Dù ở tuổi 100 nhưng Đại tướng Nguyễn Quyết hằng ngày vẫn cập nhật thông tin trên báo chí. Ảnh: DUY THÀNH.

Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam năm nay vừa tròn 100 tuổi. Đại tướng Nguyễn Quyết đã dành trọn cuộc đời mình cho Đảng, Nhà nước và quân đội.

Nói về Đại tướng Nguyễn Quyết, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từng đánh giá: “Là người được Đảng giao nhiệm vụ làm công tác Đảng, công tác chính trị, tư tưởng trong quân đội, trải qua rất nhiều chiến trường, nhiều cương vị công tác từ chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng, Quân khu 5, Quân khu Tả Ngạn, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước... ở cương vị nào, trong hoàn cảnh nào, đồng chí Nguyễn Quyết cũng tỏ ra thích ứng nhanh, năng động, sáng tạo... Nói về Đại tướng Nguyễn Quyết, tôi thấy không có gì đầy đủ bằng 8 chữ, đó là: Một vị tướng “tài năng, đức độ, trung hiếu, vẹn toàn”.

Nhận xét đó được minh chứng rõ nét trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Quyết.

Tháng 8-1945, khi nghe tin Nhật đầu hàng đồng minh, mặc dù chưa nhận được Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, nhưng căn cứ vào Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Thường vụ Trung ương Đảng ngày 12-3-1945 và quyết định khởi nghĩa của Xứ ủy Bắc Kỳ, trên cơ sở nắm vững tình hình ta và thái độ của địch, với trách nhiệm là Bí thư Thành ủy Hà Nội kiêm phụ trách quân sự, đồng chí Nguyễn Quyết đã triệu tập Hội nghị Thành ủy mở rộng quyết định chớp lấy thời cơ, dùng phương thức nổi dậy bằng lực lượng chính trị của quần chúng có lực lượng tự vệ làm nòng cốt, giành chính quyền thắng lợi trọn vẹn.

Đây là một quyết định rất sáng tạo, rất kiên quyết và rất kịp thời với tinh thần tự lực cao “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” giành thắng lợi quan trọng ở một vị trí chiến lược, trung tâm đầu não của kẻ thù. Đây cũng là cống hiến rất lớn của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội cả về ý nghĩa thực tiễn và lý luận, cung cấp cho Trung ương một phương thức mới, rất độc đáo, không theo khuôn mẫu nào, để lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi trong toàn quốc, trong tình hình thế và lực của địch đã thay đổi.

Riêng với đồng chí Nguyễn Quyết, thời điểm ấy, chỉ với 23 tuổi đời, 5 năm tuổi Đảng, đây là một dấu ấn sâu sắc nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí về tinh thần chủ động sáng tạo, dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm với Đảng, với dân trước thời cơ có một không hai trong lịch sử.

Ở Liên khu 5, nơi đồng chí Nguyễn Quyết tham gia lãnh đạo trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, “nổi tiếng” về tinh thần tự lực tự cường trong kinh tế tự túc, giải quyết hậu cần tại chỗ, sớm xây dựng LLVT 3 thứ quân, giữ vững vùng tự do rộng lớn từ đầu đến cuối cuộc kháng chiến. Đánh mạnh ở vùng tạm bị chiếm, tự giải quyết chiến trường, phối hợp đắc lực với chiến trường chính Điện Biên Phủ.

Quảng Nam-Đà Nẵng, chiến trường chính của Liên khu 5, nơi đồng chí Nguyễn Quyết được phân công phụ trách từ đầu cuộc kháng chiến toàn quốc đến năm 1950. Đồng chí đã cùng quân và dân nơi đây chặn đứng quân địch ngay từ khi chúng tấn công ồ ạt, giữ vững vùng tự do, phá tan âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh, chia cắt chiến lược miền Nam Đông Dương đến vĩ tuyến 16.

