Cờ hoa rợp trời, rợp phố và rợp cả lòng người. Thật khó mà nhận ra đâu là hoa, đâu là những gương mặt người, đâu là tiếng cười, là tiếng pháo reo vui.
Người dân Mỹ Tho đã khóc. Ôi! Tiếng khóc đổi đời bao năm khát khao mong đợi. Có người mẹ đi tìm con cứ chạy ngược, chạy xuôi, gặp chiến sĩ nào mẹ cũng ôm, cũng hỏi… Có người vợ già đi vì nỗi đợi chờ bao tháng năm dài, bỗng chốc như trẻ lại thời thiếu nữ…
Dù đó là tiếng khóc của niềm vui hay tiếng khóc của nỗi đau thì ngày hôm ấy cũng được ghi nhận như một chuyện thần kỳ, một ký ức khó quên.
Ba mươi sáu năm đi qua, mà tôi cứ ngỡ mới như hôm qua. Nghĩ đến ngày ấy lòng tôi lại thấy nôn nao, bởi vì những giờ phút cuối cùng của trận đánh 36 năm là kỷ niệm sâu sắc nhất đời tôi.
Đầu tháng 4 năm 1975, những thắng lợi dồn dập trên chiến trường miền Nam đã làm nức lòng đồng bào cả nước. Ngụy quân, ngụy quyền đang đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Ta chủ trương tiến công quyết liệt, thần tốc, táo bạo và quyết giành toàn thắng với phương châm “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh…”
Để đảm bảo tốc độ cho chiến dịch, các mũi tiến công của quân ta trên chiến trường Mỹ Tho – Gò Công phải vận dụng phương án bao vậy, tiêu diệt, bức rút, bức hàng và tiến hành theo kế hoạch. Các trung đoàn 2,3 đứng tại Kinh Năng, Trung đoàn 1 Sư đoàn 8 bộ binh triển khai quân ở xã Tam Hiệp và Trung Lương, Trung đoàn 320 đứng chặn đánh xe cắt đứt quốc lộ 4 (QL1 bây giờ) tại Long Định. Chúng tôi được lệnh nhanh chóng đánh chiếm khu pháo binh, hậu cứ đại đội đội 638 bảo an, phát triển sang dinh quận. Đại đội 1 đánh chiếm hậu cứ đại đội 109 ngụy và hậu cứ đại đội 705. Bộ đội ta tiến quân đến đâu, bọn lính ngụy phải bỏ nón, giày, quần áo, súng đạn đủ các sắc lính bừa bãi, không lối chen chân. Trong phòng làm việc của tên thiếu tá Thu, quận trưởng Chợ Gạo, tấm bản đồ còn treo nguyên trên tường, ghi rõ các mũi tiến công của ta và những chốt cố thủ của địch. Quạt trần vẫn quay, radio không tắt, công văn giấy tờ vứt trắng cả nền nhà. Một quyển lịch trên bàn làm việc của viên quận trưởng giở đến ngày 30-4, ghi vắn tắt mấy dòng: “Cộng quân tấn công mạnh hướng bắc và hướng đông, chi khu Chợ Gạo bị áp lực mạnh…”. Cái gạt tàn đầy ắp những tàn thuốc hút dở dang, có điếu được châm lửa mà không hút, tàn thuốc vắt dài như con sâu. Dường như những phút giây căng thẳng đã làm viên thiếu tá quận trưởng không còn đủ bình tĩnh hút thuốc nữa. Chúng đã chạy vội, chạy mà không kịp giấu đi sự cay đắng và hốt hoảng. Trong kế hoạch phòng thủ, kinh Chợ Gạo được coi như là một vị trí chiến lược quan trọng; một con đường giao thông huyết mạch từ Sài Gòn đi miền Tây và ngược lại. Cho nên, chúng tập trung ở đây, ngoài các lực lượng bảo an còn có các đơn vị trinh sát tiểu khu, sư đoàn 7, sư đoàn 9 ngụy có xe M113 yểm trợ. Thị trấn Chợ Gạo cũng được treo một giải thưởng nếu đơn vị nào tử thủ được. Số phận của những tên lính ngụy được mang ra để mặc cả, để đánh đổi những đồng bạc giấy. Nhưng rồi Chợ Gạo cũng không giữ nổi. Chợ Gạo được giải phóng vài giờ, quân ta tiếp tục hành tiến về vây ép tiến công Mỹ Tho. Bộ đội ta tiến vào thành phố Mỹ Tho với sự hân hoan chào đón của nhân dân. Hai bên đường đầy cờ hoa, còn bộ đội ta rạng rỡ với nụ cười chiến thắng. Chúng tôi bỏ lại mục tiêu Ông Văn để tiến về phía bắc thành phố Mỹ Tho cho kịp với các cánh quân khác. Không còn thời gian dừng lại, chúng tôi vừa hành quân vừa ăn, vừa quán triệt mệnh lệnh. Nhiệm vụ hệ trọng nhường ấy mà chỉ phổ biến mấy câu. Chờ đợi đã lâu lắm, mong mỏi đã nhiều, bây giờ chỉ cần nói một lời là hiểu, hô một tiếng là tất cả lao lên, ào tới như một cơn lũ.
