Tháng 12-2007, sập mỏ đá công trình Thủy điện Bản Vẽ (xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) khiến 18 công nhân thiệt mạng do bị vùi lấp. Trong 21 ngày tìm kiếm, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã điều động 2 chú chó Pô-ma do Thiếu úy Lê Ngọc Hùng và chó An-tốp do Chuấn úy Nguyễn Văn Hưởng huấn luyện thuộc Trường trung cấp huấn luyện chó nghiệp vụ, Bộ tư lệnh BĐBP tham gia. Hai chú chó đã tìm thấy 11 thi thể nạn nhân ở độ sâu từ 5 đến 13m. Chó Pô-ma được tặng Bằng khen, chó An-tốp được tặng Giấy khen.
Cụm cơ động chó nghiệp vụ, BĐBP Hà Tĩnh thường bố trí tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo 7 chú chó nghiệp vụ (4 chó chiến đấu, 3 chó ngửi ma túy). Đồng chí Nguyễn Trọng Dương huấn luyện chó Mic-ky cho biết: Nhiệm vụ lớn nhất trong dạy chó chiến đấu, phát hiện ma túy là dạy chúng phát hiện tiếng súng, đối tượng dùng súng gì, đến loạt đạn nào là loạt đạn cuối. Muốn vậy các thầy phải tập bắn các loại súng từ tiểu liên đến súng ngắn kết hợp sử dụng dao găm, rồi chạy liên tục hàng chục ki-lô-mét cho chó đuổi theo. Chiến sĩ biên phòng phải nắm, sử dụng đúng thế mạnh của chó thông qua hệ thần kinh, khứu giác để đào tạo chúng thành một binh chủng nghiệp vụ đặc thù. Tham gia Chuyên án 407L 2007, ta thu giữ 19 bánh heroin, nhưng chú chó Míc-ky đã hy sinh anh dũng trong lúc đỡ đạn thay cho hai chiến sĩ. Đó là chú chó hy sinh trong chiến đấu đầu tiên tại lực lượng BĐBP. Đồng chí Nguyễn Trọng Dương ốm liệt giường 2 tháng vì nhớ thương người “bạn chiến đấu” của mình.
Quận Sơn Trà, T.P Đà Nẵng năm ấy rộ lên nạn trộm cắp cáp điện. Kẻ cắp tinh vi xóa sạch dấu vết hiện trường. Chuyên án được ngành chức năng lập triển khai biện pháp ngăn ngừa. Cuối tháng 4-2014, Công an Sơn Trà “giăng lưới” bủa vây nhóm đối tượng tình nghi, bắt được Đậu Xuân Hiệu (sinh năm 1988, trú tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa), nhưng các đối tượng khác nhanh chân chạy thoát. Tại cơ quan điều tra, Hiệu một mực chối bỏ hành vi của mình. Đội chó nghiệp vụ BĐBP Đà Nẵng do Thượng úy Trần Văn Kiên-Đội trưởng cùng chó Zu và chó Tô của Trung úy Nguyễn Hữu Thứ được huy động vào cuộc “đánh hơi tang vật”, hỗ trợ lực lượng công an phá án. Chỉ vài động tác nhích mũi ngửi chiếc mũ, mảnh áo, 2 chó Zu và Tô đều tìm về đúng vị trí “đồng hơi” của đối tượng Hiệu. Từ cơ sở do chó nghiệp vụ xác nhận, cơ quan công an mở rộng điều tra, truy bắt thêm 2 đối tượng Nguyễn Văn Sơn, Bùi Sỹ Ánh (Tĩnh Gia). Tất cả đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Đội trưởng Thượng úy Trần Văn Kiên cho biết: Việc khẳng định nguồn hơi không phải là căn cứ pháp lý để buộc tội đối tượng nhưng là cơ sở giúp các điều tra viên đấu tranh, triển khai biện pháp nghiệp vụ buộc đối tượng nhận tội.
Trường trung cấp 24 Biên phòng (Ba Vì, Hà Nội), có hơn 600 chú chó đủ các loài, mỗi loài chó đảm nhận một nhiệm vụ riêng. Đây là nơi đào tạo chó nghiệp vụ lớn nhất cả nước hiện nay của Bộ Quốc phòng. Mỗi huấn luyện viên chỉ chăm sóc một chú chó riêng của mình, có nhiều chiến sĩ chỉ theo một chú chó từ lúc nhập ngũ đến tận khi ra quân. Điển hình là con Pô-ma, Trung tá Nguyễn Văn Mão nói: “Trong bốn năm, Pô-ma tìm kiếm tổng cộng 28 thi thể nạn nhân bị mất tích. Còn con Ê-vi của huấn luyện viên Ma Văn Ngân từng truy bắt một lúc 4 đối tượng của nhóm phản động Hoàng Cơ Minh tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vào tháng 2-1990. Mỗi tiêu bản chó nghiệp vụ là một lời tri ân, ghi nhớ cũng là một câu chuyện giáo dục truyền thống cho các chiến sĩ trẻ làm tốt hơn nhiệm vụ của mình trong công cuộc bảo vệ an ninh biên giới quốc gia”.
Đoàn Học, Duy Sơn