Một trong những nguyên nhân cơ bản của các tai nạn giao thông, chủ yếu do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông gây nên. Theo số liệu của Cục cảnh sát giao thông đường bộ- đường sắt (Bộ Công an), trong 11 tháng năm 2014 này, trong số gần 23.000 vụ tai nạn giao thông trên cả nước, có hơn 16.000 vụ tai nạn liên quan đến xe máy (chiếm tỷ lệ hơn 70% tổng số các vụ tai nạn). Những năm qua, phương tiện xe máy đã có sự phát triển ồ ạt về số lượng do tính cơ động của nó cùng với giá cả “chấp nhận được”. Năm 2000 cả nước chỉ có 6 triệu xe máy, hiện nay con số này đã lên đến 42 triệu xe (chưa tính đến hàng vạn chiếc xe đạp điện đang phát triển nhanh chóng trong giới học sinh, sinh viên và người cao tuổi), chiếm tới 94% tổng số phương tiện giao thông cả nước thì ý thức kém của người đi xe máy đã gây nên con số tai nạn giao thông lớn này. Ngoài tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy luôn ở mức rất cao, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, các hành vi vi phạm Luật An toàn giao thông đường bộ do người điều khiển xe máy gây ra chiếm tới 68% tổng số các vụ vi phạm. Phần lớn các vụ vi phạm Luật giao thông đường bộ và gây nên tai nạn giao thông xảy ra tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khi người dân không tuân thủ các quy định, hành động nguy hiểm một cách cố ý như vượt đèn đỏ, đi vào ngã tư đông người với tốc độ cao, vượt “tạt” trước mũi xe khác, chuyển làn liên tục, vừa đi vừa gọi điện thoại di động, rẽ bất ngờ mà không bật đèn xi nhan xin đường… Những hành động cố ý như thế này là nguyên nhân chính gây nên tai nạn giao thông cho chính bản thân người tham gia giao thông và gây hậu quả cho người cùng tham gia giao thông. Buồn một nỗi là những chuyện như thế này không phải là cá biệt mà diễn ra thường xuyên, phổ biến, rất nhiều người, kể cả người già lẫn thanh thiếu niên cùng mắc trên đường trong cùng một thời điểm, đấy là chưa kể đến chuyện 95% người tham gia giao thông bằng xe máy đã đội mũ bảo hiểm nhưng chủ yếu để đối phó với công an.
Hiện nay là thời gian cuối năm, nhu cầu tham gia giao thông của mỗi người ngày càng nhiều, mật độ xe cộ tham gia giao thông ngày càng lớn nên nguy cơ gây tai nạn giao thông cũng lớn theo. Nếu ỷ lại vào các biện pháp, các đợt ra quân xử lý của các cơ quan chức năng để hạn chế tai nạn giao thông mà người tham gia giao thông không nêu cao ý thức tự giác chấp hành Luật giao thông thì chắc chắn rằng, số vụ tai nạn giao thông vẫn cứ tăng cao, gây nên những thiệt hại về nhân mạng, về tài sản và sức khỏe cho chính mình. Năm hết Tết đến, nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông chính là chìa khóa giữ gìn an toàn, hạnh phúc cho mình và người thân trong dịp năm hết Tết đến này.
Bài và ảnh:
Thanh Huyền