Chiến dịch Hồ Chí Minh! Các chiến sĩ ta không nén nổi xúc động khi nghe những lời ấy. Lệnh trên: Có thời gian chuẩn bị cũng đánh, không có thời gian chuẩn bị cũng đánh. Quyết tâm vào giải phóng thành phố Mỹ Tho trong đêm nay (30-4-1975). Các chiến sĩ nắêm tay nhau hẹn hò. Những lời chúc mừng làm xôn xao cả đoàn quân, cả những dãy nhà bên đường vừa mới được giải phóng.
Bỗng trên đầu hàng quân có những tiếng súng nổ dữ dội, bước hành tiến khựng lại. Chị Mười, phụ trách dân công, người cán bộ phụ nữ huyện suốt thời gian gắn bó với bộ đội ở chiến trường, bảo tôi:
- Căn cứ pháo binh 71 và chiến đoàn 6 đó chú à!
Căn cứ pháo binh 71 ngụy (hay gọi là khu Mãnh Hổ) và căn cứ chiến đoàn 6 (xe thiết giáp) là một trong những vị trí chiến lược hết sức quan trọng phía đông bắc thành phố Mỹ Tho. Dùi thủng cái chốt này, đường vào thành phố Mỹ Tho mở thêm hướng quan trọng.
Sau mấy loạt đạn, pháo xe tăng địch bắn hoảng loạn, hầu như tất cả đều im lặng. Chỉ còn có lửa và khói bốc cao trên những căn nhà trong khu quân sự. Đoàn quân ta lại rùng rùng chuyển động. Chị Mười, không giấu được niềm vui, quay sang tôi:
- Chúng nó chạy hết rồi, thằng Mỹ có ba đầu, sáu tay cũng không thể cứu nổi được bọn ngụy nữa, đến số
rồi mà!
Chúng tôi đến căn cứ pháo binh 71. Khi trận chiến đấu ở đây vừa kết thúc. Bọn địch bỏ chạy, đồ vật còn nguyên vẹn. Một đơn vị của Thành đội Mỹ Tho vào tiếp quản.
Ở nội ô thành phố, đội vũ trang an ninh được hỗ trợ quần chúng nhân dân hỗ trợ đánh chiếm Ty Công an, khống chế tên Sáu Nhiều, buộc chúng ra lệnh thả tù chính trị.
Ở phía bắc, đại đội 2 và đại đội 5 cùng du kích Đạo Thạnh tiến công phân chi khu Đạo Thạnh, bức hàng đại đội bảo an 516.
Phía tây, đại đôïi 1 Thành đội Mỹ Tho và các đội biệt động cùng du kích Trung An đánh chiếm khu Trung Lương. Các trung đoàn chủ lực Khu 8 đánh chiếm căn cứ Đồng Tâm và cắt đứt quốc lộ 4.