Tháng 4-1968, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, đồng chí Nguyễn Quyết và đồng chí Cao Văn Khánh được Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ đưa Sư đoàn 308 vào Mặt trận Trị-Thiên để cùng lực lượng tại chỗ mở cuộc tiến công đợt 2, giành thắng lợi quyết định. Phán đoán được tình hình, đồng chí Nguyễn Quyết bàn với đồng chí Cao Văn Khánh tạm ở lại miền Bắc, ông vào trước chuẩn bị, đưa quân vào sau. Khi đồng chí Nguyễn Quyết vào tới nơi, tình hình đã thay đổi, khác hẳn so với trước. Địch phản công quyết liệt, quân ta bị thương vong nhiều. Nhận thấy thời cơ không còn nữa, cần phải có thời gian để chuẩn bị tiếp, mặc dù còn nhiều ý kiến không nhất trí, nhưng đồng chí Nguyễn Quyết vẫn báo cáo xin phép Quân ủy Trung ương không đưa Sư đoàn 308 vào. Ý kiến của ông được Quân ủy Trung ương chấp nhận. Đây là một quyết định đúng đắn, không tả khuynh mạo hiểm, tránh hy sinh lực lượng không cần thiết.

Gần 30 năm xây dựng và chiến đấu ở địa bàn Quân khu 3, trong khi còn có ý kiến hoài nghi về khả năng chi viện lớn cho các chiến trường, cho rằng Quân khu 3 không đủ sức xây dựng những binh đoàn chủ lực đánh lớn ở miền Nam, hoài nghi về khả năng và vai trò của dân quân tự vệ trong đánh máy bay và tàu chiến Mỹ. Nhận rõ khả năng mới, chất lượng mới, đồng chí Nguyễn Quyết đã cùng Quân khu ủy, Bộ tư lệnh quân khu và các địa phương có những biện pháp sáng tạo, đi sâu cơ sở, phát động quần chúng giải quyết vấn đề “thấp, bé, nhẹ cân” thực hiện công bằng, dân chủ trong tuyển quân, xây dựng phân đội dự bị, “bộ đội làng” chuẩn bị sẵn sàng chi viện ngay từ cơ sở. Những sư đoàn, trung đoàn của Quân khu 3 vào chiến trường đều đánh giỏi, lập công xuất sắc, nhiều đơn vị được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân.

Một lần nữa, dù chưa nhận được chỉ thị của cấp trên, nhưng do nắm vững tình hình, trong cuộc chiến chống lại chiến dịch dùng B-52 của đế quốc Mỹ đánh phá Hà Nội và Hải Phòng, ông đã chủ động cùng Thành ủy, UBND TP Hải Phòng sơ tán hơn 1,7 triệu dân, trước khi B-52 đánh vào thành phố cảng, tháng 12-1972.

Năm 1973, sau khi đế quốc Mỹ thất bại liên tiếp, buộc phải ký Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân Mỹ và đồng minh về nước, có ý kiến cấp trên cho rằng, để giải quyết vấn đề miền Nam bằng hòa bình, không cần tuyển quân chi viện nữa. Từ kinh nghiệm của việc thi hành Hiệp định Geneva, nhận rõ âm mưu và thủ đoạn của địch, đồng chí Nguyễn Quyết vẫn chủ trương tiếp tục chuẩn bị tuyển quân và thực tế sau đó Quân khu 3 vẫn phải tiếp tục chi viện lớn và khẩn trương hơn cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai của đế quốc Mỹ, khi mà hầu hết lực lượng chủ lực của Quân khu 3 đã được điều vào chiến trường miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế, ông chủ trương xây dựng nhiều đơn vị dân quân, tự vệ mạnh (do dân nuôi), được binh chủng hóa, cơ động phối hợp chiến đấu và sẵn sàng thay thế chủ lực bắn máy bay và tàu chiến Mỹ. Ông nhận thức sâu sắc rằng, số máy bay và tàu chiến Mỹ do dân quân tự vệ bắn rơi, bắn chìm không lớn nhưng điều quan trọng có tính quyết định là làm cho địch bị bế tắc về chiến lược, tạo điều kiện cho chủ lực ta đánh thắng máy bay và tàu chiến Mỹ.

