Hội viên Hội CCB tỉnh Gia Lai tham quan mô hình phát triển kinh tế của hội viên Hoàng Như Cường (thôn 4, xã Biển Hồ, T.P Pleiku).

Ngày 5-11-2021, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giao ban ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác 10 tháng đầu năm 2021” với một số tổ chức chính trị - xã hội. Dự Hội nghị tại điểm cầu Hội CCB Việt Nam có Thượng tướng Phạm Hồng Hương - Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam; đồng chí Vũ Ngọc Bình - Trưởng ban Kinh tế T.Ư Hội cùng các chuyên viên Ban Kinh tế.

Xác định các chương trình tín dụng chính sách từ Ngân hàng CSXH là công cụ quan trọng để giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân, thời gian qua, T.Ư Hội CCB Việt Nam cùng các cấp Hội nhận ủy thác thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển cây trồng, vật nuôi, sản xuất kinh doanh để nguồn vốn vay tín dụng chính sách được phát huy hiệu quả.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Giao ban ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác 10 tháng năm 2021”, đồng chí Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH khẳng định: “10 tháng năm 2021 là khoảng thời gian đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp trong nước và toàn thế giới, gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ lên nền kinh tế thế giới và Việt Nam, nhưng Ngân hàng CSXH chủ động huy động nguồn vốn ngay từ đầu năm, tổ chức giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, trả nợ các khoản vay đến hạn, đảm bảo khả năng thanh toán cho hoạt động của toàn hệ thống. Đến ngày 31-10-2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 259.902 tỷ đồng, tăng 21.528 tỷ đồng so với năm 2020”. Dư nợ tín dụng chính sách tập trung chủ yếu ở 9 chương trình: Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hộ mới thoát nghèo; giải quyết việc làm; hộ cận nghèo; hộ nghèo; hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; nhà ở xã hội; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.

Ngân hàng CSXH phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; duy trì có hiệu quả, nề nếp việc giao dịch tại 10.436 điểm giao dịch xã và hoạt động của 170.054 tổ tiết kiệm và vay vốn; thực hiện giải ngân nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng; đôn đốc thu hồi nợ gốc, lãi... góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các bên cũng như hiệu quả triển khai tín dụng CSXH trên địa bàn cả nước.

Là một tổ chức chính trị - xã hội có uy tín, Hội CCB Việt Nam có nhiều hoạt động hiệu quả trong vay nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH, giúp hội viên CCB từng bước vươn lên trong cuộc sống, thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, làm giàu chính đáng góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới. Đến ngày 31-10, dư nợ ủy thác qua Hội CCB Việt Nam đạt 41.015 tỷ đồng, chiếm 16,98% tổng dư nợ ủy thác, tăng 3.046 tỷ đồng so với cuối năm 2020; nợ quá hạn chiếm 0,29% tổng dư nợ nhận ủy thác, nợ khoanh chiếm 0,53% tổng dư nợ nhận ủy thác; quản lý 30.004 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 1 triệu khách hàng; 99,97% số tổ tiết kiệm và vay vốn có tổ viên tham gia gửi tiền với số dư 2.328 tỷ đồng (tăng 275 tỷ đồng so với năm 2020).

Bám sát các định hướng và nhiệm vụ theo văn bản thoả thuận được ký kết, những năm qua, các cấp Hội phối hợp với Ngân hàng CSXH các cấp nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung, quy trình, công việc uỷ thác, công tác phối hợp... Đặc biệt, có hơn 85% số Hội cấp xã trên toàn quốc ký kết hợp đồng uỷ thác với Ngân hàng CSXH cùng cấp để thực hiện các nghiệp vụ uỷ thác, tham gia vào các công đoạn cho vay, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, quản lý nguồn vốn vay, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thể hiện vai trò phản biện xã hội, nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng do Ngân hàng CSXH cung cấp. Thời gian qua, việc thực hiện giãn cách xã do tình hình dịch bệnh phức tạp làm công tác kiểm tra, giám sát trực tiếp có phần hạn chế, nhưng các cấp Hội thường xuyên, chủ động bám nắm nội dung, tổ chức linh hoạt và thuận tiện, phù hợp với hoạt động của Hội cơ sở. Khi phát hiện những tồn tại, hạn chế của Hội cấp dưới, Hội CCB các cấp đề ra giải pháp, phương án khắc phục kịp thời, giúp nâng cao chất lượng uỷ thác, ý thức trách nhiệm, nhận thức của cán bộ, hội viên.

Qua các kênh truyền thông, T.Ư Hội đã triển khai đến Hội cấp tỉnh, huyện, xã và chi hội cơ sở những chính sách mới như cho vay đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay nhà ở xã hội…; nâng mức cho vay tối đa lên 50 triệu đồng/hộ, 100 triệu đồng/hộ đối với một số đối tượng cụ thể. Từ đó, các nội dung được triển khai đến các hội viên và đông đảo nhân dân, tạo hiệu quả tích cực, giúp cho chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Hiệu quả từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH thể hiện không chỉ ở việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách, mà còn tạo nguồn lực, động lực cho sự lan tỏa của phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” trong toàn Hội. Nhờ nguồn tín dụng chính sách, nhiều hội viên CCB mạnh dạn đầu tư thực hiện các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên. Đến nay, đã có hàng triệu lượt hội viên được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng này, góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định cuộc sống, tham gia tích cực, có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

Hồ Thanh Hương