Nghĩa Lâm, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nơi sản sinh ra những chiến sĩ du kích Ba Tơ đầu tiên. Ba đi tập kết, cậu bé Đào Duy Minh ở với mẹ, một cán bộ phụ nữ xã. Năm 15 tuổi, anh được đưa ra Bắc học tập, nhưng rồi quyết ở lại quê nhà chiến đấu chống giặc Mỹ, trả thù cho mẹ đã hy sinh. Cuộc đời binh nghiệp của vị tướng xã Nghĩa Lâm bắt đầu từ đó. Trong một lần cùng đồng đội bắn cháy tàu rọ của Mỹ, anh được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ba.
Với chị Trần Thị Tiếp, tuổi thơ càng đau buồn hơn khi cha hy sinh lúc chị mới 5 tuổi, mẹ sau đó cũng mất sớm. Chị ở với bà nội - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Một lần, lúc này mới bước vào tuổi 15, từ khu ấp chiến lược được bộ đội ta vào đưa về lại Nghĩa Lâm, chị gặp anh. Câu nói của anh với đồng đội: “Mày có đứa cháu xinh ghê, nhớ gả cho tau”, không ngờ trở thành duyên nợ, để rồi sau ngày giải phóng, họ dễ dàng đồng cảm và tìm đến nhau.
Chuyện hỏi vợ của ông thật hài hước. Đó là đầu năm 1979, lúc ông đang chiến đấu ở Cam-pu-chia, ở nhà, nhân đám cưới người anh con ông bác, gia tộc sực nhớ ra ông: “Sao hôm nay đông đủ thế này mình không hỏi vợ cho thằng Minh luôn thể nhỉ. Hai đứa quen nhau lâu rồi. Coi như Đảng ủy xã Nghĩa Lâm hỏi vợ cho cháu”. Vậy là những chú, bác họ của anh trong Đảng ủy xã và nội ngoại vội vã kiếm hai lon mạch nha và hai hộp trà hiệu Kim Phát, bọc trong tấm vải, rồng rắn kéo đến nhà chị Tiếp. Bà nội và chị nhận lễ mà hoàn toàn bất ngờ. Cuối năm 1979, vào 26 Tết, anh được đơn vị cho về làm đám cưới. Bà nội anh muốn “đám cưới thằng Minh phải có một bò, một heo”, vậy để chiều lòng bà, anh dốc hết số tiền đi bộ đội tích cóp, chị Tiếp bán cả đôi bông tai mẹ để lại cho con gái mua một con bò và một con heo nho nhỏ mở tiệc cưới cho cả hai nhà. Cô dâu không có chút vàng bạc, sính lễ nào trên người, nhưng tâm hồn thì phơi phới đón chú rể “động phòng” ở ngay căn nhà tranh vách đất của bà cháu mình. Qua một tuần “trăng mật”, anh lính gửi vợ lại cho bà nội của chị rồi lên đường. Sau này anh nói rằng, đó là cái Tết sung sướng nhất từ trước đến nay của mình.
Cuối năm 1981, cũng dịp giáp Tết, nhắm đã đến ngày vợ sinh đứa con đầu lòng, anh xin phép về nhà. Từ Prếch Vi-hia (Cam-pu-chia), chuyển qua không biết bao nhiêu loại xe, anh mới về được đến quê. Mưa đông lất phất, bãi mía trước gò mả đổ rạp qua trận gió. Con đường đất đã hẹp, nay chỉ còn đủ đặt bàn chân. Anh phải vạch mía mà đi. Ruột nóng như lửa đốt, không biết vợ con thế nào. Vừa bước vào nhà, anh đã nghe tiếng con nít khóc. Mừng quá, anh quăng ba lô ngay bệ cửa, chạy vội vào nhà ôm hôn người vợ cho thỏa nhớ thương, rồi bồng đứa con trai 4 ngày tuổi bé xíu. Ở chiến trường Cam-pu-chia 5 năm thì anh chuyển về công tác tại tỉnh Nghĩa Bình (nay là Bình Định và Quảng Ngãi).
“Cứ nghĩ anh về nước, gia đình sẽ được sum vầy, nhưng rồi lại mỗi người mỗi nơi, chồng Bình Định, vợ Quảng Ngãi”. - Chị Tiếp thủng thẳng. Còn nhớ có năm lũ về bất ngờ, chị từ đơn vị về thì nước đã ngập mái nhà. Con trai đã được bà con cứu giúp. Hai mẹ con ôm nhau nước mắt lăn dài. Có năm, anh làm trợ lý cán bộ, bận rộn việc tách tỉnh, Tết không về. Hai mẹ con lủi thủi trong căn nhà tập thể hơn 10m2 ở Bệnh xá B21, mưa to là ngập đến mắt cá. Người thân thờ tự cả ở quê, nên không có anh, chị vẫn đạp xe chở con về. Quãng đường 25 cây số như dài dằng dặc bởi sạt lở, ổ gà, mía tràn cả ra đường. Thằng Duy Tân hai tuổi ngồi phía sau, ôm chặt mẹ, có những đoạn chị phải dắt xe, bùn văng lên đầu gối, đi chơi Tết mà cứ như đi cày…
Tôi nhìn Trung tướng Đào Duy Minh lúc này đang trầm ngâm. Chắc ông nghĩ đến những ngày dài vắng vẻ, một chốn bốn quê của người vợ hiền khi ông ra công tác ở Hà Nội theo sự phân công của cấp trên. Nhưng ông tin, hai đứa con trai hiếu thảo và giỏi giang đang theo nghiệp cha sẽ là động lực để chị vui sống, đảm đang chuyện nhà, chuyện quê cho chồng con toàn tâm gánh vác việc quân...
Bài và ảnh:
Hồng Vân