Lúc 12 giờ 50 phút đã có 2 xe vượt qua cầu Sáng, chiếc xe tăng thứ 3 đang qua cầu thì không may cầu bị sập, xe rơi xuống sông, đội hình phải dừng lại. Thấy hai bên đường là sình lầy khó cơ động cho xe pháo trong khi công binh chưa đến kịp, đơn vị lại phải cơ động gấp nên Bộ tư lệnh Sư đoàn quyết định cho Trung đoàn 28 hành quân ngược trở lại Tân Quy, theo đường 8 ra quốc lộ 1 tiến về Hóc Môn. Đến 18 giờ ngày 29-4, đội hình cơ động của trung đoàn vượt qua trung tâm huấn luyện Quang Trung thì dừng lại. Địch ở trong trung tâm bắn ra làm một số xe bị cháy và một số cán bộ, chiến sỹ thương vong, nhưng ta chỉ dùng lực lượng nhỏ khống chế, số còn lại vẫn hành tiến theo kế hoạch.
23 giờ ngày 29-4, Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ bổ sung cho Quân đoàn 3 dùng lực lượng đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và đây là nhiệm vụ chính thức, không phải nhiệm vụ phát triển hiệp đồng như trước. Vinh dự được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang, tranh thủ thời gian quý giá trong đêm, Sư đoàn dâng đội hình Trung đoàn 24 áp sát mục tiêu, tăng cường hỏa lực sẵn sàng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 28 sau khi phối hợp đánh chiếm sân bay chuyển sang tiến công Bộ Tổng tham mưu địch. Trong đêm, trung đoàn cử nhiều tổ trinh sát đi dò đường cho ngày hôm sau, nhưng đều gặp địch lại quay trở lại.
7 giờ 15 phút ngày 30-4, Thiếu tướng Vũ Lăng - Tư lệnh Quân đoàn ra lệnh tấn công. Lập tức các trận địa pháo của Quân đoàn và Sư đoàn 10 đồng loạt trút bão lửa xuống sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu địch. Giữa lúc quân địch đang hoang mang, dao động Trung đoàn 24 và xe tăng đột phá vào ngã tư Bảy Hiền, địch ngoan cố chống cự làm chiến sự diễn ra rất quyết liệt ngay từ những phút đầu. Đại đội 7, tiểu đoàn 5 và 11 xe tăng thiết giáp của các đại đội 1 và 11 Trung đoàn 273 do đại đội phó Nguyễn Hồng Tư chỉ huy đã dũng cảm đột kích mở đường. Bị đánh mạnh, hai tiểu đoàn địch vừa chống trả vừa lùi dần, bỏ lại xác hàng chục tên và 10 xe tăng, xe ô tô bốc cháy. Phát huy thắng lợi, đại đội phó xe tăng Nguyễn Hồng Tư dẫn đầu đột phá rồi cho xe 979 đột phá về hướng cổng số 5 sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng khi vừa phát triển được 100m, xe 979 bị trúng đạn, cả kíp xe anh dũng hy sinh. Lúc này xe 985 cũng vừa kịp xông lên, song khẩu pháo trên xe cũng bị địch bắn hỏng. Thấy địch ở cự ly gần, trưởng xe Mai Trọng Hoạt lệnh cho lái xe Phùng Văn Tính lao thẳng xe vào đám xe tăng địch rồi ép chiếc M48 vào tường, buộc bọn địch ở trong xe mở cửa xin hàng.
Sau 1 giờ chiến đấu, lúc 8 giờ 45 phút Trung đoàn 24 đã làm chủ khu vực ngã tư Bảy Hiền, rồi nhanh chóng phát triển về cổng số 5 sân bay Tân Sơn Nhất. Khi ta phát triển đến gần cổng số 5 thì địch dùng các loại hỏa lực xối xả bắn chặn làm 2 xe tăng của ta và 1 K63 trúng đạn bốc cháy, làm cho một số chiến sĩ bị thương vong. Mặc dù xe hỏng, bom đạn ác liệt nhưng các kíp xe và bộ binh vẫn kiên quyết bám trụ đánh trả địch. Pháo thủ xe tăng Nguyễn Trần Đoàn bị thương dập nát cánh tay, nhờ đồng đội cắt bỏ rồi vẫn tiếp tục chiến đấu. (Anh Đoàn hiện nay là giám đốc một doanh nghiệp mạnh và là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp CCB - thương binh TP Hải Phòng).
Sau 1 giờ chiến đấu, 9 giờ 45 phút đại đội 5 do chính trị viên Đỗ Trọng Lợi chỉ huy đã chiếm được cổng số 5, cùng đại đội 6 đánh vào bên trong, nhanh chóng đánh chiếm khu truyền tin, Bộ tư lệnh Sư đoàn không quân 5, chia cắt địch ở sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu. Đại đội 5 đã bắt được 57 tên địch, trong đó có 3 đại tá: Lê Hữu Tiền (chỉ huy khu truyền tin), Trần Quang Thái (phụ trách chiến tranh tâm lý), Nguyễn Duy Phụng (Sư đoàn phó Sư đoàn không quân 5).
