tiêu du lịch Việt Nam trong năm 2023 đón 8 triệu lượt khách quốc tế, 102 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 650 nghìn tỷ đồng.

Võ Hóa