Với chiều sâu tư duy sắc sảo, táo bạo và nhạy bén, có tầm nhìn xa trông rộng, đồng chí Nguyễn Quyết đã có những phát hiện đi trước thời gian. Ở mỗi giai đoạn của cách mạng, nhận rõ tình hình và đặc điểm của đất nước, tính chất và khả năng của quân đội cách mạng, đồng chí Nguyễn Quyết luôn luôn quán triệt thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược của Đảng và 3 chức năng của quân đội. Trong chiến tranh, quân đội phải chiến đấu để bảo vệ dân, bảo vệ sản xuất, góp phần giải quyết hậu quả chiến tranh; trong thời bình, quân đội phải vừa bảo vệ vừa xây dựng đất nước.

Từ khởi xướng Phong trào “Ra quân, ra của, ra chiến thắng” trong kháng chiến chống Mỹ, sau khi thực hiện được khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đất nước lại đứng trước trạng thái vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh. Trước muôn vàn khó khăn của đất nước, của quân đội, ông lại khởi xướng Phong trào “Làm giàu, đánh thắng” trong LLVT và nhân dân trên địa bàn Quân khu 3. Vừa sẵn sàng chiến đấu, chi viện hết lòng cho phía trước, vừa đưa bộ đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, nhằm tháo gỡ khó khăn cho quân đội, cũng là góp phần tháo gỡ khó khăn chung của đất nước. Phong trào này đã đi vào lòng người, không những được LLVT quân khu hưởng ứng mà còn được đảng bộ và đông đảo nhân dân đồng tình thực hiện.

Khi phát động Phong trào “Vươn ra Biển Đông làm giàu, đánh thắng”, mặc dù còn nhiều ý kiến chưa nhất trí, thậm chí phản bác, cho là trái với đường lối xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa, đồng chí đã coi kinh tế gia đình không phải là “kinh tế phụ” mà là một thành phần kinh tế có vị trí chiến lược. Đây là cách nhìn rất thực tiễn, rất phù hợp với nền kinh tế Việt Nam, nền kinh tế nông nghiệp, sản xuất nhỏ, rất phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và đồng chí Nguyễn Quyết đã cùng với các tỉnh, thành ủy trong Quân khu 3 động viên toàn dân làm kinh tế gia đình, góp phần quan trọng giải quyết đời sống cho nhân dân từ thiếu đói đi lên đủ ăn, có dự trữ, có đóng góp.

Từ giữa năm 1979, sau cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, căn cứ vào tình hình trong nước và xu thế của thế giới, đồng chí Nguyễn Quyết khẳng định là chưa có khả năng xảy ra chiến tranh quy mô lớn. Vì vậy, trong hoàn cảnh khó khăn gay gắt của đất nước, với vị trí và đặc điểm của Quân khu 3, đồng chí cùng Quân khu ủy và Bộ tư lệnh quân khu quyết định “không ôm súng ngồi” mà đồng thời làm hai nhiệm vụ trung tâm: Vừa sẵn sàng chiến đấu và chi viện, đồng thời tranh thủ hòa bình, đưa bộ đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, tiếp tục đưa Phong trào “Làm giàu, đánh thắng” lên bước cao hơn.

Sau các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, trước muôn vàn khó khăn, chủ trương “Làm giàu, đánh thắng” đã góp phần giải quyết khủng hoảng. Qua đó đã phát hiện ra những nhân tố mới, những xu thế mới. Đây là những sáng tạo lớn, mở ra một con đường mới làm tiền đề cho những chủ trương, những cơ chế, chính sách mới của Đảng trong Đại hội lần thứ VI trên cả lĩnh vực kinh tế và quốc phòng.

Từ những kinh nghiệm trong những ngày đầu hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Quyết nhận biết vai trò cách mạng của quần chúng không chỉ trong vận động khởi nghĩa, trong chiến tranh mà cả trong hòa bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí rất quan tâm xây dựng cơ sở, xây dựng căn cứ, xây dựng hậu phương, xác định rõ trong bất cứ thời kỳ nào, cơ sở đều có vị trí chiến lược.