Cả bốn mặt thành phố Mỹ Tho đã bị khép chặt. Số phận của cái chính thể Việt Nam Cộng hòa và những tên lính bấy lâu sống nhờ đô-la Mỹ sắp sửa kết thúc. Tuy nhiên, chúng vẫn điên cuồng chống trả. Theo lệnh của Trung tướng Nguyễn Khoa Nam – Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật và tên chuẩn tướng Trần Văn Hai – Tư lệnh sư đoàn 7 kiêm tư lệnh khu chiến thuật Tiền Giang đều trung đoàn 16 sư đoàn 9 tăng cường cho Mỹ Tho “tử thủ”.
Sau khi quân ta chiếm được sân bay Giếng Nước, bến xe (cũ) phường 5 thiết lập chốt ngăn chặn không cho địch kéo vào thành phố Mỹ Tho, bỗng có hai chi đoàn xe bọc thép M113 và 2 tiểu đoàn sư 9 từ Trung Lương kéo vào. Ta dùng loa kêu gọi chúng dừng lại và buông súng đầu hàng. Nhưng ba chiếc chạy đầu vẫn ngoan cố vượt qua. Một chiến sĩ B40 của đại đội 5 nổ súng, chiếc đi đầu bị hư hại nặng, sau đó ta bắt sống 2 chiếc khác. Toàn bộ quân địch gần 1.000 tên dừng lại. Những tên lính trước đây vài ngày, vài giờ còn cao giọng “tử thủ” thì bây giờ rất trật tự xếp hàng năm, hàng bày đi theo các chiến sĩ ta về nơi tập trung tù binh.
Tôi gặp một tên lính bị quân ta bắt khoảng tháng 3 năm 1975, khi giải phóng phân chi khu Thanh Bình (Chợ Gạo), sau đó được phóng thích tại lộ Bốn Ngàn, hẳn là người miền Trung. Hồi đó, tôi chỉ đạo cho y tá băng bó vết thương cho hắn nên hắn nhớ tôi rất rõ. Khi nhận ra tôi, hắn chạy ra khỏi hàng, tỏ thái độ mừng rỡ, tay giơ lên như chào, miệng nói “Chào anh giải phóng!” rồi nói thật to như muốn cho cả toán tù binh cùng nghe: “ Thế là từ nay chắc sống thiệt rồi, không bị bắt lính nữa anh giải phóng à!”
Tù binh đứng chật cả sân trường Gioan 23 (phường 5), chỉ có hơn 10 cán bộ chiến sĩ ta dáng người nhỏ bé mà quản cả lúc hàng nghìn tên tù binh song chẳng có tên tù binh nào bỏ trốn. Bởi vì trước mắt chúng còn nơi nào đâu an toàn, còn chỗ nào đâu đứng vững. Sài Gòn – căn cứ sào huyệt cuối cùng, hang ổ kiên cố nhất cũng được giải phóng. Những đợt sóng thần đang cuốn về phía đó, sức mạnh của trận bão đã được tích tụ mấy mươi năm đang cuồn cuộn trào dâng.
Giải phóng! Giải phóng! Những từ ngữ đó đã trở nên chật hẹp trước hiện thực lớn lao, kỳ vĩ chỉ có một không hai đó, giải phóng không chỉ còn bó hẹp trong phạm vi địa lý, những khái niệm địa lý. Đó là sự tháo gỡ cho những cuộc đời, những số phận. Từ ngày hôm ấy, đồng bào miền Nam được sống tự do và những tên lính ngụy cũng không còn nơm nớp sợ chết trận.
Và chỉ một vài giờ sau đó, cả thành phố Mỹ Tho được giải phóng hoàn toàn. Nhân dân thành phố Mỹ Tho đổ ra đường mừng chiến thắng, mừng quân dân ta dũng chiến đấu trong trận đánh cuối cùng, giải phóng quê hương, một trận đánh cả dân tộc chuẩn bị suốt bao nhiêu năm.
Đất nước đang bước từng bước vững chắc trên con đường đổi mới, dù có nhiều khó khăn nhưng cuộc sống ngày mỗi được nâng cao. Trong niềm vui ấy, tôi và bao đồng đội không thể nào quên những kỷ niệm đẹp, những hồi ức khó quên của những ngày tháng 4 ở Mỹ Tho cách đây 36 năm về trước.
Lê Hồng Lâm