Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 64/TB-VPCP thông báo kết luận trên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về Đề án quốc gia “Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam". Trước đó, ngày 24/2, Thường trực Chính phủ đã họp nghe báo cáo cụ thể về Đề án quan trọng này.
Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, sẽ chỉ có một Trung tâm Phát hành khóa và chữ ký số quốc gia đặt tại Bộ Công an. Các cơ quan liên quan cùng khai thác thông tin của Trung tâm này. Giao Bộ Công an tiếp tục thực hiện Chỉ thị 29/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/12/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Bộ cần phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, nghiên cứu việc thu và sử dụng nguồn thu lệ phí hộ chiếu của Đề án quốc gia “Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam", trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Hộ chiếu điện tử sẽ được áp dụng công nghệ gắn chíp, mọi thông tin về nhân thân của người được cấp hộ chiếu sẽ được gắn vào con chíp. Việc quản lý hồ sơ xin cấp hộ chiếu (như nhận dạng, đọc tên tuổi và các thông tin cá nhân) sẽ thông qua hệ thống con chíp này. Hộ chiếu gắn chíp điện tử sẽ chống được việc làm thông tin giả để xin cấp hộ chiếu.
Hiện nay nhu cầu cấp hộ chiếu của công dân Việt Nam ngày càng tăng, do thủ tục cấp hộ chiếu ngày càng đơn giản, gọn nhẹ. Thời hạn hộ chiếu phổ thông hiện quy định là không quá 10 năm tính từ ngày cấp.
Cũng theo Dự thảo Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015, mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, 100% hộ chiếu được cấp cho công dân Việt Nam phục vụ công tác xuất, nhập cảnh là hộ chiếu điện tử, đồng thời 100% các cơ quan nhà nước kết nối mạng diện rộng của Đảng và Nhà nước được cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số và xác thực quốc gia.
Chí Đức