Đi đôi với vận động nhân dân tham gia cách mạng, tổ chức cho bộ đội chiến đấu và chiến thắng, Đại tướng Nguyễn Quyết còn rất quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, đời sống của nhân dân, tạo điều kiện thực hiện chính sách nhất là đối với những người có công với cách mạng, những đơn vị làm nhiệm vụ ở vùng khó khăn, nguy hiểm. Đồng chí chú ý lắng nghe và thường dễ xúc động trước những hy sinh, mất mát của đồng bào, đồng chí, của cán bộ, chiến sĩ.

Công tác chính sách cán bộ và hậu phương quân đội dưới sự chỉ đạo của đồng chí trong những năm làm Chính ủy, rồi Tư lệnh Quân khu 3 cũng như làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã có những chuyển biến căn bản và tác dụng tích cực đến việc ổn định tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Chính nhờ việc thực hiện tốt các chính sách này, đặc biệt là chính sách nhà ở cho đội ngũ cán bộ, đi đôi với công tác tư tưởng, công tác tổ chức mà Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Bộ Quốc phòng có thể thực hiện được kế hoạch tinh giản biên chế trong quân đội một cách tốt nhất, tạo được bầu không khí phấn chấn trong tuyển quân, xây dựng quân đội. Các cán bộ quân đội dù tiếp tục cống hiến cho quân đội hay chuyển ra ngoài quân đội, về hưu... đều góp phần hoàn thành nhiệm vụ. Đại tướng Nguyễn Quyết xứng đáng được cán bộ các cấp trong quân đội tặng cái tên trìu mến “vị tướng của cơ sở”, “vị tướng của chính sách”.

Trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định đường lối, chiến lược của Đảng, có đạo đức cách mạng trong sáng, đồng chí Nguyễn Quyết rất coi trọng sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, đoàn kết quân dân, đoàn kết nhất trí giữa cơ quan, đảng bộ quân đội với các cơ quan đảng bộ địa phương thuộc địa bàn quân khu. Năm 1966, khi đồng chí Nguyễn Quyết là Chính ủy Quân khu 3, trong lần về thăm và làm việc với quân khu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, hỏi ông: “Làm thế nào mà anh có mối quan hệ mật thiết với các tỉnh và thành phố như vậy?”. Đồng chí Nguyễn Quyết đáp: “Tôi chẳng có biện pháp gì hơn là khiêm tốn học hỏi chân thành, cộng tác cùng nhau làm nhiệm vụ chung. Chúng tôi coi công việc của các địa phương là công việc của quân khu và ngược lại, các địa phương coi công việc của quân khu như việc của địa phương mình”.

Năm 1992, Đại tướng Nguyễn Quyết được Đảng, Nhà nước và quân đội cho thôi chức vụ ở tuổi 70, nhưng Đại tướng Nguyễn Quyết vẫn tích cực nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm hoạt động cách mạng, xây dựng LLVT giúp cho các thế hệ đi sau tiếp bước con đường cách mạng vinh quang của dân tộc.

Với những cống hiến đặc biệt xuất sắc cho cách mạng và quân đội, Đại tướng Nguyễn Quyết đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương, huy hiệu và danh hiệu cao quý khác.

Đến nay, Đại tướng Nguyễn Quyết đã tròn 100 tuổi đời, 82 năm tuổi Đảng, trải qua quá trình thực tiễn hoạt động cách mạng đầy sôi động đã khẳng định: Đồng chí là một người cán bộ, đảng viên, nhất là trên cương vị chủ trì cơ quan hay đơn vị, luôn tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, luôn đặt lợi ích chung của Đảng, dân tộc và quân đội lên trên hết, trước hết. Mặc dù có những thăng trầm, với muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng đồng chí luôn nêu cao ý chí chiến đấu, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và chấp hành pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Nguyễn Quyết là một sự nghiệp vẻ vang, một cuộc đời cách mạng trọn vẹn và trong sáng.

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng Nguyễn Quyết, cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam hôm nay luôn mong đại tướng trường thọ, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

THÀNH AN