Ngay khi tiểu đoàn 5 đánh vào cổng số 5, Trung đoàn 24 đưa các tiểu đoàn 4 và 6 vào chiến đấu. Lúc 9 giờ tiểu đoàn 4 nhanh chóng đánh chiếm Bộ tư lệnh dù, bắt liên lạc với phái đoàn quân sự của ta ở Trại Đa-vít, đánh chiếm sân bay trực thăng và khu tiểu đoàn công vụ. 10 giờ 30 phút một cuộc hội ngộ cảm động đã diễn ra giữa những người lính trên hai mặt trận chiến đấu và ngoại giao. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (Trưởng phái đoàn quân sự) ôm hôn các chiến sĩ Trung đoàn 24 quần áo sạm màu thuốc súng giữa lúc tiếng đạn vang rền khắp sân bay, ai cũng nước mắt lưng tròng. Theo yêu cầu của phái đoàn quân sự, đại đội 9 được ở lại chốt giữ Trại Đa-vít bảo vệ phái đoàn quân sự của ta.
Đúng 10 giờ 35 phút lá cờ chiến thắng được các chiến sỹ đại đội 10 và đại đội 11 tiểu đoàn 6 Trung đoàn 24 kéo lên đỉnh cột cờ của Bộ tư lệnh không quân ngụy, Tân Sơn Nhất hoàn toàn thuộc về ta. Bộ đội được tỏa ra bảo vệ các mục tiêu ta đã chiếm được.
Trên hướng Trung đoàn 28, bộ phận đi đầu đi nhầm vào trại Quang Trung, đến 8 giờ 20 phút quay trở lại vị trí xuất phát, sau đó cơ động về hướng tây bắc sân bay Tân Sơn Nhất. Đến 9 giờ đội hình của trung đoàn đã đến ngã tư Bảy Hiền, tiến qua khu vực Lăng Cha Cả, gặp Trung đoàn 24 đang đánh vào sân bay. Thấy đường Võ Tánh bị xe cháy ngổn ngang làm tắc nghẽn đường, Sư đoàn phó Vũ Khắc Phụng và Trung đoàn phó Đỗ Công Mùi cho đội hình tiến theo đường Trương Minh Ký qua nhà thờ Tân Châu Sa, rẽ sang đường Thoại Ngọc Hầu rồi trở lại đường Võ Tánh đánh vào Bộ Tổng tham mưu. Tại dinh lũy cuối cùng của quân địch, bộ binh xe tăng của chúng dựa vào công sự, nhà cao tầng ngoan cố chống cự, bịt cổng chính và cho một mũi từ phía nam tới phản kích làm ta một số thương vong.
Đến 10 giờ tiểu đoàn 3 và xe tăng thiết giáp do Tham mưu phó Trung đoàn Lê Ngọc Tùng chỉ huy đánh thẳng vào cổng chính Bộ Tổng tham mưu. Xe tăng 815 do đại đội phó Đỗ Hồng Kỳ chỉ huy bắn cháy chiếc xe tăng đi đầu của địch và diệt thêm 1 chiếc xe M113. Trước sức tấn công của ta, 3 xe tăng xe bọc thép của địch bị bắn cháy, nhiều tên địch bị tiêu diệt. Đại đội địch giữ cổng chính BTTM đầu hàng, số còn lại tháo chạy. Thừa thắng, hai mũi tiến công của Trung đoàn 28 đánh qua cổng chính và cổng phía đông nam vào bên trong. Xe tăng 982 do chính trị viên Nguyễn Hữu Thìn và xe tăng 815 của Đỗ Hồng Kỳ dẫn đầu đội hình tiến công lao thẳng vào nhà Sở chỉ huy của Tổng hành dinh quân địch.
11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 lá cờ chiến thắng được trung đội phó Trần Lựu và tiểu đội trưởng Nguyễn Duy Tân thuộc đại đội 10 Anh hùng Trung đoàn 28 kéo lên đỉnh cột cờ chính giữa tầng thượng ngôi nhà Sở chỉ huy "Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam cộng hòa" tung bay trong gió. Ngay sau đó, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 28 tỏa ra đánh chiếm và kiểm soát các mục tiêu xung quanh.
Dưới sự chỉ huy của Chính ủy Trung đoàn Nguyễn Ngọc Xuân và chính trị viên tiểu đoàn 3 Nguyễn Văn Quý, các chiến sĩ Trung đoàn 28 tiến vào các phòng làm việc thu gậy chỉ huy, giấy thông hành, lon "Trung tướng" và con dấu "Tổng thống" của Nguyễn Văn Thiệu, thanh kiếm chỉ huy của Cao Văn Viên cùng nhiều tài liệu khác quan trọng của bộ máy chỉ huy quân sự đầu não địch, những chứng tích của bộ máy bán nước.
Chiều cùng ngày, Trung đoàn 48 Sư đoàn 320B Quân đoàn 1 cũng bắt liên lạc được với Trung đoàn 28 ở nhà Sở chỉ huy. Tổ cắm cờ của Lại Đức Lưu, Hoàng Xuân Yến, Nguyễn Văn Đông thuộc Trung đoàn 48 cũng cắm một lá cờ giải phóng ở phía bên góc trái tầng thượng ngôi nhà.
Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và BTTM quân đội Sài Gòn là một trận đánh vô cùng ác liệt. Trước giờ chiến thắng, nhiều đồng đội đã anh dũng hy sinh, nhiều đồng chí đã để lại một phần xương máu của mình để có ngày hôm nay. Chúng ta vô cùng biết ơn các đồng chí.
Chiều 30-4-1975, Sài Gòn có một cơn mưa rào rất lớn làm cho không khí mát dịu hơn.
Sau chiến dịch, Trung đoàn 28 được thưởng Huân chương Quân công hạng nhì. Nhiều cán bộ, chiến sỹ được thưởng huân chương các loại.
Tổng kết chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đã nhận xét "Quân đoàn 3 đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, có thể nói là đặc biệt xuất sắc".
Thiếu tướng ĐỖ CÔNG MÙI, Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam